(VOV5) - Thế hệ thanh niên kiều bào tại Lào luôn coi trọng và giữ gìn tiếng Việt. Có được điều này phần lớn nhờ sự chỉ bảo và truyền dạy trong gia đình và trường lớp.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Phần thi hùng biện bằng tiếng Việt của cô sinh viên Su-pa-pon Say-sung-khăm đã giành trọn vẹn tình cảm yêu mến của ban giám khảo và khán giả. Đây là cuộc thi hùng biện bằng tiếng Việt của sinh viên Lào do Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Lào vừa mới tổ chức.
Dù cô bé sinh ra và lớn lên tại Lào và mới du học ở Việt Nam trong khoảng thời gian khá ngắn, nhưng tiếng Việt của Su-pa-pon rất tốt, thậm chí cách phát âm và sử dụng từ ngữ của em y hệt như người Việt bản địa. Su-pa-pon tâm sự em có mẹ là người Việt, bố là người Lào, từ nhỏ em đã rất say mê học tiếng Việt: “Hồi bé em cũng nghe mẹ em dạy nói tiếng Việt, nghe những câu chuyện, bài hát của mẹ nên em cũng yêu tiếng Việt từ đó. Du học Việt Nam là một phần do cơ duyên, một phần mẹ em là người Việt Nam. Hồi nhỏ em rất muốn sang Việt Nam chơi vì ở Việt Nam vui, phát triển hơn Lào. Do một phần cơ duyên em đã được nhận học bổng của chính phủ Lào và em đã chọn học tại trường Ngoại thương”
Cũng giống như Su-pa-pông, cô bé Trần Thị Linh Đa, đang sống tại tỉnh Sa-vẳn-na-khẹt cũng được nuôi dưỡng trong một môi trường rất Việt Nam. Em tâm sự: “Khi ở Lào em thường nói chuyện với bố mẹ em, giờ em nói tiếng Việt khá hơn. Cả nhà em thường nói bằng tiếng Việt, đôi lúc nói bằng tiếng Lào nhưng đa số là bằng tiếng Việt. Ở Sa-vẳn-na-khẹt có rất nhiều Việt kiều, có nhiều hoạt động khác nhau, có hội Việt kiều giao lưu văn hóa.”
Em Su-pa-pon Say-sung-khăm, một sinh viên kiều bào Lào, đang học tại trường Đại học Ngoại thương |
Nếu gia đình là nơi gieo mầm thì trường lớp có lẽ là nơi nuôi dưỡng, trau dồi cho thế hệ thanh niên kiều bào thêm yêu mến và gắn bó với tiếng Việt. Tại Lào, hiện nay có 12 trường học và trung tâm dạy tiếng Việt cho thanh thiếu niên Việt kiều. Ngoài giờ học chính trên lớp hay vào dịp hè, các thanh thiếu niên kiều bào lại tham gia vào những lớp học tiếng Việt như thế này.
Em Nguyễn Khánh Huyền đến từ tỉnh Champasak tâm sự:“Mùa hè ở chỗ em thường hay tổ chức những lớp tiếng Việt. Em cũng có một khoảng thời gian lớp 3, lớp 4 em đi học tiếng Việt. Em học viết và học đọc. Giờ em cũng còn sai chính tả khá nhiều nhưng đọc thì rất tốt rồi”
Nỗ lực, kiên trì và không quản vất vả là những điều dễ dàng bắt gặp nơi các thầy cô giáo dạy tiếng Việt nơi đất nước triệu voi. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, hay những khác biệt trong yếu tố ngôn ngữ, văn hóa không làm các thầy cô giáo nản lòng.
Cô giáo Nguyễn Minh Hồng, một giáo viên Việt kiều đang giảng dạy ở tỉnh Sa-vẳn-na-khẹt kể lại câu chuyện của mình: “Tôi dạy ở tỉnh Savannakhet, nói chung người Việt mình ở đó là người miền Trung, người miền Bắc ít. Tôi lại là người Bắc nhưng các bà con ở đó hay sử dụng tiếng địa phương, nên tôi lại tìm hiểu tiếng địa phương của miền Trung Việt Nam, phân biệt cho các cháu hiểu người miền Trung, miền Nam hay miền Bắc Việt Nam nói như thế nào. Có thể một từ tôi phải giải thích ra nhiều nghĩa cho các cháu”
Nhắc đến việc dạy và học tiếng Việt tại Lào không thể không kể đến trường Nguyễn Du tại thủ đô Viên-chăn. Trường là một trong những ngôi trường đầu tiên thực hiện mô hình trường song ngữ Việt - Lào. Tại đây, đối với môn tiếng Việt, tại các em học như một ngoại ngữ với từ 4 – 6 tiết/tuần, tùy theo từng cấp học. Bên cạnh đó, có ba lớp thí điểm chương trình song ngữ, trong đó các em sẽ được học môn tiếng Việt và các môn Tự nhiên cũng bằng tiếng Việt.
Cô giáo Trần Thị Bích Vân, tổ trưởng tổ tiếng Việt của trường song ngữ Nguyễn Du tại thủ đô Viên Chăn bày tỏ: “Học sinh của chúng tôi rất thích học tiếng Việt, tham gia các hoạt động ngoại khóa bằng tiếng Việt, nhưng các en chưa giỏi tiếng Việt nên đó là vấn đề mà chúng tôi đang trăn trở. Chúng tôi muốn làm thế nào để các em đọc viết giỏi nhưng cũng phải giao tiếp giỏi. Bởi bây giờ học sinh của chúng tôi trình độ đọc rất khá nhưng mà giao tiếp chưa giỏi lắm”
Thầy cô giáo Việt kiều trong Khóa huấn luyện về giảng dạy tiếng Việt do Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ ngoại giao và Bộ Giáo dục- Đào tạo tổ chức |
Hiện nay, Ủy ban người Việt ở nước ngoài của Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục – Đào tạo rất quan tâm đến việc giảng dạy tiếng Việt tại nước bạn Lào. Vào tháng 8 vừa qua, Khóa huấn luyện về giảng dạy tiếng Việt đã tiếp thêm lòng nhiệt huyết, yêu nghề cho đội ngũ giáo viên kiều bào tại Lào nói riêng và các nước trên thế giới nói chung. Những Việt kiều nơi đất nước triệu voi hoàn toàn có thể tin tưởng rằng con em mình dù ở thế hệ thứ 3 hay thứ 4 vẫn có thể duy trì được tiếng nói quê hương mình.