Trường Toverboom nơi con trai tôi theo học là một ngôi trường nằm trong hệ thống giáo dục của vùng Flanders nước Bỉ. Mục tiêu của nhà trường là hướng cho học sinh phát triển toàn diện, và mỗi cá nhân có cơ hội như nhau, đó cũng là nguyên tắc cho mọi hoạt động của nhà trường.
Các thầy cô và nhà trường luôn đặt ra tiêu chí: Để trẻ con phát triển hết khả năng mà bản thân chúng có, thì tất cả các môn học đều quan trọng như nhau: từ giáo dục thể chất, ca múa hội họa, văn hóa, lịch sử, hoạt động và giao tiếp xã hội.. cũng như các môn toán hay ngữ văn. Bởi thế, trong chương trình học tập luôn xen kẽ dày đặc các hoạt động ngoại khóa, vừa để phát triển toàn diện, vừa để giảm áp lực và sự cứng nhắc trong các môn khoa học. Vì thế, rất nhiều hoạt động được nhà trường thực hiện vào bất kỳ dịp nào có thể.
Ngày Tết thiếu nhi 1/6 vừa qua, các em học sinh trường Toverboom được chung tay tự thiết kế một lễ hội theo ý tưởng và khả năng của riêng mình. Cô giáo và người lớn sẽ là người định hướng và hỗ trợ.
Chủ đề năm nay của lễ hội là “Du lịch vòng quanh thế giới”. Chủ đề được thông báo tới phụ huynh học sinh ngay từ buổi họp phụ huynh đầu kỳ để các bố mẹ xếp lịch và đến dự với các con. Tại lễ hội, mỗi lớp sẽ giới thiệu về một đất nước mà mình yêu thích.
Lớp con trai tôi có tổng số 25 bạn, thì có 3 học sinh quốc tế. Hai bạn Sandra và Henry đến từ hai nước Châu Âu là Đan Mạch và Anh Quốc, con trai tôi là người Châu Á duy nhất trong lớp học này. Tất nhiên là trong lớp, tất cả đều học bằng tiếng Bỉ phổ thông. Tuy cách xa nhau về địa lý, và nói những thứ ngôn ngữ khác nhau, nhưng các bạn rất gần nhau về tâm hồn và sở thích.
Sau buổi họp phụ huynh, vợ chồng tôi đã ở lại gặp cô giáo, xin phép cô đề nghị với nhà trường cho chúng tôi hỗ trợ các con giới thiệu về văn hóa Việt Nam. Tôi hiểu rằng đây là một điểm nhấn quan trọng cho cậu con trai của tôi, vì cháu vốn rất tự hào là người Việt. Cháu nhập học trường này vào năm lớp 2, trong khi các bạn khác trong lớp đã trải qua năm lớp 1 cùng nhau, vậy mà chẳng bao lâu sau con trai tôi đã hòa nhập và được bạn bè quý mến bầu cho danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất, và là người biết nói nhiều ngôn ngữ nhất. Hẳn là được giới thiệu về tiếng Việt và đất nước thân yêu hình chữ S của mình, cháu sẽ tự hào lắm đây!.
Đối với tôi, việc giữ cho các con có một tâm hồn phong phú là điều quan trọng. Ngôn ngữ sẽ giúp các con mở rộng cánh cửa, hiểu biết về nhiều nền văn hóa. Tôi tự thấy rằng, các con tôi thật may mắn khi được mang dòng máu của một đất được giàu bản sắc như dân tộc Việt. Bởi vậy, ngoài việc giao tiếp hàng ngày với con bằng ngôn ngữ tiếng Việt Nam, một thói quen của mấy mẹ con chúng tôi luôn được duy trì là trước khi đi ngủ phải làm đủ bốn việc: Viết và đọc tiếng Việt, kể chuyện cổ tích, tâm sự, và hát ru. Những hôm có nhiều thời gian hơn thì các con được chọn thêm một vài thứ nữa… Và, các con tôi thật sự mê mải cái khoảng thời gian ngắn ngủi này.
Chính vì thế vợ chồng tôi luôn tạo cơ hội cho con được tiếp cận và gìn giữ văn hóa Việt ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào có thể. Chúng tôi nghĩ, lễ hội ở trường lần này có thể là một cơ hội tốt để con được giới thiệu với bạn bè thế giới về đất nước mình, đồng thời cũng là một cơ hội để gắn kết tình yêu thương của con với quê hương.
Sau khi trao đổi với cô giáo chủ nhiệm, tôi chờ quyết định một cách sốt ruột. Vì thực tế là trong lớp có 2 bạn người nước ngoài khác, con trai tôi dù sao thì cũng chỉ mang nửa dòng máu Việt Nam, phần còn lại vẫn là “người bản xứ”. Nếu các bạn kia được ưu tiên cũng là điều dễ hiểu. Thật bất ngờ, hôm đó, con trai tôi tan học về mừng rỡ chạy ùa vào lòng mẹ, hớn hở: “Mẹ, con cần mẹ giúp con! Con phải chuẩn bị nhiều câu trả lời về Việt Nam để trả lời các bạn”. Tôi thầm nghĩ, văn hóa Việt Nam rất giàu và đẹp. Đó là lý do để nhà trường không từ chối lời đề nghị của tôi chăng?
Ngay hôm sau, tôi đến trường gặp cô giáo của con. Và, chúng tôi đã cùng các con bắt đầu thiết kế chương trình giới thiệu văn hóa Việt. Kế hoạch chương trình đã được thảo luận và thiết kế từ cả tháng trước, nhưng các con chỉ bắt tay vào làm việc chính thức từ cuối tháng 5.
Cả tuần cuối cùng của tháng 5, cô trò bận bịu tất bật với các bài học về văn hóa Việt. Những chiếc nón lá, những tà áo dài được cắt dán, tô vẽ một cách công phu, tỷ mỷ. Lớp học được trang trí bằng những chiếc đèn lồng xinh xắn. Những bức tranh gợi lên vẻ đẹp thanh bình, mộc mạc mà chỉ tìm thấy nơi làng quê đất Việt cũng được treo trang trọng nơi đây. Những lá cờ đỏ sao vàng được treo từ ngoài cổng trường đến tận trong lớp học và trải trên khắp các mặt bàn. Bát đũa, nguyên liệu cho món ăn Việt cũng được chuẩn bị chu đáo để buổi lễ hội do các con thực hiện được thành công tốt đẹp. Gần như tuần đó, bọn trẻ con không phải học tý kiến thức khoa học nào, chỉ tập trung vào Việt Nam mà thôi !.
Theo đề xuất, để nhiều người ấn tượng về Việt Nam, trong buổi trình diễn, tất cả học sinh trong lớp và cô giáo chủ nhiệm sẽ mặc áo có in cờ Việt Nam. Nhưng để kiếm được áo có in cờ Việt Nam trên đất Bỉ này thật khó. Cho nên, một giải pháp đã được đưa ra là mỗi bạn trong lớp sẽ mang đến một chiếc áo màu đỏ, các con sẽ dành nửa giờ học để cắt dán ngôi sao màu vàng và đính lên trước ngực áo của mình để tham dự lễ và tiệc.
Món nem là món ăn được cô và trò đề xuất để giới thiệu với các bậc phụ huynh và khách mời, vì đây là món ngon đặc biệt của Việt Nam mà cả thế giới biết đến. Chúng tôi được giao nhiệm vụ ngày hôm đó sẽ trình diễn trực tiếp ngay tại lớp học, để bố mẹ và khách mời chiêm ngưỡng cách làm nem. Những đứa trẻ 7-8 tuổi có thể làm được những chiếc nem thật ngon mắt. Còn bố mẹ và ông bà thì ai cũng tự hào vì con mình được biết thêm một món ăn mới của một nền văn hóa Á Đông.
Tất nhiên, cô không quên nhắc rằng, đã học về Việt Nam thì không thể không biết về ngôn ngữ Việt Nam. Cho nên, các con được học chào hỏi, hỏi thăm, nói câu tạm biệt. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi cả tuần đó, các bạn đến lớp chào nhau bằng cụm từ: xin chào, bạn có khỏe không. Và khi tan học, chúng không quên nói với nhau: tạm biệt, hẹn gặp lại.
Trong lớp học, cô dán lên bảng bản nhạc và lời bài hát Chắp cánh mơ của nhạc sỹ Diệp Minh Tuyền, cho các con nghe và thực hành suốt tuần. Lúc đó tôi thật sự hạnh phúc, cảm thấy như thể là mẹ con chúng tôi đang sống trong môi trường Việt Nam thật sự.
|
Suốt cả tuần, học sinh đã tập bài hát Chắp cánh ước mơ |
Và rồi ngày mong chờ đã đến! Tất cả các em học sinh, bố mẹ và khách mời đều có mặt trước giờ khai mạc. (Ở bất kỳ buổi tiệc nào của trường, bao giờ bố mẹ và ông bà cũng được mời và không thể vắng mặt, để thể hiện với con rằng thành quả của con cũng thật quan trọng với cả gia đình).
Các bậc phụ huynh và ông bà có thể đến thăm mỗi nước ngay tại lớp học của con mình và của các bạn lớp khác. Chuyến “du lịch vòng quanh thế giới” kéo dài từ 14h20 đến 15h40 , thăm những không gian và nền văn hóa khác nhau trên thế giới tại mỗi lớp học. Sau đó các con biểu diễn các tiết mục văn nghệ, rồi các con cùng cô giáo bán hàng tại gian hàng để gây quỹ, khách tham quan cùng chơi các trò chơi dân gian và thưởng thức các món ăn độc đáo đến từ khắp nơi trên thế giới.
|
Trước giờ lên sân khấu |
|
Bài hát Việt Nam vang lên... |
|
Ngay cả thày Hiệu trưởng cũng giới thiệu về Việt Nam |
|
"Đội Việt Nam" giao lưu trò chơi với các bạn "Đội Italia" |
|
Khắp sân trường, chỗ nào cũng có bóng áo Việt Nam |
Tại gian hàng Việt Nam, cô và trò thiết kế trò chơi “gắp gạo”. Gian hàng này vừa để nhiều người biết về văn hóa ẩm thực Việt Nam, vừa để gây quỹ. Đã đến Việt Nam thì phải biết dùng đũa. Gạo đỏ và gạo trắng được trộn vào nhau, người chơi phải làm... giống như cô Tấm, gắp những hạt gạo đỏ ra khỏi bát gạo lẫn lộn này.
Trò chơi thú vị đến nỗi, gian hàng của chúng tôi là gian hàng cuối cùng phải tiếp khách đến tận khi tan tiệc.
|
Bạn Jeff đang hướng dẫn khách cách dùng đũa |
|
Mấy bạn nhỏ "sáng tạo" cách cầm đũa bằng cả 2 tay!
|
|
Người lớn cũng thử gắp gạo |
|
Gian hàng Việt Nam |
|
Giới thiệu về món nem và cách làm |
|
Bạn Jente đã biết cách quấn nem rồi ! |
|
Cha mẹ các bạn có vẻ rất hài lòng |
Mẹ con tôi thật sự vui sướng vì lễ hội đã thành công tốt đẹp. Chúng tôi đã góp phần giới thiệu về một nước Việt Nam yên bình, xinh đẹp và hiếu khách. Xúc động nghẹn ngào khi tiếng Việt đã được vang lên trên sân khấu của một đất nước giữa lòng châu Âu, và ở đó trẻ con đã biết làm nem, biết cách ăn bằng đũa...
|
Con trai tôi chụp ảnh lưu niệm cùng bạn Bram |
|
Cô bạn nhỏ nói rằng: Tôi yêu Việt Nam ! |
Tôi nhớ nhất hình ảnh một cậu bé người Thụy Sỹ, chạy đến bên tôi và hỏi món ăn đó (nem) tiếng Việt nói thế nào, rồi ngay lập tức ghi vào cuốn sổ nhỏ đang cầm trên tay. Và rất ấn tượng khi một người phụ nữ kéo cậu con trai của bà đến trước mặt tôi và bảo: “Hồi cậu này nhà tôi chưa lấy vợ, mẹ con tôi đã ở Việt Nam 7 tuần. Bây giờ, nó đã có con học lớp 2. Thật bất ngờ và cảm động khi chúng tôi lại được ôn lại kỷ niệm đẹp đó trong không khí thế này! Cảm ơn những người bạn Việt Nam”.
Vui mừng hơn thế, đã có thêm nhiều lời hẹn rằng “nhất định kỳ nghỉ sang năm chúng tôi sẽ đến Việt Nam!”./.