(VOV5) - Sự kiện văn hóa này là món quà tinh thần gửi tới khán giả trong cả nước và cộng đồng NVNONN trong ngày Tôn vinh tiếng Việt 08/09 năm nay.
Tối 8/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình nghệ thuật Gala Tiếng Việt thân thương với chủ đề: "Lời quê hương, lời sắt son”.
Sự kiện do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức, nhằm mục đích tôn vinh và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Sự kiện có sự tham dự của hơn 600 đại biểu là đại diện của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, chuyên gia về ngôn ngữ và văn hóa, các cơ quan thông tấn báo chí và các đại biểu kiều bào. |
Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhận định, các hoạt động triển khai Ngày Tôn vinh tiếng Việt nhận được sự quan tâm và hưởng ứng rộng rãi của các ban, bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài.
Các chương trình, hoạt động đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và đổi mới về cách thức thể hiện, qua đó tạo môi trường giao lưu, trau dồi tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là lớp trẻ:
“Tiếng nói là bản sắc dân tộc, là hành trang không thể thiếu đối với mỗi cá nhân khi ra thế giới, để hòa nhập mà không hòa tan, để khẳng định bản sắc với sở tại. Thật thân thương khi ở phương trời xa nào đó, bất chợt được nghe tiếng nói, những giai điệu, những vần thơ. Đó là sợi dây kết nối người Việt dù ở bất cứ nơi đâu. Tiếng Việt là niềm tự hào, là mạch nguồn dân tộc nuôi dưỡng tinh thần của người con đất Việt. Chúng tôi mong rằng, bà con ta luôn quan tâm đến việc dạy và học tiếng Việt cho con cháu mình - thế hệ tương lai cũng như bảo tồn và quảng bá những giá trị truyền thống tốt đẹp tới cộng đồng và quốc tế”.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Đỗ Hùng Việt mong muốn với sự hợp tác, hỗ trợ của các các bên liên quan, Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt, thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động, có thêm nhiều sáng kiến, ý tưởng để trao truyền tình yêu, niềm tự hào tiếng Việt và văn hóa Việt tới các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài. |
Tại chương trình, Phó Chủ nhiệm UBNNVNVNONN Nguyễn Mạnh Đông đã trao thưởng cho 5 thí sinh xuất sắc giành danh hiệu Sứ giả tiếng Việt trong Cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2024”, gồm: em Trần Vũ Hạnh My (Nhật Bản), chị Lanny Phetnion (Lào), chị Thuỷ Lê – Scherello (Đức), anh Nguyễn Thế Dương (Australia) và chị Nguyễn Thị Thu Loan (Algeria). .
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ ngoại giao trao thưởng cho 5 sứ giả tiếng Việt từ cuộc thi: " Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt trong cộng đồng người VNONN năm 2024. |
Chia sẻ niềm vui và tự hào, chị Lanny Phetnion- cô gái người Lào đặc biệt yêu thích VN cho biết sẽ nỗ lực để lan toả tiếng Việt đến với nhiều người dân Lào hơn nữa:
“Ngoài giảng dạy tại ĐH Quốc gia Lào, tôi có một trung tâm dạy tiếng Việt cho người Lào và tiếng Lào cho người Việt. Tôi tự soạn giáo án kèm video và mở những kênh online như You tube, Tictok, facebook cho người học miễn phí. Tôi cũng kết nối với Hội DN Việt Nam tại Lào để lan tỏa văn hóa tiếng Lào, tiếng Việt hiểu nhau hơn. Qua đó tôi muốn được vun đắp cho tình hữu nghị Lào Việt bền chặt hơn nữa. Như câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.Việt Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Tiết mục biểu diễn của ca sĩ Tùng Dương và các em thiếu nhi. |
Sứ giả tiếng Việt là những nhân tố mang sứ mệnh quan trọng quảng bá văn hóa, truyền cảm hứng, tạo động lực học tập và sử dụng tiếng Việt, từ đó góp phần gìn giữ, tôn vinh vẻ đẹp tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài… như những chia sẻ gửi gắm tâm huyết trong hành trình lan tỏa tiếng Việt của em Trần Vũ Hạnh My, anh Nguyễn Thế Dương và chị Thủy Lê – Scherello sau đây:
“Từ lúc bé, bố mẹ nói là cháu là người Việt thì cháu phải nói tiếng Việt nên cháu đã học tiếng Việt. Và, cháu rất thích được nói tiếng Việt với ông bà, các anh chị em họ mỗi khi về Việt Nam nên cháu thích học tiếng Việt ạ”. Em Trần Vũ Hạnh My, 8 tuổi kiều bào Nhật Bản.
Tiến sĩ Nguyến Thế Dương, kiều bào tại Australia
Sứ giả tiếng Việt 2024 |
Tiến sĩ Nguyễn Thế Dương từ Australia chia sẻ: “Đây là một hoạt động hết sức có ý nghĩa đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ngày này giúp cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng và vẻ đẹp của Tiếng Việt.
Lễ tôn vinh tiếng Việt có tác động rất lớn đến cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức của các bạn trẻ về việc gìn giữ tiếng Việt. Bởi biết tiếng Việt chính là giữ được sợi dây nguồn cội kết nối với ông bà và quê hương Việt Nam.”
“Tôi xúc động khi được danh hiệu này. Tiếng Việt ngấm và mang trong máu của mình rồi. Tôi là người viết sách nên rất muốn trẻ em Việt phải biết tiếng Việt, đọc sách Việt và cũng muốn trẻ em Đức biết về những câu chuyện cổ tích Việt Nam, nên tôi viết sách 2 cuốn song ngữ Đức Việt và Việt Anh, như một sự đóng góp nhỏ bé cho cộng đồng”. chị Thủy Lê – Scherello, sứ giả tiếng Việt 2024 đến kiều bào ở Liên bang Đức.
Các em thiếu nhi câu lạc bộ: Những bông hoa nhỏ. |
Với chủ đề “Lời quê hương, lời sắt son”, Gala Tiếng Việt thân thương năm nay là chương trình nghệ thuật giàu cảm xúc, gồm các tiết mục ca nhạc hấp dẫn với thông điệp về tình yêu quê hương, đất nước. Sự kiện văn hóa này là món quà tinh thần gửi tới khán giả trong cả nước và cộng đồng NVNONN trong ngày Tôn vinh tiếng Việt 08/09 năm nay, với mong muốn lan truyền cảm hứng mạnh mẽ hơn về tình yêu, tâm huyết gìn giữ tiếng Việt và bản sắc văn hóa Việt Nam tới cộng đồng người Việt ở khắp năm châu.
Điểm nhấn của chương trình Gala Tiếng Việt thân thương là các phóng sự xúc động, truyền cảm hứng về tâm huyết và nỗ lực gìn giữ tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài từ nhiều địa bàn ở khắp năm châu.