Gỡ khó khi kiều bào đầu tư
(VOV5)- Một trong những vấn đề được Hội nghị NVNONN lần 2 bàn luận là làm thế nào tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kiều bào ta về nước đầu tư
Không ít Việt kiều cho biết, rất muốn về nước đâu tư xây dựng quê hương nhưng hầu hết họ đang gặp nhiều khó khăn từ nhiều khía cạnh.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ủy Ban (UB) Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay có khoảng 3.500 doanh nghiệp (DN) do người Việt Nam ở nước ngoài thành lập hoặc góp vốn đầu tư vào trong nước. Chính sách cởi mở, nhiều DN phát huy hiệu quả nhưng không ít Việt kiều cho biết, rất muốn về nước đâu tư xây dựng quê hương nhưng hầu hết họ đang gặp nhiều khó khăn cả khía cạnh chủ quan lẫn khách quan.
Theo bà Nguyễn Thanh Mỹ (Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài), kinh tế thế giới chưa bước ra khỏi giai đoạn suy thoái, lãi suất tín dụng tăng cao, giá cả leo thang, Chính phủ và người dân ở nhiều nước đang phải "thắt lưng buộc bụng”, tình trạng này khiến cho chi phí đầu vào của DN tăng nhanh trong khi đầu ra cũng gặp khó khăn không kém. Vì thế, đa phần các DN đang phải nỗ lực để duy trì hoạt động kinh doanh của mình ở nước sở tại. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, ngày càng có nhiều người Việt Nam muốn chuyển hướng đầu tư, kinh doanh trong nước.
Đầu tư của kiều bào về nước hiện nay trải rộng trên nhiều lĩnh vực, tập trung vào ba lĩnh vực chính là công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản và thông tin – truyền thông, chiếm đến 90% vốn đầu tư. Tuy nhiên, có thể thấy số lượng dự án và tổng số vốn đầu tư của kiều bào về trong nước chưa tương xứng với năng lực thực sự của lực lượng này.Có nhiều lý do nhưng chủ yếu nằm ở rào cản thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật. Những rắc rối, phức tạp, nhiêu khê, mất thời gian trong thủ tục hành chính làm cho nhiều nhà đầu tư nản lòng.
|
Doanh nhân Việt kiều mong muốn được đầu tư về nước.Ảnh: L.Hồng
|
Ở một khía cạnh khác, bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Nguyễn (doanh nhân người Việt tại Mỹ) cho rằng, không ít người chưa muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam mà chỉ là "đi đi về về”, không có mặt thường xuyên để quản lý công việc. Nguyên nhân là do họ chưa thể hoàn toàn dứt bỏ công việc và chịu trách nhiệm trong cơ sở kinh doanh, các quyền lợi tại nước sở tại; học vấn của con cái, trách nhiệm đối với gia đình và người thân, áp lực của xã hội và cộng đồng….Ngoài ra, các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài còn gặp các khó khăn về việc thay đổi môi trường sống. Khi quyết định về Việt Nam làm việc và kinh doanh, họ sẽ phải đối đầu với những trở ngại và khó khăn như: Không hiểu tường tận về các quy định luật pháp, xã hội, tôn giáo và con người tại Việt Nam; các điều kiện như: bảo hiểm, y tế, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn thông tin, an ninh cá nhân, giáo dục cộng đồng, vui chơi giải trí,… Trong khi đó, họ cũng không đủ thời gian để tạo các mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp, đối tác kinh doanh, các cấp chính quyền,…để có thể nhận được sự hỗ trợ và hậu thuẫn khi gặp các vấn đề khó khăn, vướng mắc.
Còn ông Trần Trọng Thông - doanh nhân tại Nga cho rằng, DN người Việt ở nước ngoài và trong nước cần hợp tác và hỗ trợ, tránh cạnh tranh nhau mà thay vào đó xây dựng sức mạnh liên kết để cạnh tranh toàn cầu.
Ông Từ Ngọc Ẩn (kiều bào Úc) cho rằng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu đãi cho kiều bào, đặc biệt là các doanh nhân, nhờ đó đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong số đó cũng có người lợi dụng sự ưu ái này mà làm nhiều việc tai tiếng, vun vén cho lợi ích cá nhân. Mặc dù vậy, "tôi cũng mong Nhà nước đừng vì một vài con sâu mà hủy hoại nồi canh rất cần cho sự canh tân, phát triển của đất nước, có nghĩa là cần những chính sách hợp lý hơn, kịp thời hơn nữa để thu hút kiều bào đầu tư về quê hương”, ông Ẩn nhấn mạnh./.
Quốc Định (Đại đoàn kết)