Cuối tháng trước, bà Nguyễn Thị Kim Phúc (nhân vật chính trong bức ảnh "Em bé Napalm" nổi tiếng của phóng viên ảnh Nick Út) bắt đầu quá trình điều trị những vết bỏng bằng laser.
Nhiều năm qua, bà từng nghĩ, có lẽ chỉ khi lên thiên đường mình mới không phải chịu đựng những nỗi đau thể xác do bom Napalm gây ra.
|
Kim Phúc cùng con trai và chồng (phía sau). |
"Nhưng hiện giờ thiên đường ấy đã đến với tôi ngay trên trái đất này”, người phụ nữ 52 tuổi nói khi tới thành phố Miami (Mỹ) và gặp Jill Waibel (bác sĩ da liễu chuyên chữa bỏng bằng phương pháp laser thuộc Viện Da liễu và laser).
Theo bác sĩ Waibel, quá trình điều trị sẽ làm mịn và mềm các vết sẹo lớn ở cổ, lưng, bàn tay và cánh tay trái của bà Kim Phúc. “Hơn hết, việc điều trị sẽ làm giảm các cơn đau nhức nghiêm trọng mà bà đang phải chịu đựng”, bác sĩ Wabel nói.
|
Bác sĩ dùng laser điều trị cho bà Kim Phúc. |
Tại buổi điều trị đầu tiên trong văn phòng của bác sĩ Waibel, một cây nến thơm được thắp để tạo không khí dễ chịu. Kim Phúc nắm tay chồng là ông Bùi Huy Toàn và họ cùng cầu nguyện. Ông Toàn là người đã ở bên và cùng bà đối diện với nỗi đau đớn suốt 40 năm qua.
Theo "em bé Napalm", so với các phẫu thuật khác và ghép da khi còn nhỏ, điều trị bằng laser dễ dàng hơn. Quá trình trị liệu rất nhẹ nhàng.
Vài tuần sau đợt điều trị ban đầu, vết sẹo của bà Kim Phúc đã đỏ, căng và ngứa. Tuy nhiên, bà vẫn muốn tiếp tục điều trị. "Có lẽ phải mất một năm. Nhưng tôi thực sự vui mừng và biết ơn", bà nói.
Ngày 8/6/1972, cô bé Phúc khi ấy 9 tuổi bị bỏng do cuộc dội bom tại Trảng Bàng, Tây Ninh. “Nóng quá! Nóng quá!”, phóng viên Út nhớ lại khoảnh khắc cô bé vừa chạy vừa hét trong đau đớn.
|
Hình ảnh cô bé Kim Phúc bị bỏng do bom Napalm. (Ảnh: Nick Út)
|
Phóng viên ảnh AP lập tức đưa cô bé tới bệnh viện rồi mới quay về văn phòng ở Sài Gòn để nộp tác phẩm. Đó là bức ảnh cô bé Phúc vừa chạy vừa khóc dưới sức nóng của bom Napalm. Bức ảnh đã giúp phóng viên Nick Út giành giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer.
Theo bác sĩ Waibel, Phúc bị bỏng nặng hơn 1/3 cơ thể. Tại thời điểm đó, phần lớn những người bị thương như vậy đã chết. “Vết bỏng phá hủy làn da của cô bé qua lớp collagen và để lại những vết sẹo dày gấp 4 lần so với lớp da thường”, bác sĩ nói.
Kim Phúc đã dành nhiều năm để luyện tập. Tuy nhiên, cánh tay trái của bà vẫn không thể dang rộng như tay phải. Bà muốn học cách chơi piano. Tuy nhiên, tay trái của bà quá cứng, ngay cả việc đeo ví lên vai trái cũng trở nên quá khó khăn.
“Lúc nhỏ, tôi rất thích trèo cây, như một chú khỉ. Sau khi bị bỏng, tôi chẳng thể leo lên cây nữa. Và tôi cũng không bao giờ chơi các trò như trước đây với đám bạn. Đó thực sự là điều khó khăn. Tôi đã bị tàn tật”, bà Kim Phúc chia sẻ.