Giáo sư Lê Văn Cường và nỗ lực Người Việt tự đào tạo chuyên gia kinh tế cho Việt Nam
Thùy Vân/VOV-Paris -  
(VOV5) - Từ bỏ những lời mời giảng dạy đắt giá ở Anh, ở Nhật Bản để trở về Việt Nam gây dựng trung tâm đào tạo có tên Trung tâm nghiên cứu kinh tế quản trị và môi trường Việt Nam (VCREME) vào năm 2010, giáo sư Lê Văn Cường vấp phải không ít khó khăn. Nhưng thành quả mà những lứa học trò đầu tiên gặt hái ở nước ngoài đạt được đã minh chứng cho những nỗ lực của người thầy gốc Việt tại Pháp này.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Nguyên là Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp, giảng dạy tại nhiều đại học danh tiếng ở Pháp, Mỹ, Nhật bản, Anh...với hàng chục công trình nghiên cứu được đăng tải trong những tạp chí hàng đầu thế giới..., Giáo sư Lê Văn Cường có uy tín lớn và mạng lưới bạn bè đồng nghiệp đều là những giáo sư danh tiếng. Cách đây 2 năm, nhiều giáo sư tại Mỹ, Canađa và châu Âu tụ họp tại Paris tổ chức một buổi lễ long trọng tôn vinh ông. Với họ và nhiều lứa học trò không kể xiết trên khắp thế giới, Giáo sư Lê Văn Cường là "người lái đò đáng kính và vĩ đại". Và quan trọng nhất, ông truyền cho các thế hệ học sinh người Việt niềm tin sắt đá và nỗ lực vì nền giáo dục nước nhà. Ông tin Việt Nam hoàn toàn có khả năng tự đào tạo tốt các nhà kinh tế học giỏi cho đất nước và theo ông "Thời điểm đã đến và không thể bỏ lỡ". Giáo sư Lê Văn Cường chia sẻ: "Tôi cho rằng thời điểm đã đến rồi. Tại sao tôi nói như vậy. Vừa rồi chúng tôi thành lập hội nhà kinh tế có 157 người đăng ký, trong đó nhiều em đang làm tiến sỹ, trong đó, hồ sơ của khoảng 60 em rất tốt và chỉ cần gọi được chừng đó các em về chỉ cần làm part-time thôi là mình dư sức xây dựng được 2 trường kinh tế tốt tại Việt Nam. Nếu cách đây 10 năm, tôi chưa dám mơ đến, vì mình chưa có đội ngũ như thế, nhưng giờ mình đã có rồi thì phải làm, hoàn toàn có thể xây dựng được một trường kinh tế tại Hà Nội".
|
Giáo sư Lê Văn Cường (ngồi ở giữa) và các học trò VCREME |
Để hiện thực hóa giấc mơ "người Việt tự đào tạo chuyên gia kinh tế cho Việt nam", ông đã thành lập Trung tâm kinh tế, quản trị và môi trường Việt Nam (gọi tắt là VCREME) và kêu gọi nhiều đồng nghiệp quốc tế và nhiều học trò người Việt nay đã thành đạt đang công tác tại các trường danh tiếng thế giới về giảng dạy tại trung tâm. Ý tưởng là tạo những khóa học Dự bị học bổng thạc sỹ và tiến sỹ, nghĩa là tạo bước đệm cho các học sinh, sinh viên tại Việt Nam có định hướng, có những kiến thức căn bản để có thể ra nước ngoài nghiên cứu thạc sỹ và tiến sỹ thành công và hiệu quả. Bởi theo kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, giáo sư Lê Văn Cường không ngần ngại chỉ ra những điểm yếu kém của chương trình đào tạo và giáo trình về kinh tế tại Việt Nam, khiến không ít thạc sỹ trong nước khi ra nước ngoài làm tiến sỹ gặp khó khăn và thất bại. Các chương trình liên kết với nước ngoài thì chi phí quá đắt mà không được học trong những trường danh tiếng chất lượng thực sự.
Với lời mời của giáo sư Lê Văn Cường, có hơn 20 giáo sư, giảng viên ở nhiều nước trên thế giới từ Mỹ, Anh, Pháp, Xinh-ga-po, Ô-xtrây-lia.., trong đó khoảng nửa là các giảng viên, giáo sư người Việt, tham gia giảng dạy tại VCREME. Và khi các em qua được mức trung tâm yêu cầu trong 4 môn kinh tế, toán cơ bản, đích thân Giáo sư Lê Văn Cường viết thư giới thiệu cho từng em vào các trường danh tiếng mà ông có quan hệ và uy tín lớn. Với các đại học ở nước ngoài, thư giới thiệu của một giáo sư có uy tín là phần quan trọng, là lợi thế lớn trong một hồ sơ xin học bổng.
Với từng em, Giáo sư Lê Văn Cường nhấn mạnh những điểm mạnh và cả những điểm còn yếu để có hướng đào tạo phù hợp cho các em đạt thành công. Giáo sư Lê Văn Cường cho biết: "Tôi trực tiếp khuyên các em. Tôi nhìn điểm thì khuyên các em là xin học bổng trường này trường kia phù hợp. Hay có em giỏi về lý thuyết thì tôi khuyên nên vào trường này, trường kia vì họ chuyên về lý thuyết hơn. Trong thư giới thiệu, tôi nói rõ là em này khá về lý thuyết, hay có em có lý thuyết tốt, điểm kinh tế lượng chỉ mới được thôi, qua học, thì phải bồi dưỡng thêm kinh tế lượng hơn. Nhưng có trường họ chỉ cần giấy giới thiệu thôi, nhưng cũng có trường gửi những mẫu rất chi tiết, hỏi cặn kẽ từng điểm một và yêu cầu tôi đánh giá các em tùy theo các tiêu chí. Thì tôi phải biết rất rõ về năng lực của các em và đánh giá cho trường".
Theo giáo sư Lê Văn Cường, các học sinh, sinh viên của Việt Nam đầu vào rất tốt nên nếu được đào tạo đúng thì ra nước ngoài sẽ học tập rất thành công. Lúc đầu khi vào trung tâm học, các em đều kêu khó nhưng thực tế cuối cùng các em đều vượt qua và đạt kết quả tốt. Sau 4 năm, VCREME đã gửi khoảng 30 em ra nước ngoài học thành công thạc sỹ và tiến sỹ ở các đại học có chất lượng cao ở Mỹ, Anh, Italia, Pháp như Đại học Paris 1, Đại học kinh tế Paris, Toulouse, Trento, Roma 1, Illinois, Upsalla, đại học Queen Mary Luân Đôn... Một số em đã tốt nghiệp lại quay về sát cánh bên thầy Cường trong việc nâng đỡ các thế hệ đi sau trong VCREME.
|
Giáo sư Lê Văn Cường |
Nói như giáo sư Lê Văn Cường thì trong các em có những "ngọn lửa" năng lực và VCREME như "ngọn gió" nâng đỡ cho các em. Kế hoạch và ước mơ của thầy là mong VCREME sẽ có những công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí quốc tế. Làm sao để VCREME trở thành một nơi gặp gỡ của các nhà nghiên cứu kinh tế, trước tiên là người Việt và sau là nhiều người nước ngoài. Và trong tương lai, thầy mong sẽ có một trường kinh tế tại Việt Nam.
Với nhiều học trò, giáo sư Lê Văn Cường là vị ân nhân đã vạch cho họ một tương lai rực sáng. Trong bài viết "Giáo sư Lê Văn Cường - người lái đò đáng kính và vĩ đại", Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hữu Thành Tâm viết: "Người thầy đáng kính đó đã cống hiến cả cuộc đời mình cho công tác nghiên cứu khoa học và luôn ấp ủ mong muốn được dìu dắt những nhà nghiên cứu khoa học tài năng tiếp bước mình... Tuy có một sự nghiệp thành công tại châu Âu, nhưng Giáo sư Cường vẫn luôn hướng về quê hương." Nhiều bạn đang học tập tại Pháp, Italia đều xúc động bày tỏ sự biết ơn với giáo sư Lê Văn Cường, rằng: "Nếu như nói: May mắn được gặp một người như thầy Cường có thể thay đổi cả cuộc đời, đối với em, chẳng quá lời chút nào"./.
Thùy Vân/VOV-Paris