(VOV5) - Kiều bào trẻ mong muốn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho người dân trong vùng về tầm quan trọng của biển, hải đảo và tác hại của việc xả rác ra khu vực bờ biển.
Bảo vệ cảnh quan môi trường ven biển là bảo vệ môi trường chung đang rất được quan tâm ở Việt Nam. Tháng 7 vừa qua, thanh niên, sinh viên kiều bào ở nhiều nước trên thế giới đã hội tụ ở miền Trung và ra quân trồng cây, dọn vệ sinh môi trường biển.
Thành quả sau buổi sáng thu gom rác ở bãi biển Mỹ Khê, tỉnh Quảng Ngãi |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong cái nắng chang chang của mùa hè miền Trung, 155 thanh niên, sinh viên kiều bào có mặt tại bãi biển Mỹ Khê, tỉnh Quảng Ngãi và hào hứng tham gia dọn vệ sinh, thu gom rác để trả lại cảnh quan môi trường tự nhiên cho bờ biển.
Xomvixay Khamphet, người Việt tại CHDCND Lào cho biết bạn đã nhặt được ba túi rác với nhiều loại rác khác nhau: “Em tham gia Trại hè Việt Nam và nhặt rác ở bãi biển Mỹ Khê để cho biển Mỹ Khê thêm sạch đẹp hơn. Em thấy công sức của mình bỏ ra là xứng đáng vì đã làm cho bãi biển thêm đẹp và giữ gìn môi trường. Em nghĩ nên tuyên truyền cho người dân về tác hại của ô nhiễm môi trường. Nếu chúng ta không giữ gìn môi trường thì sẽ có rất nhiều tác hại như là nước lụt hay là ra những tác hại khác”.
Nhặt rác tại bãi biển Mỹ Khê, Quảng Ngãi |
Không ngại phơi mình dưới cái nắng nóng 38°C trên bãi biển miền Trung để nhặt rác, chẳng bao lâu, hơn 1 km bãi biển Mỹ Khê, tỉnh Quảng Ngãi đã sạch đẹp trông thấy. Lau vội những giọt mồ hôi chảy dài trên trán, Đào Nguyên Hoàng, Cộng hòa Séc vui mừng với thành quả mà các em đã đạt được: “Đi nhặt rác ở đây rất là hay. Bởi vì bãi biển đã trở nên sạch hơn. Nếu chúng em dọn bãi biển ở đây sạch đẹp, thì mọi người đến tắm biển sẽ cảm thấy sảng khoái. Bờ biển ở Việt Nam rất đẹp. Phải giữ gìn biển sạch, không có rác để mọi người đến tắm biển”.
Trồng cây đước tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An |
Có chung tình yêu với môi trường và đau đáu về các vấn đề môi trường hiện nay ở Việt Nam, các bạn trẻ kiều bào cũng đã có các hoạt động trồng cây ở tỉnh Quảng Nam với mong muốn góp phần cho trái đất thêm xanh. Đối với Ngọc Mai, sinh sống và học tập tại Lào, việc trồng cây ngập mặn tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An cũng là một trải nghiệm thú vị và hữu ích để giúp cho hệ sinh thái khu vực vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lào Chàm nuôi dưỡng nguồn thủy hải sản, bảo vệ cuộc sống con người: “Em ấn tượng với hoạt động trồng cây. Hoạt động trồng cây là một hoạt động nhỏ nhưng nó đã góp phần vào việc bảo vệ môi trường để đối phó với biến đổi khí hậu hiện nay”.
Việt Nam có đường bờ biển dài với 3.260km, đi qua 28 tỉnh và thành phố. Cùng với đó là nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ với nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Việc giữ gìn bãi biển sạch là yếu tố tiên quyết để thu hút khách du lịch đến với Việt Nam nhiều hơn.
Các thanh niên kiều bào tham gia các hoạt động trải nghiệm này bởi vì họ nhận thấy mối nguy hại lớn của ô nhiễm môi trường. Từ việc thiếu ý thức của con người đang gây ra nhiều hệ lụy lớn đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên như: xói mòn đất, tàn phá hệ sinh thái, ngập úng, lụt lội...
Trần Phương Anh, người Việt ở Ucraina, bày tỏ: “Nếu bãi biển nhiều rác thì gây ô nhiễm cho môi trường. Ngoài ra, nhiều khi đi dạo ngoài bãi biển, mình có thể dẫm chân vào những mảnh vỡ của lọ thủy tinh, có thể bị rách chân. Như thế con người rất dễ gặp tai nạn. Ngoài ra có những loại rác là nhựa, mất rất nhiều thời gian để phân hủy. Nếu mà mình vứt rác ra ngoài biển thì sẽ bị sóng đánh ra ngoài biển xa và ảnh hưởng đến sự sống của các thủy hải sản. Vì thế tụi em nên phải dọn rác để bảo vệ môi trường của mình và làm cho môi trường của mình sạch sẽ hơn”.
Các kiều bào trẻ mong muốn qua đây sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho người dân trong vùng về tầm quan trọng của biển, hải đảo và tác hại của việc xả rác ra khu vực bờ biển, từ đó thay đổi thói quen trước kia. Bởi có thay đổi được ý thức thì mới dẫn đến việc thay đổi được hành động của người dân.
Các bạn trẻ cũng mong ở các bãi biển có thêm nhiều thùng rác để người dân bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế sản phẩm nhựa mà sử dụng sản phẩm thân thiện với tự nhiên, từ đó tạo ra nét văn hóa đẹp trong từng người dân về việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống.