(VOV5) - Giá trị truyền thống của người Việt là mãi mãi, không chỉ với thế hệ của em và sau này nữa. Đó là giá trị của nguồn cội, của tổ tiên, ông bà cha mẹ mình.
Với những bạn trẻ gốc Việt sống ở nước ngoài được trở về Việt Nam càng gắn kết sợi dây tình cảm với nguồn cội. Thêm hiểu về quê hương Việt Nam càng thôi thúc các bạn muốn đóng góp sức mìnhcho sự phát triển đất nước. PV Đài TNVN trò chuyện với Phạm Gia Long, đến từ Nga đang theo học chuyên ngành kinh tế ở Ucraina, để nghe bạn nói về sự yêu mến quê hương Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Phạm Gia Long ( bên trái) cùng các bạn Trại hè 2018 |
PV: Xin chào Gia Long. Em thấy Việt Nam mình thay đổi và phát triển như thế nào sau mỗi lần em trở về thăm quê hương?
Mỗi lần về, em thấy đất nước thay đổi nhanh chóng, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây. Nhà cao tầng mọc lên san sát, có nhiều ô tô hơn. Cuộc sống của người Việt Nam văn minh, hiện đại hơn và tiện nghi hơn. Giao thông còn phức tạp nên cần được tập trung đầu tư, cải thiện hơn nữa. Ở bên Ucraina, em học chuyên ngành về kinh tế, thình thoảng viết bài luận về Việt Nam. Mấy năm gần đây GDP của Việt Nam tăng trưởng mạnh. Việt Nam đang là môt trong những quốc gia phát triển nhanh, năng động trong khu vực, thu hút ngày càng nhiều đầu tư trên khắp thế giới. Trong đó có rất nhiều Việt kiều trẻ trở về lập nghiệp.
PV: Học chuyên ngành kinh tế và thường xuyên cập nhật vè sự phát triển ở Việt Nam nhất là trong thời đại 4.0. Em nhận xét gì về trào lưu khởi nghiệp trong giới trẻ Việt Nam hiện nay?.
Em thấy, xu hướng khởi nghiệp trong giới trẻ Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, thể hiện mong muốn được đóng góp cho sự phát triển đất nước và vươn xa hơn ra thế giới. Các bạn Việt nam đặc biệt giỏi về công nghệ thông tin. Thường xuyên xem những chương trình TV về khởi nghiệp ở Việt Nam em thấy, các bạn rất năng động, có rất nhiều ý tưởng độc đáo. Các bạn cũng nỗ lực để tìm kiếm nguồn tài trợ , đầu tư để giới thiệu sáng kiến khởi nghiệp của mình ra thế giới.
PV: Đúng vậy, nhưng dường như có rất ít các start-up Việt kết nối được với mạng lưới chuyên gia tư vấn, quản trị hay các nhà đầu tư quốc tế để phát triển sẩm phẩm trí tuệ của mình. Ở góc độ là một người trẻ, theo em đó là do những hạn chế gì.?
Em thấy, các start - up Việt Nam mình thường khởi nghiệp từ rất trẻ, có ít kinh nghiệm, thiếu sự tư vấn chuyên nghiệp và không có vốn làm ăn lớn. Nhưng có lẽ một rào cản khác em nhận thấy là nhiều start-up không đủ tự tin vươn xa hơn ra thế giới, đó là khả năng ngoại ngữ. Ở đây em muốn nói đến tiếng Anh. Ở mặt bằng chung, khả năng tiếng Anh của Việt Nam còn kém. Em được biết, gia đình nào cũng đầu tư cho con cái học tiếng Anh nhưng chỉ học lý thuyết mà không thực hành nhiều, nên khả năng giao tiếp còn hạn chế. Vì thế, các bạn cần chủ động thực hành nhiều hơn bởi vì giao tiếp khi du lịch, tham quan mới có thể phát triển vốn tiếng Anh của mình. Các start- up Việt Nam ngoài tài năng càng cần phải trau dồi phương tiện giao tiếp này để có thể tự tin làm việc với đối tác nước ngoài.
Gia Long cùng các bạn trẻ kiều bào tham gia Trại hè 2018. Ảnh nv cung cấp |
PV: Sau này nếu có cơ hội trở về Việt Nam lập nghiệp, em thích làm việc trong lĩnh vực nào nhất.?
Em cũng rất thích trở về nhưng không hề dễ dàng. Khó khăn lớn nhất là chúng em chưa hiểu rõ về kinh tế, thị trường Việt Nam. Thứ hai tiếng Việt em chưa giỏi lắm. Giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Nga ở Việt Nam không thuận lợi lắm. Đúng là Việt Nam đang rất phát triển về mọi mặt đặc biệt là du lịch. Nếu có điều kiện trở về, em thích nhất làm việc trong nghề dịch vụ du lịch. Chị biết đấy, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch đặc biệt là các vùng ven biển. Em muốn làm trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng vì trong tương lai khách du lịch quốc tê sẽ đến Việt Nam ngày càng nhiều.
Gia Long thăm Tây Nguyên trong Hành trình trại hè Việt Nam. |
PV: Chị thấy em nói khá tốt tiếng Việt và có phong cách rất thuần Việt., Điều đó có được chắc là do gia đình em ở bên Nga vẫn duy trì thói quen cũng như phong tục truyền thống của người Việt mình phải không.?
Đúng vậy, hàng ngày mẹ vẫn nấu những món ăn món ăn thuần Việt như bún chả, nem rán, phở, bánh trôi. Hàng tháng đến rằm, mồng 1 nhà em thường mua hoa quả thắp hương dâng lên bàn thờ tưởng nhớ tổ tiên. Ngày giỗ làm màm cố mời mọi người. Ở nhà, bố mẹ cũng hay mở bài hát dân ca và nhạc cổ truyền như chèo, cải lương, tuồng để cho bọn em biết về những nét văn hóa độc đáo Việt Nam. Em cũng rất thích Tết ở Nga dù ở đây không được đông vui như ở quê nhà nhưng bà con người Việt và Đại sứ quán cùng tổ chức ăn tiệc, giao lưu văn nghệ, đến thăm nhà nhau rất vui. Em nghĩ đó cũng là cách mà cộng đồng người Việt tại Nga đang làm để gìn giữ văn hóa Viêt cho thế hệ mai sau. Bởi, em nghĩ giá trị truyền thống của người Việt là mãi mãi, không chỉ với thế hệ của em và sau này nữa. Đó là giá trị của nguồn cội, của tổ tiên, ông bà cha mẹ mình. Và dù đi đâu, dù sống ở nước nào thì trong mình vẫn mang dòng máu Việt, là con cháu Rồng Tiên.
PV: Xin cảm ơn Gia Long.