(VOV5) - Phó GS, TS Nguyễn Hồng Hải là Giảng viên cao cấp, Viện Giáo dục Khai phóng và các ngành sáng tạo Đại học Vin - Giảng viên cao cấp thỉnh giảng Đại học Công nghệ Queensland, Australia.
Nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, giới chuyên gia, học giả đều thể hiện niềm tiếc thương sâu sắc; đồng thời đều có những đánh giá khẳng định vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư trong tiến trình xây dựng phát triển đất nước cũng như nỗ lực xây dựng, chỉnh đốn Đảng Cộng sản Việt nam. Phó GS, TS Nguyễn Hồng Hải, Giảng viên cao cấp, Viện Giáo dục Khai phóng và các ngành sáng tạo Đại học Vin (Giảng viên cao cấp thỉnh giảng Đại học Công nghệ Queensland, Australia) đánh giá cao những đóng góp nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông qua rất nhiều nội dung mà ông quan tâm.
Về đường lối ngoại giao mềm dẻo linh hoạt
Nhìn lại tình hình thế giới trong 14 năm qua chúng ta thấy có rất nhiều biến động trong khu vực và trên thế giới. Đối đầu và cạnh tranh chiến lược giữa càng cường quốc ngày càng gia tăng; đây đó trên thế giới vẫn còn xung đột cục bộ, chiến tranh giữa các nước có chủ quyền với nhau; tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông vẫn phức tạp. Kinh tế thế giới khó khăn, suy thoái, nhất là những năm cả thế giới phải đương đầu với đại dịch COVID-19. Thế nhưng, trong bối cảnh đó, Việt Nam chúng ta vẫn nổi lên là một điểm sáng theo nhiều nghĩa, không chỉ ở trong khu vực mà còn trên phạm vi thế giới.
Chúng ta không chỉ tăng cường, mở rộng, mà còn làm sâu sắc thêm quan hệ với nhiều nước, trong đó đặc biệt là các cường quốc lớn. Đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 18 nước và đối tác doàn diện với 12 nước, trong đó 11 nước đối tác chiến lược, 7 nước đối tác chiến lược toàn diện, và 8 đối tác toàn diện được thiết lập trong 14 năm qua
Ngoài ra, Việt Nam cũng gia nhập tất cả các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như CPTPP, EVFTA, RCEP, và hiện cũng đang tích cực tham gia đàm phán thiết lập Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương từ năm 2023.
Trong sự cạnh tranh và đối đầu giữa các cường quốc vì nhiều lý do, chúng ta cũng đã khôn khéo tạo thế cân bằng khi vẫn duy trì và làm sâu sắc quan hệ giữa ta với từng cường quốc này. Ví dụ, trong gần 1 năm qua, chúng ta đã đón lãnh đạo của cả 3 cường quốc lớn là Mỹ, Trung Quốc và Nga đến thăm Việt Nam.
Tất cả những thành tựu của đối ngoại và ngoại giao Việt Nam đều diễn ra trong thời gian ông Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, và có một giai đoạn nhất định còn kiêm chức Chủ tịch nước.
Đảng ta đề cao vai trò lãnh đạo tập thể nhưng nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân. Nói như vậy để thấy công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thành tựu đối ngoại và ngoại giao của Việt Nam là rất to lớn, đặc biệt xuất sắc và đây có thế coi là di sản mà ông để lại cho chúng ta.
Di sản này sẽ mãi mãi có ảnh hưởng sâu sắc đến sự trường tồn của dân tộc, của đất nước. Và để khái quát đường lối ngoại giao mềm dẻo và linh hoạt của Việt Nam, chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dùng hình tượng “cây tre Việt Nam” để diễn tả: gốc vững, thân mềm, cảnh uyển chuyển. Giờ đây, khi nói về ngoại giao Việt Nam, là người ta nói “Ngoại giao cây tre Việt Nam”.
Là một nhà nghiên cứu lý thuyết quan hệ quốc tế, tôi cho rằng, cụm từ ‘ngoại giao cây tre Việt Nam’ đã không chỉ vượt lên ý nghĩa của một khái niệm thông thường, mà nếu đi sâu phân tích và đánh giá thì nó còn có thể được coi là một luận thuyết về quan hệ quốc tế và chắc chắn nó sẽ còn được nghiên cứu, đánh giá và áp dụng bởi nhiều quốc gia nhỏ như Việt Nam.
Như vậy, di sản về đối ngoại và ngoại giao của Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng để lại cho chúng ta không chỉ là thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong thực tiễn, mà còn là một hệ quan điểm và luận thuyết về quan hệ quốc tế.
Chấn hưng văn hóa, củng cố niềm tin và đoàn kết dân tộc
Trước tiên phải khẳng định Tổng Bí Thư là một nhà văn hóa, một nhà lãnh đạo luôn nghĩ về dân, và luôn nhấn mạnh đến vai trò và sức mạnh của tập thể. Chính vì thế nên Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm đến vấn đề văn hóa. Hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức sau Đại hội XIII của Đảng là hội nghị văn hóa toàn quốc đầu tiên do Đảng tổ chức kể từ khi bản Đề cương Văn hóa của Đảng ta ra đời cách đây 76 năm. Tổng Bí thư đã trực tiếp chủ trì và có phát biểu quan trọng tại Hội nghị này.
Tôi rất tâm đắc câu trích dẫn trong phát biểu của TBT, đó là “văn hóa còn thì dân tộc còn”, và nếu quy vào từng con người thì có thể nói “văn hóa còn thì con người còn”, nghĩa là một con người không thể thiếu và không có văn hóa. Nhưng văn hóa sẽ gắn với từng việc làm và công việc cụ thể, và con người nào thì văn hóa đó, việc làm nào thể hiện hành vi văn hóa đó.
Trong thời đại mà người ta chỉ nói đến kinh tế thị trường, chạy theo lợi nhuận, bất chấp đạo đức, việc chấn hưng văn hóa là rất cấp thiết. Và, Đảng CSVN là đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam, lãnh đạo nhà nước và chính phủ, thì Đảng có trách nhiệm chấn hưng văn hóa, củng cố niềm tin và tập hợp đoàn kết dân tộc. Chính vì thế, Tổng Bí thư đã tự mình làm gương về văn hóa. Lối sống giản dị, cần kiệm, liêm chính, khiêm nhường, gần gũi, quan tâm và hòa đồng với mọi người của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên cương vị cao nhất là Tổng Bí thư của Đảng ta, thực sự là tấm gương rất sáng về văn hóa, mà khi nhìn vào đó, người dân sẽ thấy được niềm tin về người lãnh đạo, về tinh thần đoàn kết dân tộc.