VOV5 - Vác-sa-va (Ba Lan), nhiệt độ âm 25 độ, tuyết trắng trời, trắng đất, lạnh thấu xương... nhưng đều đặn tuần nào, chị Phong Lam và con gái Trâm Anh cũng không ngại ngần bắt tàu điện ngầm đến trường tiếng Việt Lạc Long Quân học chữ. Ở nơi đó, con chị sẽ được gặp các bạn Việt Nam cùng trang lứa, được chơi đùa và đặc biệt là được học và nói tiếng Việt.
Mỗi ngày đến trường Tiếng Việt Lạc Long Quân các con luôn vui và hạnh phúc.
Học tiếng Việt để không mất gốc
“Con đã viết được tên mình, tên bố mẹ, biết đọc nhiều bài tiếng Việt”, cô bé Trâm Anh vừa nói với chúng tôi như thế vừa viết lên bảng đen tên của mình. Trâm Anh năm nay 11 tuổi, em theo bố mẹ sang Ba Lan từ lúc 3 - 4 tuổi, vì vậy giờ đây em nói tiếng Ba Lan giỏi hơn tiếng Việt. Ngày mới đưa con sang Ba Lan, chị Phong Lam rất lo con không nói được tiếng Việt, khi về thăm ông bà sẽ không hiểu lời yêu thương của ông bà và không nói được tình cảm của mình với người thân, vì vậy khi biết có trường dạy tiếng Việt ở Vác-sa-va, nên dù công việc làm ăn rất bận rộn, dù nhà không gần trường... nhưng chị vẫn quyết tâm đưa con đến lớp học này. Giờ đây, thấy con giao tiếp bằng tiếng Việt với các bạn, với bố mẹ và đặc biệt luôn là học sinh giỏi của trường Lạc Long Quân, chị vui lắm. “Không có phần thưởng nào hơn khi con về nhà nói với bố mẹ bằng tiếng Việt, khi về Việt Nam, cháu biết nói chuyện với người thân... như thế là con không bị mất gốc. Mừng lắm”, chị Lam bày tỏ.
Ở Ba Lan hiện có khoảng 40 nghìn người Việt, chủ yếu tập trung ở Vác-sa-va và vùng lân cận. Người Việt đến định cư tại Ba Lan từ những năm 1960, đó là những người đi học tập, nghiên cứu rồi ở lại, sau đó là những người sang Đông Âu lao động hợp tác những năm 1970 -1980 và bây giờ là những người Việt sang Ba Lan làm ăn, kinh doanh dưới sự bảo lãnh của người thân... “Chúng tôi rất lo cho thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba, đó chính là con em chúng tôi không nói được tiếng Việt. Vì vậy, chúng tôi đã mở trường dạy tiếng Việt Lạc Long Quân này để giúp các cháu có cơ hội được học và nói tiếng Việt”, ông Lê Xuân Lâm, Hiệu trưởng và là đồng sáng lập Trường Lạc Long Quân ở Vác-sa-va chia sẻ. Ông Lâm cũng cho biết thêm, ở Vác-sa-va hiện có hơn 1.000 trẻ em Việt trong tuổi học phổ thông, nhiều gia đình trẻ hiện nay có 1 - 2 con đang tuổi đi học. Rất nhiều trong số họ dù phải làm việc rất vất vả để kiếm sống nhưng vẫn gắng đưa con đến trường, bởi với họ, con cái được đến trường học tiếng Việt là để gìn giữ văn hóa Việt, gìn giữ hồn Việt nơi đất khách, quê người.
Lớp học của cô giáo Hoàng Thị Ngoan.
Gian nan người gieo chữ
Trường dạy Tiếng Việt Lạc Long Quân được thành lập năm 2009, trên cơ sở sáp nhập Trường Hùng Vương (thành lập năm 1999) và Trường Văn Lang (thành lập năm 2007) tại Vác-sa-va. “Để gieo được con chữ trên tuyết trắng - nói như ông Lê Xuân Lâm - chúng tôi đã phải cố gắng vượt qua muôn vàn khó khăn”. Để trường có thể hoạt động, ông Lâm đã phải vận động, thuyết phục chính quyền địa phương, rồi lo tìm địa điểm thuận lợi nhất để thuê tổ chức lớp, lo kinh phí để vận hành... “Với mục đích muốn con em mình biết nói, biết sử dụng tiếng mẹ đẻ nên chúng tôi chỉ thu học phí rất vừa phải, không phải vì lợi nhuận, nên chỉ đủ trang trải cho hoạt động của trường, ngay cả tiền lương, cán bộ, giáo viên cũng chỉ nhận tượng trưng, nhiều chi phí anh em cũng tự nguyện đóng góp hoặc vận động các nhà hảo tâm” - ông Lâm nói.
Các thầy cô và các con trường tiếng Việt Lạc Long Quân
Có trường, ông Lâm và các thành viên sáng lập cũng phải vận động bà con cho con em đến trường. Do cuộc sống mưu sinh mà nhiều ông bố bà mẹ chưa có điều kiện đưa cho đến trường học tiếng Việt. Đặc biệt là thời tiết lạnh giá vào mùa đông, việc học của các con ở trường Ba Lan rất căng cũng là cản trở cho việc đến trường tiếng Việt của các cháu. Nhưng ông Lâm và các thầy giáo, cô giáo ở đây đã cố gắng tổ chức việc học, việc chơi thật chu đáo, khoa học nên số lượng trẻ học tiếng Việt tại trường tăng dần.
Có học trò đã khó, nhưng chương trình dạy thế nào cho phù hợp cũng không phải chuyện dễ. Thầy giáo Mai Hải Lâm, người chủ trì biên soạn chương trình và sách học tiếng Việt cho học sinh ở trường Lạc Long Quân cho biết: Các cháu ở đây đều học ở trường Ba Lan, chỉ đến học tiếng Việt từ 16h đến 19h thứ Bảy hằng tuần. Nếu theo chương trình trong nước thì rất nặng, cho nên để việc học của các cháu có hiệu quả, chúng tôi đã biên soạn lại chương trình cho thật phù hợp, đưa thêm những nội dung hữu ích vào học cho sinh động...”. Chính điều đó đã khiến các bé say sưa hơn với tiếng Việt, nhiều cháu rất thích thú khi nghe những câu chuyện cổ tích Việt Nam, những bài hát thiếu nhi và thơ Việt Nam. Để nâng cao trình độ tiếng Việt của các em, trường cũng thường xuyên phối hợp với các hội đoàn tổ chức các buổi sinh hoạt như dịp Trung thu, Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết cổ truyền... để các em giao lưu với nhau và có cơ hội nói tiếng Việt với cộng đồng. Đặc biệt, hằng năm, trung tâm tổ chức trại hè “Vui cùng tiếng Việt”, lồng ghép các chương trình vui chơi, văn nghệ với kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam; tổ chức CLB đọc sách tiếng Việt… thu hút cả trẻ em và phụ huynh tham gia đã khiến các em vừa được học tiếng Việt, vừa hiểu thêm về đất nước và văn hóa Việt Nam.
Đoàn nhà báo VOV với thầy trò trường Tiếng Việt Lạc Long Quân.
Với các thầy cô giáo, để đến với lớp dạy tiếng Việt thì lòng nhiệt tình có thừa, nhưng khó khăn nhất với họ chính là thiếu kỹ năng giảng dạy. Nhiều người ngày đi làm những công việc chính kiếm sống, tối tranh thủ đến lớp với các em. Cũng có người là cô giáo ở Việt Nam sang, nhưng để có thể dạy được thì “chúng tôi rất cần có những chương trình tập huấn, giúp chúng tôi có kỹ năng, phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho các em một cách tốt nhất” - cô Hoàng Thị Ngoan, từng là giáo viên tiểu học ở Hưng Hà, Thái Bình theo chồng sang định cư ở Ba Lan bộc bạch.
Chờ những mùa trái ngọt
Ông Phạm Trường Giang, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan cho chúng tôi biết, hiện nay cộng đồng Việt là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất ở Ba Lan, đa số người Việt sống tại Vác-sa-va. Người Việt thế hệ thứ nhất có những đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của Ba Lan. Thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh ra và lớn lên ở Ba Lan hiện nay cũng trở thành một trong những lực lượng lao động quan trọng ở đất nước Bạch dương này. Trong các trường phổ thông, học sinh gốc Việt học tập rất giỏi, ngoan và chăm chỉ. Các em được thầy cô và bạn bè nể trọng. Nhiều em thành đạt và là những tài năng trẻ ở Ba Lan. Ông Giang chia sẻ thêm: “Lớp trẻ người Việt tại Ba Lan cũng có em biết tiếng Việt vì được học tiếng Việt tại trường Lạc Long Quân. Trường là một cơ sở dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa Việt Nam rất hiệu quả...”.
Các con thích thú tham gia hội trại Vui cùng tiếng Việt
Ông Lê Xuân Lâm cung cấp một thông tin: Theo thống kê, có khoảng hơn 1.000 trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở ở Vác-sa-va, nhưng trường Lạc Long Quân hiện chỉ có 150 học sinh theo học tiếng Việt. Con số này quá nhỏ, vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng để mở rộng hơn nữa trường tiếng Việt để con em có điều kiện được đến trường học tiếng Việt. Nếu các cháu giỏi giang lại biết tiếng Việt thì sẽ có nhiều thuận lợi khi trở về đầu tư xây dựng và đóng góp cho đất nước”. Ông Lâm nói thế, nhưng chắc chắn ông và những thầy cô giáo ở trường Lạc Long Quân - những người gieo tiếng Việt trên tuyết trắng - phải nỗ lực nhiều lắm mới mong gặt được những mùa trái ngọt...
-.