(VOV5)- Tốt nghiệp tú tài trường Jean-Jacques Rousseau tại Sài Gòn, chàng thanh niên Trịnh Xuân Thuận ở tuổi 18 quyết định dấn thân vào con đường khoa học tự nhiên để thỏa mãn ước mơ nghiên cứu của mình, mặc dù rất có năng khiếu văn chương.
Năm 1966 Trịnh Xuân Thuận sang Mỹ du học ở Pricenton và bảo vệ luận án tiến sĩ ngành vật lý thiên văn tại đây. Sau hơn 40 năm nghiên cứu vũ trụ tại Mỹ cùng với những nhà hoa học tên tuổi hàng đầu thế giới từng đoạt giải Nobel vật lý, tới nay giáo sư Trịnh Xuân Thuận là một trong số ít người Việt Nam nghiên cứu và có thành tựu trong lĩnh vực này.
|
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận kí tặng sách cho người hâm mộ. Ảnh : Lan Anh |
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội. Ngay từ hồi học tú tài trong trường Jean-Jacques Rousseau tại Sài Gòn, ông rất thần tượng nhà vật lý nổi tiếng Albert Einstein. Ông thường hay quan tâm đến những gì xung quanh mình: vũ trụ, môi trường bởi tính thích khám phá. Phải nói rằng, không chỉ với Trịnh Xuân Thuận mà với cả người Việt, khoa vụ vũ trụ còn là một ngành tương đối mới lạ và khó khăn trong nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng. Do vậy, nhiều nhà khoa học trẻ dù dó đam mê nhưng ít người dám dấn thân với nó. Nhắc lại những buổi ban đầu đến với khoa học vật lý thiên văn, giáo sư Trịnh Xuân Thuận cho biết: “Đầu tiên tôi muốn học vật lý, thế xong sang Mỹ, đến trường Caltech- California. Lúc đó tôi thấy trong Cambrigde có kính thiên vi lớn nhất thế giới, tức là kính thiên vi nhìn xa nhất về quá khứ, nhìn xa nhất trong vũ trụ. Thành tôi rất muốn làm một nhà vật lý thiên văn. Vì lúc đó có rất nhiều các khảo cứu kiếm ra nhiều chuyện trong vật lý thiên văn như là bức xạ còn lại của vụ nổ lớn Bigbang của vũ trụ. Rồi 1969 có sự kiện, Amstrong, một con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Những việc đó khiến cho tôi có ham muốn trở thành một nhà vật lý thiên văn.”
Trong suốt hơn 40 năm sinh sống, nghiên cứu vũ trụ tại Mỹ, Pháp, giáo sư Trịnh Xuân Thuận được tắm mình trong môi trường khoa học hàng đầu của thế giới là Caltech, đại học Prienton và Trung tâm vũ trụ Nasa. Ông tự hào có may mắn được học tập và làm việc cùng với nhiều tên tuổi nhà vật lý nổi tiếng thế giới từng đoạt giải Nobel vật lý. Theo cách nói của giáo sư Trịnh Xuân Thuận đó là những người đã dạy ông suy nghĩ làm sao tìm ra sự mới mẻ”. Kết quả là năm 2004 giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã khám phá ra một thiên hà li ti còn rất trẻ. Đây là một trong những đóng góp vô cùng to lớn đối với khoa học vũ trụ. Cùng với đó, ông nhận nhiều giải thưởng lớn như giải thưởng Moron của Viện Hàn Lâm Pháp năm 2007, giải Kalinga năm 2009 của UNESCO nhờ đóng góp trong công cuộc đại chúng hóa khoa học, giải thưởng thế giới Cino del Duca uy tín của Viện Pháp quốc năm 2012 và giải Louis Pauwels năm 2012. Trong một môi trường khoa học uy tín, hiện đại và đẳng cấp hàng đầu thế giới đó, giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã chứng minh được phẩm chất và trí tuệ của người Việt. “Tôi là người Việt Nam. Tôi hãnh diện là người Việt Nam đạt đến chỗ mà mình có thể đứng ngang hàng với những người nước ngoài. Vì tôi là người Việt Nam nên cho tôi sức mạnh. Những cái đó nó cho tôi cái triết lý để đi xa trong con đường khoa học.”
Điểm đặc biệt của giáo sư Trịnh Xuân Thuận là ông viết nhiều sách về vũ trụ để phổ biến. Hơn 20 cuốn sách khoa học phổ biến của ông đều viết bằng tiếng Pháp, trong đó có trên 10 cuốn đã được dịch sang tiếng Việt như: Giai điệu bí ẩn, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao, Lượng tử và hoa sen, Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Đối mặt với vũ trụ… Chị Hoàng Thanh Thuỷ, Trưởng ban Sách khoa học của Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ cảm nhận của mình khi được tiếp xúc và làm việc với giáo sư Trịnh Xuân Thuận: “Rất khó tìm một mỹ từ nào thể hiện cảm xúc của tôi khi gặp ông. Ông, thể hiện đầy đủ là một nhà khoa học có tầm cỡ. Trong mọi giao tiếp gần gũi thân thiện. trong giao tiếp với chúng tôi ông đều thể hiện là người bao dung. Ông có những khen ngợi khiến chúng tôi rất xúc động khi tiếp xúc làm việc với ông.”
Nhiều bạn đọc Việt Nam hào hứng đón nhận những cuốn sách của giáo sư Trịnh Xuân Thuận để đến với vũ trụ bao la và bí ẩn. Chủ đề về vũ trụ tưởng như khô khan nhưng đã được Giáo sư Trịnh Xuân Thuận thể hiện lại một cách duyên dáng, mềm mại và dễ hiểu trong từng trang sách. Đây cũng là một cách làm rất riêng, không chỉ thể hiện mục đích truyền tải những vẻ đẹp tinh tú của các vì sao mà còn cho thấy tài năng sử dụng ngôn ngữ rất văn chương của nhà khoa học vật lý thiên văn. Anh Phạm Vũ Lộc, thành viên Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội cho biết: “Những quyển sách của giáo sư Trịnh Xuân Thuận khơi gợi, reo mầm cho các bạn trẻ. Chính những cuốn sách đó reo vào mình niềm đam mê, yêu thích. Giới trẻ cần tấm gương, biểu tượng để hướng đến. Với ngành thiên văn Việt Nam còn non trẻ, còn ít tấm gương như Trịnh Xuân Thuận mà phần lớn ở nước ngoài. Nên mỗi lần Giáo sư Trịnh Xuân Thuận về nước, chúng em đều muốn gặp gỡ giáo sư. Chính giáo sư là động lực quan trọng cho các bạn để kế tục con đường sự nghiệp chông gai của mình.” Giáo sư Trịnh Xuân Thuận người gốc làng làng Cói, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Mang trong mình dòng máu Việt, dù ở đâu giáo sư Trịnh Xuân Thuận vẫn mong muốn làm được điều gì đó cho đất nước, quê hương. Đúng như ông có lần nói, lý do ông về nước chính là truyền cảm hứng cho những bạn trẻ say mê nghiên cứu khoa học. Mục đích cuối cùng của ông là vì một nền khoa học Việt Nam tươi sáng, cất cánh để ngang bằng với các nước có nền khoa học tiên tiến.