(VOV5) - Đứng ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc, âm vang của lời thề quyết chiến quyết thắng cứ xoáy sâu vào tâm trí của những người con xa đất nước.
Vượt qua hơn một nghìn hải lý, gần 70 kiều bào từ 24 quốc gia trên thế giới đã đến với Trường Sa và nhà giàn DK1/18 vào những ngày tháng tư lịch sử. Chuyến đi mang lại những cảm xúc đặc biệt về biển đảo quê hương và tinh thần vững vàng của các cán bộ, chiến sĩ hải quân đang ngày đêm gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Các cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây nghiêm trang trong lễ chào cờ. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Điểm đầu tiên của hành trình mà đoàn đại biểu kiều bào đặt chân tới là đảo Song Tử Tây, hòn đảo nằm ở cực bắc của quần đảo Trường Sa. Tại đây, đoàn đã dự lễ chào cờ trang nghiêm bên cột mốc chủ quyền. Trước lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trong nắng gió Trường Sa, một chiến sĩ trẻ dõng dạc đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau mỗi lời thề là lời đồng thanh trong hàng quân: “Xin thề”. Đứng ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc, âm vang của lời thề quyết chiến quyết thắng cứ xoáy sâu vào tâm trí của những người con xa đất nước. Ông Lê Hồng Cường, kiều bào CHLB Đức, nghẹn ngào: “Lần đầu tiên được đến thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, cảm xúc dâng trào trong chúng tôi, những người ở xa Tổ quốc. Người Việt ở CHLB Đức luôn luôn hướng về nơi đầu sóng ngọn gió, hướng về các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biển đảo, chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống hòa bình hôm nay. Chúng tôi, những người ở xa Tổ quốc, ghi nhận sự phát triển trường tồn của biển đảo Việt Nam cũng như sự đóng góp to lớn của các cán bộ, chiến sĩ”.
Chiến sĩ Trường Sa, tay cầm 2 cây cờ hiệu, hướng dẫn cho xuồng vào đảo. |
Chứng kiến sự khắc nghiệt của thời tiết, những khó khăn vất vả nơi đảo xa nhưng các chiến sĩ vẫn vững vàng nơi tiền tiêu sóng gió, sự khâm phục của kiều bào về sự kiên cường của các anh cứ dần tăng lên theo từng ngày trong hải trình thăm các đảo và nhà giàn. Bà Phạm Thị Vân, kiều bào Liên bang Nga, cho biết, bà rất may mắn được tham gia hành trình năm nay và thật sự xúc động trước ý chí sắt đá của quân, dân Trường Sa quyết tâm bảo vệ chủ quyển biền đảo của Tổ quốc. Đó là nguồn động viên, tiếp thêm ngọn lửa yêu nước và giúp kiều bào nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc qua bao thế hệ người Việt đã vun đắp, bảo vệ và gìn giữ. Anh Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết Quỹ ra đời năm 2015 với mục đích kêu gọi sự ủng hộ và đóng góp của kiều bào trên thế giới hướng về quần đảo Trường Sa. Từ khi thành lập đến nay, Quỹ đã kêu gọi được hơn 75.000 USD để thực hiện các dự án dành cho Trường Sa và nhà giàn DK1 trong đó đáng chú ý là ủng hộ các máy phát điện năng lượng mặt trời hiệu năng cao cho nhiều đảo: “Trước khi lên dự án, chúng tôi đều tìm hiểu đời sống của anh em chiến sĩ ở Trường Sa. Qua đó chúng tôi nắm được nhu cầu thiết yếu mà các anh cần là điện, nước và rau xanh. Máy phát điện là hệ thống chúng tôi chọn để trang bị cho các anh, em ở Trường Sa. Trải qua các năm thực hiện dự án, chúng tôi luôn tìm tòi các phương án để cải thiện thiết bị của mình cho phù hợp nhất với điều kiện ở Trường Sa, nâng cao được công suất điện để chiến sĩ không những có điện đủ dùng mà còn có điện dự phòng trong quá trình sử dụng. Chúng tôi đã lắp đặt được 7 giàn năng lượng mặt trời hiệu năng cao cho 6 điểm đảo. Ước mơ của chúng tôi là sẽ trang bị hệ thống năng lượng mặt trời cho 21 điểm đảo chìm”.
Tại đảo Đá Thị, Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc đã trao tặng cho các cán bộ, chiến sĩ máy phát điện năng lượng mặt trời hiệu năng cao. |
Trong chuyến đi này, kiều bào ở nhiều nước như: CHLB Đức, Singapore, Ba Lan, Malaysia… đã có những món quà có giá trị dành tặng cho các cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 như ô che nắng, bộ tập thể dục đa năng, hoa quả tươi, thực phẩm…. Đại diện cho cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, nhận trọng trách mang 20 thùng táo Ba Lan nhập khẩu, máy tính xách tay, máy in, chè, bánh kẹo… để tặng cho cán bộ, chiến sĩ và người dân ở các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, bà Bùi Thị Hòa bày tỏ: “Trước khi đi, chúng tôi đã gọi điện ra cac đảo hỏi các chiến sĩ cần thực sự những gì. Điều chúng tôi vui mừng là mang những quả táo Ba Lan đến với Trường Sa và nhà giàn DK. Vì ngoài biển mùa này hiếm trái cây. Tôi thấy may mắn được đi lần thứ hai. Tôi sẽ vận động bà con cộng đồng ở Ba Lan tổ chức và chuẩn bị cho các chuyến ra thăm Trường Sa tiếp theo thật tốt để mang được những tình cảm và vật chất cần thiết tặng cho các chiến sĩ biển đảo”.
Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Trưởng đoàn công tác số 10 năm 2018, cho biết tổng giá trị quà tặng của kiều bào trong chuyến đi này là gần 1,7 tỷ đồng: “Cùng với hơn 90 triệu dân trong nước, hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc, đồng hành với các anh trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt lần này, kiều bào đến từ nhiều nơi, không quản ngại đường xa, mang lại những món quà, dù là không lớn lắm, từ đất liền đến với các cán bộ, chiến sĩ. Điều này thể hiện sự quan tâm và tình cảm của kiều bào, bà con cô bác đối với quân và dân Trường Sa”.
Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (thứ hai từ trái sang), trao số tiền hơn 230 triệu đồng do kiều bào đóng góp xây dựng nhà văn hóa đa năng tại quần đảo Trường Sa cho đại tá Nguyễn Xuân Thanh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự, Quân chủng Hải quân. |
Kết thúc hành trình, hưởng ứng lời kêu gọi của Ban tổ chức, kiều bào đã quyên góp được số tiền hơn 230 triệu đồng để thực hiện việc xây dựng công trình Nhà văn hóa đa năng trên quần đảo Trường Sa. Đối với kiều bào, nhất là những người đã từng ra thăm quần đảo Trường Sa thì giờ đây Trường Sa không còn xa nữa mà ngược lại rất gần trong tâm tưởng. Họ càng tự hào và tin tưởng về quyết tâm và ý chí sắt đá của bộ đội và người dân trên các đảo đang can trường và vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió vì Trường Sa, vì Tổ quốc.