(VOV5) - Thông qua các sự kiện do hội, đoàn người Việt tổ chức, bà con càng thêm gắn bó, đoàn kết, cùng nhau hướng về quê hương, đồng thời góp phần quảng bá văn hóa Việt.
Người Việt ở nước ngoài không chỉ luôn luôn ý thức gìn giữ văn hóa dân tộc từ trong mỗi người, mỗi gia đình, mà còn mong muốn lan tỏa ra cộng đồng sở tại. Thông qua các sự kiện do hội, đoàn người Việt tổ chức, bà con càng thêm gắn bó, đoàn kết, cùng nhau hướng về quê hương, đồng thời góp phần quảng bá văn hóa Việt ở nước ngoài. Ghi chép của Hân My:
Nghe âm thanh tại đây:
Bà Nguyễn Thị Liên, kiều bào ở Ba Lan rất vui và tự hào khi kể về các hoạt động mà Hội phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan tổ chức hằng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán của người Việt. Bà và các thành viên của Hội đã cùng nhau tổ chức sự kiện văn hóa đón năm mới, như một cách để giúp cho những người con xa quê nhớ về quê hương. Qua sự kiện văn hóa diễn ra vào đầu năm nay, người Việt cũng muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế về các phong tục của Việt Nam, về Hà Nội với Hồ Gươm, tháp rùa và đền Ngọc Sơn, về các món ăn truyền thống của người Việt: Sự kiện được tổ chức có ẩm thực và trưng bày những đặc sản và vị của quê hương mình. Trưng bày, giới thiệu về Hà Nội, hình ảnh Hà Nội, đẹp lắm, người Việt làm hết, năm nào cũng thế
Bà Nguyễn Thị Liên, kiều bào Ba Lan |
Những sự kiện đã giúp bà con gắn bó với nhau, vợi đi nỗi buồn nơi xa xứ và giúp mỗi người càng thấy thêm yêu quê hương, đất nước. Chị Phạm Thị Nga, người Việt tại CHLB Đức, sống xa quê mười mấy năm. Những năm đầu tiên khi ở nước ngoài, chị rất buồn khi không có người thân bên cạnh. Kể từ khi tham gia vào Hội người Việt của vùng Halơ, nơi chị sinh sống, chị cảm thấy vui và bớt nỗi nhớ nhà. Chị Nga tham gia tích cực vào các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của Hội, tham gia vào các hoạt động từ thiện hướng về quê hương. Qua đó, góp phần gìn giữ văn hóa cho mỗi người, cũng như cho con em mình, như cách chị nói, làm sao để không lãng quên văn hóa nguồn cội: Hội người Việt mà em tham gia hầu như Trung thu không phải năm nào cũng tổ chức, cách 1 năm, 2 năm tổ chức 1 lần, hoặc kỷ niệm 5 năm, 10 năm thành lập Hội, Tết của người Việt. Mặc dù không phải hoàn toàn giống như ở Việt Nam, nhưng cũng là cách để bà con hướng về Việt Nam. Nghĩa là không để lãng quên những ngày lễ, Tết ở Việt Nam. Em chỉ tham gia văn nghệ, mỗi lần tham gia, Hội người Việt mời đại diện thành phố Halơ. Mỗi lần như thế, họ cũng đến tham gia. Hội người Việt cũng giới thiệu ẩm thực, chị em phụ nữ mặc áo dài.
Chị Nga và 2 con mừng năm mới cùng với Hội người Việt tại Halơ |
Các sự kiện do Hội, đoàn người Việt tổ chức không chỉ thu hút bà con người Việt tham gia, mà bạn bè quốc tế cũng nhiệt tình hưởng ứng. Qua các sự kiện, đã giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về Việt Nam, cảm thấy thích và yêu văn hóa của người Việt. Sự kiện văn hóa khá lớn trong suốt 20 năm qua ở thành phố Lyon là lễ hội lãnh sự và lễ hội cờ hiệu. Đây là cơ hội để các quốc gia, trong đó có Việt Nam quảng bá văn hóa của mình. Chị Nguyễn Minh Hạnh, thành viên của Hội sinh viên Việt Nam tại Lyon đã tham gia đầy đủ và liên tục các sự kiện này. Hiện nay, chị trở thành người tổ chức, dẫn dắt các bạn trẻ tham gia. Chị Nguyễn Minh Hạnh chia sẻ: Trong lễ hội, sẽ có nhiều hoạt động, sẽ có gian hàng để giới thiệu văn hóa, đồng thời giới thiệu ẩm thực. Đồng thời, mình sẽ có tiết mục trên sân khấu để giới thiệu văn hóa của mình, thì mình mang tới là múa lân, mình ca hát cải lương, trình diễn áo dài bởi vì đó là hình ảnh, là truyền thống vì khi nghĩ tới Việt Nam, người ta hay nghĩ tới áo dài. Sinh viên và các hội đoàn mang tới 1 buổi trình diễn áo dài với màu sắc khác nhau, hình ảnh khác nhau. Vì trên tà áo dài của mình mang tới nhiều thông điệp khiến bạn bè quốc tế ngạc nhiên và thích thú. Vì thế mà từ sân khấuquay trở lại gian hàng, các bạn phải mất 2 tiếng đồng hồ, vì bạn bè quốc tế chặn lại để xin chụp ảnh vì mọi người cảm thấy, tà áo dài rất là đẹp.
Lễ hội lãnh sự và cờ hiệu tại Lyon |
Những hoạt động văn hóa, các tiết mục giới thiệu về Việt Nam của cộng đồng người Việt ở các nơi luôn làm bạn bè thích thú,qua đó,góp phần lan tỏa văn hóa Việt, cũng như thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nước. Hiệp Hội nhịp cầu văn hóa Việt Nam-Italia do chị Lê Thị Bích Hường làm chủ tịch đã tổ chức các hoạt động để thực hiện tiêu chí này. Chị Lê Thị Bích Hường cho biết: Festival Bagnara là Festival giữa các dân tộc, trong đó có 24 nước tham gia. Gian hàng Việt Nam đã có mặt kể từ khi tôi tham gia vào đó là 6 năm. Cộng đồng người Việt Nam tham gia gồm các chị, các em, các bạn tham gia nấu nướng, biểu diễn, Gian hàng làm 2 nhiệm vụ:giới thiệu văn hóa Việt Nam qua các tiết mục văn nghệ, làn điệu dân ca, mặt khác giới thiệu qua ẩm thực. Hội viên người Italia, có con nuôi là người Việt Nam, cũng coi mình là công dân Việt Nam, tham gia rất nhiệt tình và được giải 5 lần, 3 giải nhất, 2 giải nhì và gian hàng Việt Nam lúc nào cũng đông.
Chị Lê Bích Hường, chủ tịch Hiệp hội nhịp cầu văn hóa Việt Nam-Italia |
Luôn ý thức duy trì và gìn giữ văn hóa dân tộc ở nước ngoài, đồng thời lan tỏa vẻ đẹp Việt Nam nơi xa xứ, để bạn bè quốc tế hiểu thêm về Việt Nam, mỗi người con đất Việt tích cực tham gia vào các sự kiện, các hoạt động văn hóa. Hội đoàn là nơi để bà con có cơ hội thể hiện tình yêu với cội nguồn dân tộc.