(VOV5)- Tình yêu đối với Việt Nam, niềm tự hào về Việt Nam, lòng mong muốn học tiếng Việt của trẻ em Việt ở nước ngoài phải được gây dựng một cách tự nhiên, qua cả quá trình dài.
Đối với những người Việt Nam sinh ra tại Việt Nam và sau ra nước ngoài định cư thì đất nước Việt Nam vẫn luôn là quê mẹ, nên dù có đi đâu, làm gì thì trái tim vẫn hướng về Việt Nam. Nhưng đối với trẻ em gốc Việt sinh ra ở nước ngoài thì cần có cách nhìn nhận khách quan và định hướng giáo dục về tình yêu với Việt Nam và tấm lòng hướng về đất nước.
Gây dựng tình yêu đối với đất nước Việt Nam
Trẻ em sinh ra ở nước ngoài, lớn lên trong môi trường nước sở tại nên mặc dù trường hợp cả bố mẹ là người Việt, nhưng phải xác định rằng tình yêu đối với đất nước Việt Nam sẽ không phải đương nhiên là có. Đối với những gia đình có bố hoặc mẹ là người nước ngoài điều đó lại càng khó hơn.
Hình ảnh về quê hương đầu tiên sẽ đến với các cháu nhỏ qua bố mẹ, gia đình, cộng đồng. Trong thế giới hiện đại, trẻ em hàng ngày tiếp nhận luồng thông tin rất lớn từ rất nhiều nguồn, thì việc chú trọng tạo dựng hình ảnh về đất nước Việt Nam cho các cháu nhỏ càng cần thiết hơn bao giờ hết từ trong mỗi gia đình. Ông, bà hoặc cha, mẹ sẽ phải là người kể cho con cháu nghe về lịch sử của Việt Nam, gây dựng trong trẻ nhỏ niềm tự hào về dân tộc. Trong việc này vai trò người mẹ, người bà là không nhỏ.
Đất nước Việt Nam đến với trẻ em qua những câu chuyện về phong tục tập quán, nguồn gốc các địa danh lịch sử. Chính thế hệ đi trước phải truyền đạt cho các cháu những thông tin về Việt Nam thời chiến tranh, những khó khăn và những thành quả mà đất nước đạt được trong thời gian vừa qua để các cháu có thể cảm nhận được con đường mà dân tộc Việt Nam đã trải qua và động viên các cháu muốn làm điều gì đó cho đất nước.
|
Trẻ em học tiếng Việt trong Trại hè Vui cùng tiếng Việt năm 2012 - một hoạt động bổ ích của trường Lạc Long Quân tại Ba Lan - Ảnh: Võ Văn Long (Quê Việt)
|
Tình yêu, niềm tự hào về đất nước phải được truyền tải không chỉ qua lời nói mà bằng chính việc làm của người lớn mà trẻ em thấy được. Trong các hoạt động cộng đồng tạo được hình ảnh đẹp về cộng đồng người Việt cho thế hệ trẻ, sẽ là những ấn tượng khó phai mờ trong tâm hồn các cháu. Những dịp tụ hội cả cộng đồng như Tết Trung Thu, Tết Âm Lịch … cũng giúp thiếu nhi hiểu thêm nhiều hơn về văn hóa Việt Nam.
Tạo điều kiện cho thế hệ thứ hai hiểu thêm về đất nước Việt Nam
Từ kinh nghiệm của nhiều ông bố bà mẹ ở nước ngoài, nếu có thể tạo điều kiện để các con cháu thường xuyên về thăm quê hương, đất nước, sẽ giúp chúng gần gũi hơn với quê hương. Chỉ đưa các em về Việt Nam thì chưa đủ, mà cần quan tâm đầu tư tổ chức một cách nghiêm túc mới hiệu quả.
Nhiều trường hợp bố mẹ nghĩ đơn giản là cho con về thăm ông bà, họ hàng, nên suốt thời gian các cháu ở Việt Nam chỉ ở nhà với ông bà, hay đến chơi nhà họ hàng mà không biết nhiều hơn về xã hội rộng lớn bên ngoài. Vì là trẻ em, chúng vẫn cần vui chơi, cần những điều mới lạ, nên có nhiều cháu về Việt Nam sau một thời gian thấy buồn và không có hứng về quê nữa. Gặp gỡ với gia đình họ hàng rất quan trọng để con em mình gần gũi thêm với dòng tộc, con người Việt Nam, nhưng muốn các con yêu đất nước thì trong các chuyến đi đó phải cố gắng tạo điều kiện cho các cháu đi thăm được những nơi danh lam thắng cảnh, cũng như tìm hiểu được những nét truyền thống đẹp của Việt Nam.
Để tổ chức chuyến đi bổ ích cho các cháu không cần phải tốn nhiều chi phí mà vẫn có thể có hiệu quả, có những câu chuyện với người lớn là đơn giản nhưng lại có ấn tượng với trẻ em, chẳng hạn như đi chơi hồ Hoàn Kiếm nhưng được nghe kể chi tiết về lịch sử của tên hồ, lịch sử của Hà Nội thì đứa trẻ nào cũng sẽ hiểu thêm nhiều và tò mò hơn nữa. Một buổi thăm Bảo tàng Quân đội giúp trẻ em nhiều kiến thức về lịch sử chiến tranh Việt Nam. Hoặc như một buổi đi nặn tại làng nghề Bát Tràng, Hà Nội chẳng hạn sẽ cho các em những ấn tượng về thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.
|
Làm nghệ nhân nhí nặn đất ở Bát Tràng (Hà Nội) - Ảnh: Trí Thức Trẻ |
Mỗi chuyến về Việt Nam nên cố gắng để con em mình tiếp cận thêm những địa điểm mới, những ấn tượng mới, cố gắng để các cháu thấy một Việt Nam phong phú, từ đất nước, con người, văn hóa, ẩm thực…Như vậy sẽ tạo cho các cháu tình yêu với Việt Nam, niềm hứng khởi mỗi dịp có điều kiện về Việt Nam.
Những năm gần đây UB về Người Việt Nam ở Nước Ngoài đã tổ chức trại hè cho thanh thiếu nhi Việt Nam ở nước ngoài, giúp các các cháu hiểu thêm nhiều về quê hương. Đây cũng là một hoạt động hấp dẫn thanh thiếu nhi.
Tiếng Việt từ khi còn nằm nôi
Việc dạy tiếng Việt phải bắt đầu từ khi các cháu ra đời. Nếu bố mẹ nói chuyện với con bằng tiếng Việt thì con sẽ nghe quen và hiểu dần tiếng Việt. Sau này khi đến tuổi phù hợp có thể dạy các cháu đọc và viết. Bên cạnh đó những chuyến đi về Việt Nam cũng là những đợt thực hành về tiếng Việt cho các cháu, cũng là dịp khuyến khích các cháu thấy cần học thêm tiếng Việt.
Trong việc giáo dục các thế hệ con em gốc Việt, điều quan trọng là tình yêu đối với Việt Nam, niềm tự hào về Việt Nam, lòng mong muốn học tiếng Việt của các cháu phải được gây dựng một cách tự nhiên, qua cả quá trình chứ không thể bằng bất cứ sự ép buộc nào. Khi đó thì tình cảm đối với quê hương đất nước của các cháu sẽ mãi bền vững./.