(VOV5) - Kiều bào đang ý thức ngày càng rõ hơn tầm quan trọng của việc duy trì tiếng Việt đối với sự tồn tại, phát triển của người Việt Nam ở nước ngoài
Hiện nay, có khoảng hơn 180 nghìn người Việt Nam đang học tập, công tác và sinh sống tại Campuchia. Dù có hoàn cảnh và điều kiện sinh sống khác nhau, nhưng mỗi kiều bào đều chia sẻ mối quan tâm và nguyện vọng chung là ổn định cuộc sống, hoà nhập và thành đạt trong xã hội sở tại, đồng thời tiếp tục củng cố, phát triển cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hoá, truyền thống dân tộc, duy trì tiếng Việt và đẩy mạnh các hoạt động hướng về cội nguồn. Trong không khí những ngày cuối năm 2020 trên đất nước chùa Tháp, chúng tôi xin mời quý vị và các bạn đến với lớp học tiếng Việt cho con, em Việt kiều tại tỉnh Koh Kong (phía Tây Nam Vương quốc Campuchia).
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhìn vào cách bài trí phòng học cho đến những bộ đồng phục, nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng đây là một lớp học tiếng Việt dành cho con em bà con Việt kiều tại tỉnh Koh Kong, Vương quốc Campuchia. Hiện nay, toàn tỉnh Koh Kong có khoảng khoảng hơn 450 hộ người Việt với trên một nghìn nhân khẩu. Tuy nhiên, như phần lớn Việt kiều tại Campuchia, cuộc sống của bà con tại đây còn rất nhiều khó khăn, khi phần lớn chưa có quốc tịch Campuchia, cũng như nghề nghiệp ổn định. Điều đó dẫn đến thực tế rất nhiều con em Việt kiều lớn lên không có điều kiện học hành đầy đủ, hoặc nếu em nào may mắn được đi học tại các trường của Campuchia thì hầu như không còn nói được tiếng Việt.
Lớp học tiếng Việt tại Koh Kong |
Ông Nguyễn Nhí Anh, Chủ tịch chi hội Khmer-Việt Nam tại tỉnh Koh Kong cho biết, trước đây chi hội cũng đã thuê địa điểm để mở lớp học tiếng Việt miễn phí cho bà con, nhưng do không có kinh phí nên đã phải đóng cửa hơn 2 năm qua. Hôm nay, với sự cố gắng vượt bậc của bà con cộng đồng nơi đây, cùng với sự hỗ trợ của Tổng Lãnh sự quán, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và thành phố Hồ Chí Minh thì hôm nay đã mở lại được lớp học miễn phí này.
Đánh giá cao những cố gắng của bà con gốc Việt nơi đây, ông Vũ Ngọc Lý, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Preah Sihanouk, chia sẻ:“ Có thể nói rằng, lớp học, trụ sở chi hội nơi đây vẫn còn rất đơn sơ, không thấm tháp gì so với những nơi khác. Nhưng với một cộng đồng nghèo, với ước mơ từ lâu là có chỗ riêng của mình, thì tôi nghĩ rằng với cơ ngơi như thế này cũng có ý nghĩa hết sức to lớn với bà con Koh Kong, đáp ứng niềm mong mỏi của bà con.”
Các em học sinh cùng nhau học. |
Đến nay ngôi trường đã thu hút được khoảng hơn 20 em học sinh là con em Việt kiều, học tiếng Việt và tiếng Khmer theo chương trình giáo dục hiện hành vào buổi chiều. Em Dương Ngọc Thảo My, cho biết: “ Mẹ con là người Việt Nam, nên con muốn tham gia lớp học này để biết tiếng Việt nhiều hơn. Con thấy sách tiếng Việt rất hay nên con cố gắng học để biết được nhiều hơn.”
Đến với lớp học bằng tình yêu cho con trẻ, cô giáo Dương Kim Huệ, người luôn nhận về mình những khó khăn và thiệt thòi để giúp đỡ con em Việt kiều được đến lớp học văn hóa và giữ gìn tiếng nói của cha ông. Cô giáo Dương Kim Huệ luôn tâm niệm, trên thế giới có bao nhiêu ngôn ngữ thì có bấy nhiêu cách biểu đạt tình cảm nhưng có gì tuyệt vời hơn khi được chia sẻ cảm xúc của mình với người thân yêu nhất bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Cô Dương Kim Huệ hướng dẫn các em học sinh học tập. |
Và với tình yêu và trách nhiệm của mình, cô luôn vận động các em tới lớp học tiếng Việt: “ Em mong muốn các em biết được nhiều thứ tiếng, nhất là tiếng Việt của mình. Qua đó, các em sẽ biết mình là người gốc Việt, mình biết tiếng của mẹ đẻ mình. Em cũng hi vọng là từ nay sẽ có nhiều người biết đến lớp học này, cũng như các em học sinh sẽ đến tham gia lớp học nhiều hơn.”
Kiều bào đang ý thức ngày càng rõ hơn tầm quan trọng của việc duy trì tiếng Việt đối với sự tồn tại, phát triển của người Việt Nam ở nước ngoài với tư cách là một cộng đồng sắc tộc có bản sắc văn hoá riêng trong lòng xã hội sở tại. Các hoạt động được đề ra nhằm duy trì, giữ gìn và phổ biến tiếng Việt trong cộng đồng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, cũng như thể hiện mong muốn và nỗ lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn bản sắc văn hoá, truyền thống trong đó trọng tâm là duy trì ngôn ngữ dân tộc.