(VOV5) - Các doanh nghiệp chúng ta luôn phải phải tạo được thế kiềng 3 chân vững chắc. Đó là Chiến lược, Hình ảnh và Văn hóa doanh nghiệp để phát triển một cách bền vững
Trong thời kỳ hội nhập thương mại toàn cầu hiện nay, những doanh nghiệp Việt với sản phẩm tốt ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế. Bên cạnh phát triển chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến xây dựng hình ảnh thương hiệu. Trong chiến lược marketing, hình ảnh bao bì đóng vai trò quan trọng, tạo ra sự nổi bật, ấn tượng cho sản phẩm của doanh nghiệp giữa những sản phẩm cùng loại của đối thủ cạnh tranh khác.
Đó là chia sẻ của doanh nhân kiều bào Singapore Danny Võ Thành Đăng, chuyên gia tư vấn xây dựng phát triển thương hiệu, diễn giả truyền cảm hứng về khởi nghiệp sáng tạo, trong cuộc trò chuyện với phóng viên VOV5.
Danny Võ Thành Đăng, doanh nhân kiều bào Singapore, Phó Chủ tịch Hiệp Hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài., Diễn giả truyền cảm hứng về khởi nghiệp, sáng tạo... Ảnh nhân vật cung cấp |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Trong xu thế hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, Việt Nam đang có FTA với nhiều nước,.Điều này đang mở ra rất nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam vươn ra nước ngoài.Theo Anh, để sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì những doanh nghiệp Việt vẫn cần phải chú trọng điều gì nhất?
Danny Võ Thành Đăng: Bản thân tôi làm về ngành tư vấn thương hiệu từ hơn 10 năm nay, bên cạnh đó còn làm ở mảng đào tạo phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp start-up. Tôi nhận thấy rằng, doanh nghiệp Việt muốn có sản phẩm xuất bán ra nước ngoài, muốn tham gia bất ký một hiệp định nào đi chăng nữa thì chúng ta cần phải đầu tư đúng mức hơn về xây dựng hình ảnh thương hiệu, về việc tạo ra những giá trị khác biệt. Đó là điều bản thân tôi thường xuyên tham gia đóng góp đặc biệt với các dự án của những nhóm hội đoàn, dự án khởi nghiệp ở các tỉnh thành đặc biệt là các bạn trẻ.
Danny Võ Thành Đăng tại một sự kiện kết nối doanh nhân Việt Nam- Malaysia |
Tôi thường đóng góp chia sẻ với họ về việc phát triển thương hiệu cũng như xây dựng thương hiệu cá nhân, giao tiếp với vai trò là một người lãnh đạo, một doanh nhân như thế nào để chúng ta có thể vươn tầm tiếp cận với các CEO, các tập đoàn quốc tế một cách tự tin nhất. Việt Nam có một làn sóng khởi nghiệp khá mạnh cách đây vài năm. Đại dịch Covid-19 xảy đến được coi như là một lưới lọc để chúng ta tìm ra những doanh nghiệp có chất, đủ tiềm năng, tiềm lực để phát triển. Một trong những vấn đề tôi thường thấy là các doanh nghiệp Việt cần phải tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng, phát triển hình ảnh cho sản phẩm của họ.
PV: Vậy để tạo những dấu ấn đầu tiên cho người mua hàng, trong chiến lược marketing khi tư vấn cho khách hàng đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ, Anh thường nhấn mạnh đến yếu tố gì?
Danny Võ Thành Đăng: Rất nhiều sản phẩm Việt Nam bước ra thị trường rõ ràng là chất lượng chúng ta có nhưng về mặt hình ảnh, về quảng bá truyền thông để làm sao người ta có thể nhận thực sự khác biệt, độc đáo nhanh chóng nhất để từ đó có thể bán được sản phẩm của mình ra nước ngoài. Đó là điều mà tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp trẻ của mình cần phải đặc biệt lưu ý. Một ví dụ đơn giản là khi chúng ta xuất hàng ra nước ngoài thông thường qua kênh siêu thị.
Các sản phẩm có màu sắc bắt mắt trưng bày trong quầy kệ siêu thị. Ảnh minh hoa/HT |
Người mua thường để ý đầu tiên đến cái bao bì. Người Việt mình thường nói ‘Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, chính vì câu nói này, chúng ta đôi khi chú trọng đến cái chất ở bên trong mà lại quên mất cái hình ảnh bên ngoài cũng hết sức quan trọng. Nên trong khi tư vấn, tôi hay mạo muội nói rằng “Tốt gỗ phải tốt cả nước sơn’. Khi đi mua sắm, trên các kệ hàng giữa muôn vàn sản phẩm cùng loại thì trong giây lát đầu người mua thường để ý đến cái nổi trội hơn, rồi định tìm hiểu và thử. Điều đó rất là quan trọng.
Nên tôi thường khuyên các doanh nghiệp, trong xây dựng thương hiệu cần làm chủ, làm tốt được 3 điều. Thứ nhất là chiến lược, thứ 2 là phát triển thương hiệu, thứ 3 là văn hóa doanh nghiệp để tạo ra sự bền vững. Chẳng hạn như một số thương hiệu tôi đang tư vấn như nước Đông trùng hạ thảo Hector - hàng Việt 100%. Thứ nhất, họ có chất lượng sản phẩm, bên cạnh đó có hình ảnh bao bì và niềm tin vào giá trị thực khi sử dụng. Hoặc một thương hiệu rất mới vừa được nhận diện tại thị trường Việt Nam, đó là mật hoa dừa Sokfarm. Chúng ta đã biết về cây dừa rất lâu nhưng doanh nghiệp nghĩ đến việc lấy mật của hoa dừa để thay thế mật ong dành cho những người ăn chay. Sản phẩm này đang có tiềm năng xuất bán sang thị trường các nước Hồi giáo như Malaysia vì có chứng chỉ Halal. Đó là những điểm đặc biệt nổi trội về chất rồi và bước kế tiếp là đầu tư hình ảnh bao bì và chiến lược quảng bá để lan tỏa sản phẩm tốt hơn.
PV: Trong kỷ nguyên số khi mà sản phẩm được mua bán online ngày càng nhiều thì theo anh, doanh nghiệp Việt cần phải tuân thủ các quy tắc thương mại cũng như ứng dụng công nghệ như thế nào để sản phẩm được tiếp cận tốt hơn trên thị trường?
Danny Võ Thành Đăng: Hiện tại Chính phủ đang làm những công đường rất tốt, dọn đường cho chúng ta với nhiều hiệp định thương mại ở khắp nơi trên thế giới từ EVFTA với Châu Âu rồi CPTPP với châu Á, Thái Bình Dương… Chúng ta có rất rất nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường thế giới nhưng vấn đề này đặt ra rất nhiều thử thách cho chính các doanh nghiệp hiện tại cũng như với những doanh nghiệp khởi nghiệp sắp tới. Bởi vì,nó đòi hỏi chúng ta phải bước vào một sân chơi chung, tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực thương mại. Ví dụ đơn giản là viết tiếng Anh phải đúng, đóng gói đúng quy chuẩn. Như đợt dịch vừa qua, Việt Nam bán khẩu trang ra nước ngoài. Ở trong nước, chúng ta hay bỏ 10 cái trong một cái túi nhưng ở nước ngoài sản phẩm dùng một lần này được bỏ túi từng cái. Đây chính là sự khác biệt chúng ta cần phải để ý tìm hiểu..
Là những xu hướng sắp tới trong khởi nghiệp luôn liên quan đến vấn đề công nghệ số, kỹ thuật số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo. Hiện đang có nhiều sản phẩm Việt đang được tư vấn về công nghệ để làm sao đưa được lên sàn thương mại điện tử, chợ sỉ online. Từ những gì xảy ra qua mùa dịch này, dần dần mọi thứ sẽ được mua bán, giáo dục online theo đó giảm thiểu những chi phí, tiếp xúc không cần thiết.
PV: Vâng, khi đã xây dựng được thương hiệu, chúng ta cũng cần làm gì để đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá sản phẩm ra thị trường quốc tế.?
Danny Võ Thành Đăng: Theo nhìn nhận, cá nhân tôi đánh giá cao các cơ quan tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Ở Singapore nơi tôi sinh sống, các anh chị tổ chức thường xuyên những hội chợ của Việt Nam trong các siêu thị ở đây cũng như đưa các đoàn doanh nghiệp doanh nhân Singarpore về Việt Nam mua gạo, mua nông sản...Đó là điều rất quan trọng và Cục xúc tiến thương mại đang làm khá tốt. Tuy nhiên, nỗ lực bản thân, thay đổi chính từ nội lực của doanh nghiệp vẫn là yếu tố quan trọng quyết định thành công.
Người Việt mình hay nói “Hữu xạ tự nhiên hương”- cái gì ngon thì sẽ được tìm tới nhưng thời buổi 4.0 chúng ta cần phải cho người ta thấy mình tốt, mình đẹp để mọi người tìm đến mình nhanh nhất có thể. Vì thế, cần phải tập trung nhiều hơn nữa về phát triển hình ảnh.
Thương hiệu là phần quan trọng nhất trong chiến lược makerting, mà makerting lại tốn tiền, chi phí cao nên nhiều doanh nghiệp mới hay có quan điểm rằng không biết mình có thể tồn tại trong 2-3 năm đầu không, mà bỏ qua tiếp thị hình ảnh, thậm chí bỏ qua việc xây dựng văn hóa của doanh nghiệp. Tôi vẫn xin chia sẻ lại là các doanh nghiệp chúng ta luôn phải phải tạo được thế kiềng 3 chân vững chắc. Đó là Chiến lược, Hình ảnh và Văn hóa doanh nghiệp để phát triển một cách bền vững.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn Anh.