(VOV5) - Chị Phạm Kim Hà, cán sự của Hiệp hội phiên dịch tư pháp của thành phố Đào Viên, Đài Loan trả lời phỏng vấn về những nỗ lực trợ giúp pháp lý cho người Việt tại đây.
Chị Phạm Kim Hà, cán sự của Hiệp hội phiên dịch tư pháp của thành phố Đào Viên |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa chị Phạm Kim Hà, công việc của chị trong lĩnh vực hỗ trợ cho người Việt ở Đài Loan là như thế nào?
Chị Phạm Kim Hà: Ngoài công việc riêng của tôi, tôi có tham gia vào các hiệp hội giúp đỡ cô dâu Việt ở Đài Loan. Hiện tại tôi là cán sự của Hiệp hội phiên dịch tư pháp, làm chuyên viên cho Hiệp hội quần chúng của thành phố Đào Viên và cũng làm cán sự cho Hội Bồ Công anh của tân di dân ở Đào Viên.
Hiệp hội tư pháp hướng dẫn, tập huấn, đào tạo chúng tôi kỹ năng về chuyên môn phiên dịch cho các án của các cơ quan chính phủ, công an, viện kiểm sát, cục điều tra vv… Những án của cô dâu Việt và người lao động Việt Nam gặp phải, chúng tôi hỗ trợ cho họ để phiên dịch một cách chuẩn xác nhất.
Còn đối với khu vực Đào Viên, ở Hiệp hội quần chúng, tôi là chuyên viên chuyên phụ trách về cô dâu Việt và lao động Việt Nam. Những cô dâu Việt Nam mình gặp bạo lực gia đình, hoặc không hiểu về luật pháp, văn bản, mà cần sự hỗ trợ, hoặc cô dâu mới sang mà gặp khó khăn, khi gọi điện đến Hiệp hội chúng tôi thì chúng tôi sẽ tư vấn và hỗ trợ miễn phí.
PV: Vậy hai hội Bồ Công Anh và Hiệp hội quần chúng có gì khác nhau?
Chị Phạm Kim Hà: Hội Bồ Công Anh cũng thế thôi, nhưng chú trọng mảng cô dâu tân di dân nhiều hơn. Còn Hiệp hội quần chúng thì phục vụ người lao động. Và hiện tại họ có thêm một trung tâm tị nạn cho người lao động Việt Nam mình khi đang xảy ra tranh chấp với chủ thuê. Trung tâm của họ cũng có nhà ở để lao động mình đến đấy ở. Hiệp hội sẽ đứng ra xử lý và thay mặt họ giải quyết những tố tụng, tranh chấp với chủ thuê, coi như là cơ quan thay mặt lao động đối diện với chủ thuê, bảo vệ quyền lợi, và cũng thay lao động nói lên tiếng nói với chính phủ, với chủ thuê, đòi hỏi quyền lợi của họ.
PV: Chị có thể giới thiệu chi tiết về hoạt động của Hiệp hội quần chúng?
Chị Phạm Kim Hà: Hiệp hội quần chúng của thành phố Đào Viên là một hội công thương. Họ có mảng phục vụ cho lao động bản xứ, có từ rất lâu rồi. Họ có những án của chính phủ ủy quyền cho bên họ. Trước đây họ có những trung tâm tị nạn cho người Philippin và người Indonesia. Gần đây lao động Việt Nam mình gặp rủi ro và những sự không hiểu biết về luật rất nhiều. nên họ có xin lập thêm một trung tâm cho các lao động Việt Nam mình nữa. Lao động gặp khó khăn hay không hiểu về tranh chấp hoặc quyền lợi của người lao đông, ở thành phố Đào Viên nói riêng cũng như ở Đài Loan nói chung, khi gọi điện đến thì chúng tôi – những người phụ trách phần tiếng Việt- sẽ tư vấn và hỗ trợ cho các bạn ấy.
Nếu các bạn gặp khó khăn mà không có chỗ ở hay đang trong thời gian tranh chấp với chủ thuê thì bên Bộ Lao động sẽ chuyển về các trung tâm như trung tâm của Hiệp hội quần chúng. Ở đó Bộ Lao động của Đài Loan chi trả cho mỗi người 500 đồng Đài tệ tiền ăn ở. Có rất nhiều trung tâm trên đất nước Đài Loan đều là như thế. Lao động mình cần được biết họ có quyền lợi như thế, đất nước của họ cho quyền lợi đó, chứ không phải cá nhân hay một đơn vị hảo tâm nào đó cho. Đấy là với những lao động hợp pháp, còn lao động bất hợp pháp thì không được ở những trung tâm như thế.
PV: Còn về Hội Bồ Công Anh?
Chị Phạm Kim Hà: Hội Bồ Công Anh vừa mới thành lập. Tất nhiên quá trình thành lập Hội chúng tôi phải mất gần một năm. Đa phần các cán sự là cô dâu của bốn nước, các chị em Việt Nam có, Indonesia có... Trong đó cũng có những Hiệp hội khác hỗ trợ mình nữa. Hội thường giúp đỡ các cô dâu. Bây giờ tôi nhận rất nhiều án mà cô dâu gọi điện đến. Thường các cô dâu Việt Nam mình sẽ bị yếu về phần pháp luật, pháp lý, vì bên ấy thì thường bơ vơ hơn, không có người thân, luật pháp cũng không hiểu, khi đến gặp chúng tôi thì chúng tôi sẽ hỗ trợ. Có những trường hợp chúng tôi sẽ ra mặt để đến nói chuyện với bên gia đình chồng họ cho bớt căng thẳng. để gia đình họ hiểu rõ cô dâu hơn, xem có thể tiếp tục cuộc sống như vậy hay không...
PV: Người lao động cũng như cô dâu Việt làm cách nào để biết được những Hiệp hội nào thực sự có đăng ký chính thức và có thể thực sự giúp đỡ được họ?
Chị Phạm Kim Hà: Những hiệp hội như thế này đều là những tổ chức phi chính phủ, nhưng được cấp giấy phép và công nhận theo luật pháp của chính quyền sở tại. Còn có những hội thành lập nhưng không có đăng ký số mã với chính quyền Đài Loan. Các bạn có thể xem và tìm hiểu trên mạng xem những hiệp hội nào có chính thống hay không, hoặc gọi điện lên Bộ Lao động hoặc Bộ Nội chính. Hiệp hội có đăng ký, bạn chỉ cần đánh google sẽ ra mã, có thể là số miễn thuế hay số được đăng ký với pháp luật. Còn có những hội không chính thức thì không bao giờ đánh ra mã được.
Xin chân thành cảm ơn chị.