(VOV5) - Chọn trường để học ở một nơi rất xa gia đình, các du học sinh ban đầu gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ.
Tuy nhiên, bằng nghị lực và quyết tâm, nhiều du học sinh đã vượt qua khó khăn để không chỉ nhanh chóng hòa nhập cuộc sống mà còn đạt thành tích cao trong học tập. Sau đây là những chia sẻ của hai sinh viên đang học tại Newzeland là Nguyễn Khắc Tiến và Tăng Huyền Anh về những trải nghiệm của mình:
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Gặp Nguyễn Khắc Tiến - sinh viên năm thứ 3 khoa công nghệ trường đại học danh tiếng Aukland ở Newzealand nhân dịp em nghỉ hè về thăm Hà Nội. Trong khi trò chuyện, Tiến luôn nói về sự biết ơnvới bố mẹ đã tạo điều kiện cho em cơ hội được tiếp xúc với một môi trường giáo dục tiên tiến vào bậc nhất thế giới này.
Nguyễn Khắc Tiến SV trường Đại học Aukland ở Newzealand |
Từng là học sinh trường chuyên ngữ Hà Nội và được bố mẹ nuông chiều, không biết làm việc gì nhưng khi đi du học Tiến phải tự làm tất cả mọi thứ. Thời gian đầu, chàng trai phố cổ Hà Nội này chọn hình thức lưu trú ở cùng với một gia đình người bản xứ.
Chính việc sống chung đó giúp em rất nhiều trong điều chỉnh cách cư xử, hòa nhập cuộc sống và quan trọng hơn đối với Tiến là giúp cậu nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh - vốn là một trong những trở ngại chính đối với phần lớn du học sinh Việt khi mới sang học:
“Khi mới sang Newzeland, tôi sống cùng gia đình bác Frerissa, ở cùng phòng với con trai bác ý. Ban đầu, tôi hơi khó thích nghi bởi cách sinh hoạt của họ khác với mình. Chẳng hạn như trước bữa ăn họ thường cầu nguyện. Tôi chả hiểu gì cứ ngồi lẩm bẩm theo. Nói chung sự khác biệt trong cuộc sống không quá là nhiều nhưng là mình phải tôn trọng những quy định và hòa nhập với gia đình họ”.
Do có thành tích học tập xuất sắc, ngay năm học thứ hai, Nguyễn Khắc Tiến được một trường đại học ở Canađa gửi thư mời sang tham dự cuộc thi về công nghệ thông tin và hợp tác làm 2 dự án. Khắc Tiến kể, mặc dù được hỗ trợ về tài chính nhưng tất mọi việc em đều phải lo:.
“Ban đầu đó là làm sao di chuyển từ Newzeland sang Canada, một chuyến bay dài hơn 36 tiếng, quá cảnh ở Trung Quốc. Rồi sang đến Canađa, phải tự mình phải liên hệ, tìm cách tiếp cận các đối tác. Chẳng ai mời hay bảo mình phải làm gì cả. Những ngày đầu tiên, tôi phải đi hỏi từng người một để xem ai đó có cùng sở trường hay cùng mục tiêu đạt được vấn đề này không. Làm dự án trước tiên giúp tôi tăng thêm thu nhập và nâng cao khả năng tiếng Anh chuyên ngành. Mọi việc tất tật đều phải thành thạo tiếng Anh.”
Tăng Huyền Anh, SV khoa Quản lý đô thị trường Aukland |
Còn với Tăng Huyền Anh, sinh viên năm thứ 2 khoa quản lý đô thị trường đại học Aucland, sang Newzealand du học từ năm 12 tuổi. Theo học tại một ngôi trường trung học, không có học sinh người Việt nào, thời gian đầu cô bé thật sự sốc vì không thể giao tiếp bằng tiếng Anh: “Từ khi sống xa gia đình, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Khi mới sang, tôi thật sự bị sốc về ngôn ngữ và văn hóa, phải đối mặt với nhiều điều mới lạ. Dù là có chút tiếng Anh căn bản rồi nhưng khó khăn là không thể nghe, nói hay biểu hiện cảm xúc nên rất khó hòa nhập. Bởi vì Newzealand là đất nước hội tụ của nhiều văn hóa. Cái vấn đề chính là phải tự học hỏi, tự xoay sở với những gì xảy đến với mình. Trải qua những khó khăn, tôi cảm thấy mình trưởng thành và tự lập hơn nhiều trong cuộc sống.”
Du học giúp Khắc Tiến tự lập và trưởng thành hơn |
Ngay từ năm học đầu, mặc dù không gặp vấn đề lớn về tài chính nhưng Khắc Tiến vẫn xin đi làm thêm ngoài giờ tại một thư viện địa phương với mục đích duy nhất là nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh, tăng thêm thu nhập. Còn Huyền Anh trau dồi vốn tiếng Anh, kỹ năng sống cho mình bằng việc tham gia tích cực các hoạt động từ thiện vì cộng đồng hay các buổi ngoại khóa khác do trường tổ chức.
Bằng nỗ lực bản thân, sự hỗ trợ của người dân bản địa, Hội sinh viên và cộng đồng người Việt ở Newzealand, những du học sinh như Nguyễn Khắc Tiến và Huyền Anh đã sớm thích nghi cuộc sống, tự hoàn thiện bản thân và đạt thành tích tốt trong học tập. Năm ngoái, Huyền Anh xuất sắc giành giải nhì cuộc thi thơ trẻ do các trường Đại học Newzeland tổ chức. Mới đây, cô cũng vừa ra mắt tập thơ đầu tay của mình về tình yêu cuộc sống và quê hương đất nước.
Tập thơ đầu tay của Huyền Anh |
Ngoài kiến thức chuyên ngành, Khắc Tiến cho rằng, điều giá trị nhất mà em có được khi học ở nước ngoài chính là khả năng tự lập, sự tự tin vào bản thân và trên hết thấy mình cần phải sống có trách nhiệm hơn với mọi người xung quanh:
“Đi du học, phải sống xa gia đình mới thấy thương bố mẹ mình vì họ đã vất vả tốn kém rất nhiều chỉ để cho tôi được tiếp cận với một môi trường giáo dục tốt. Và điều đó thật xứng đáng. Qua trải nghiệm, tôi học được rằng phẩm chất tốt nhất của một con người là lòng tốt và sự khiêm tốn. Hãy giúp ai đó nhiều nhất có thể và cố gắng làm cho người khác vui. Ngoài ra, điều mà tôi muốn gửi đến các bạn giống như tôi đó là không nhất thiết phải quá chăm hay quá giỏi mà quan trọng phải nhận ra được giá trị của viêc học.”
Còn với Huyền Anh, qua những chia sẻ này cô muốn gửi đến những bạn có ý định đi du học thông điệp rằng “các bạn cần trang bị cho mình một hành trang riêng và sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn khi sống xa gia đình. Tuy nhiên, các bạn đừng lo sợ mà hãy luôn tự nhủ rằng, điều đó sẽ tôi luyện ý chí và các bạn sẽ thành công từ ngay chính những khó khăn đó’’.