Hành trình không nghỉ của vị "lưỡng quốc giáo sư"

(VOV5) – Những hoạt động của GS TSKH Nguyễn Ngọc Thành với mong mỏi nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin Việt Nam.


Như chúng tôi từng đưa tin, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Thành, người Việt ở Ba Lan, được biết đến là một nhà khoa học hàng đầu thế giới trong ngành Trí tuệ nhóm, thuộc lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo. Ông cũng là người có nhiều đóng góp cho việc kết nối các hoạt động phát triển đào tạo ngành khoa học máy tính tại Việt Nam với thế giới. Cuối tháng 3 vừa qua, giáo sư Nguyễn Ngọc Thành tiếp tục những hoạt động này tại Việt Nam.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Ngày 27/3, hội thảo khoa học về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư “Industry 4.0 và trí tuệ nhân tạo” do trường đại học Quảng Bình phối hợp với Giáo sư Nguyễn Ngọc Thành và Trường đại học Bách khoa Wroclaw (Ba Lan) tổ chức, đã trao đổi, thảo luận về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, một vấn đề nóng hổi trên thế giới, cơ hội và thách thức đối với công nghiệp Quảng Bình; tổng quan về trí tuệ nhân tạo; ngành thông tin và truyền thông Quảng Bình trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; vai trò của Hội tin học trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cũng cuối tháng 3, tại Hội thảo về Phương pháp trình bày báo cáo khoa học của trường Đại học Nguyễn Tất Thành, thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Nguyễn Ngọc Thành là diễn giả chính. Giáo sư Nguyễn Ngọc Thành cho biết, đây là một hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trẻ Việt Nam thông qua việc viết và công bố các báo cáo trên các Tạp chí trong nước và quốc tế: “Về nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu khoa học của Việt Nam theo tôi là một điểm mạnh của Việt Nam trong thời gian gần đây. Có thể nói ngành khoa học máy tính, công nghệ thông tin của Việt Nam thời gian gần đây các nhà khoa học Việt Nam hội nhập tốt nhất so với các ngành khoa học kỹ thuật như cơ khí, nhiệt điện vv… Tôi nhận thấy nhiều nhà khoa học trẻ của Việt Nam đựoc đào tạo rất tốt ở nước ngoài, về làm việc trong nước và họ rất tích cực làm việc khoa học, hội nhập rất tốt, có những hợp tác khoa học với các nhà khoa học nước khác. Chính vì vậy càng thôi thúc cho tôi việc làm sao có thể giúp cho họ tốt hơn, trong khả năng của mình”

Hành trình không nghỉ của vị
GS Nguyễn Ngọc Thành đang trình bày tại Hội thảo về phương pháp trình bày báo cáo khoa học - Ảnh: Tiến Thành/ ntt.edu.vn



Những hoạt động này của ông, tiếp tục nỗ lực nhiều năm qua với mong mỏi nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin Việt Nam. Trong những hội thảo, các nhà khoa học Việt Nam và Ba Lan đã trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc đào tạo chuyên ngành, những ngành nghề đào tạo mới cần được thành lập; chương trình, phương thức đào tạo; những định hướng phát triển, cũng như công tác quản trị đại học trong thời gian tới. Điều này, càng có ý nghĩa thiết thực với công tác đào tạo chuyên ngành trong trường đại học, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tháng 1 vừa qua công bố dự thảo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học với 25 tiêu chuẩn và hơn 100 tiêu chí.


Những hội thảo khoa học quốc tế do Giáo sư Nguyễn Ngọc Thành tổ chức, nhất là Hội nghị Châu Á về Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh do ông sáng lập, diễn ra hàng năm ở các nước châu Á, tạo điều kiện cho nhiều nhà khoa học ngành máy tính Việt Nam có diễn đàn trao đổi khoa học cũng như công bố các công trình nghiên cứu. Trước đó, năm 2012, Tạp chí Khoa học Máy tính Việt Nam được thành lập bởi Đại học Nguyễn Tất Thành và giáo sư Nguyễn Ngọc Thành, do Nhà Xuất bản nổi tiếng Springer ấn hành, cũng tạo cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam và các nước trong lĩnh vực này giới thiệu những công trình nghiên cứu chất lượng, từ đó tiếp cận với các tạp chí khoa học quốc tế lớn khác. Giáo sư Nguyễn Ngọc Thành cho biết: “Chỉ có mục đích đó chúng tôi mới có thể biết về nhau, biết rõ mỗi người làm về vấn đề gì, đang thực hiện dự án gì, bài toán khoa học gì để từ đó mới bắt đầu hợp tác. Vì muốn hợp tác khoa học với nhau thì chúng tôi phải hiểu rõ về nhau về mặt khoa học, trên những dự án cụ thể.”


Cũng theo giáo sư Nguyễn Ngọc Thành, trong những nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, Đại học Quảng Bình đã đồng hành cùng hoạt động của ông từ Hội nghị Châu Á về Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh đầu tiên tại Quảng Bình đến những lần tiếp theo tại các nước khác. Hội nghị lần thứ 10 sẽ tiếp tục được tổ chức tại TP. Đồng Hới, Quảng Bình vào năm 2018, tiếp tục tạo cơ hội cho nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam tham gia và tiếp cận với những thông tin mới nhất trong ngành.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác