(VOV5) - UBND tỉnh Thanh Hoá đang có nhiều biện pháp để bảo vệ, phát huy, quảng bá giá trị của Khu di sản Thành Nhà Hồ trong các lĩnh vực sử học, khảo cổ học… cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Sáng 23/07, đoàn Trại hè Việt Nam 2023 tiến vào miền Trung với nhiều hoạt động tại tỉnh Thanh Hoá. 120 thanh niên kiều bào dâng hương tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá). Đây là nơi anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược.
Thanh niên kiều bào nghe hướng dẫn viên thuyết minh về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh. |
Sau khi chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, công bố Đại cáo Bình Ngô. Vua Lê Thái Tổ cũng là người gắn với truyền thuyết trả gươm cho rùa thần bên hồ Hoàn Kiếm, hình ảnh tượng trưng cho khát vọng hòa bình của dân tộc.
Chụp ảnh lưu niệm trước cây đa thị tại khu di tích. |
Bạn Bùi Trần Hà My ở CHLB Đức, cho biết Hà My thích thú khi nghe những câu chuyện truyền thuyết mang màu sắc huyền bí ở vùng đất Lam Kinh: "Lần này là lần đầu tiên em thăm Thanh Hóa, được học nhiều lịch sử về các di tích ở Thanh Hoá. Đến đây, em thấy phong cảnh thiên nhiên rất là đẹp. Khi về nước, em muốn kể với các bạn nhiều hơn về chuyến đi này để các bạn làm quen và biết nhiều hơn về Việt Nam".
Đoàn cũng tham quan, tìm hiểu lịch sử và kiến trúc tại Di sản văn hoá thế giới Thành nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc. Tòa thành kiến trúc đá này được coi là “độc nhất vô nhị” của Việt Nam và thế giới.
Kiều bào đứng trong mái vòm của cổng phía Nam của Thành Nhà Hồ. |
Toàn bộ tường thành và các cổng chính được xây dựng từ các tảng đá lớn được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau mà không cần chất kết dính.
Xem mô hình sa bàn tại nhà giới thiệu Khu di sản. |
Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hoá đang có nhiều biện pháp để bảo vệ, phát huy, quảng bá giá trị của Khu di sản Thành Nhà Hồ trong các lĩnh vực sử học, khảo cổ học… cho nhân dân địa phương và khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ.