Một cái Tết muộn do những người Pháp đạo diễn nhưng đậm chất Việt Nam.
Đó là cảm nhận về buổi lễ chào mừng năm mới Giáp Ngọ mà hiệp hội có cái tên cũng rất Việt “Hội Rau muống” tổ chức ngày 9/2/2014.
Dù được đạo diễn và tổ chức bởi những thành viên người Pháp và diễn ra hơi muộn tại một thành phố nhỏ ngoại ô Paris, buổi lễ đón năm mới Giáp Ngọ của hội có cái tên bình dị “Rau muống” vẫn khiến chính những người Việt Nam có mặt tại buổi lễ cảm thấy thân thuộc như ở quê nhà.
|
Các nghệ sỹ không chuyên người Pháp biểu diễn một tiết mục múa của Việt Nam
|
Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức thắp hương tưởng nhớ tổ tiên trên bàn thờ được bày trang trọng ở chính giữa sân khấu và sau đó là những màn múa hát, múa rồng, biểu diễn võ thuật Việt Nam. Từ ngoài sảnh vào sân khấu chính, mọi trang trí đều đậm nét Việt, với cây trúc, con rồng …
Những người phụ nữ Pháp thướt tha và uyển chuyển trong tà áo dài Việt Nam hay trong các trang phục múa truyền thống khiến người xem cảm thấy rất thú vị và cảm nhận được tình cảm chung hướng về Việt Nam. Những ca từ tiếng Việt dù đôi lúc chưa được phát âm chuẩn, song cũng thực sự thể hiện nỗ lực và tình yêu của những nghệ sỹ không chuyên – hầu hết là thành viên Hội Rau muống- dành cho Việt Nam.
Hội hữu nghị có cái tên bình dị “Rau muống” được thành lập đến nay tròn 15 năm, lấy biểu tượng loại rau đặc biệt của Việt Nam mà nhiều người Việt đi xa ai cũng nhớ - rau muống. Như lời giải thích của thành viên sáng lập Hội Jean Marie Poignon, một người Pháp lai Ấn sinh ra và lớn lên tại Khánh Hòa, thì rau muống là loại cây kiên cường và thích nghi được với nhiều loại thời tiết, nhiều loại đất từ cằn đến vùng nhiều nước, và rau muống cũng là biểu tượng của bữa cơm bình dị nơi những gia đình nghèo. Lấy biểu tượng rau muống, hội muốn thể hiện tinh thần tương thân tương ái với những con người, đặc biệt là người già và trẻ em chịu thiệt thòi, bất hạnh tại Việt Nam.
Trả lời PV Đài TNVN, Chủ tịch cũng là người đồng sáng lập hội, ông Bernard Biron cho biết trong 15 năm qua, hội “Rau muống” đã có những đóng góp nhỏ nhưng rất đáng tự hào. Đặc biệt, hội đã tích cực tham gia các hoạt động của Năm Pháp tại Việt Nam (cuối năm 2013) và có kế hoạch triển khai nhiều ý tưởng hay quảng bá Việt Nam trong Năm Việt Nam tại Pháp (nửa đầu năm 2014).
“Chúng tôi nhận được đề nghị từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam về việc tham dự vào Năm Pháp tại Việt Nam và với chúng tôi, đó là một điều rất tự nhiên mà chúng tôi phải làm,” ông Biron nói. “Và chúng tôi đã góp phần tặng giải thưởng văn học Yersin nhân Năm Pháp tại Việt Nam và kỷ niệm ngày mất của ông vào năm 2013 và sẽ tiếp nối vào năm 2014 và năm mới sẽ có chủ đề là “Pháp ngữ”. Những hoạt động truyền thống như tặng đồ dùng học tập, học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó vẫn là ưu tiên quan trọng. Ngoài ra, năm tới, chúng tôi sẽ mời một số nhà đầu bếp giỏi của Việt Nam sang thực hiện một số món ăn đặc trưng của Việt Nam tại một liên hoan ẩm thực Việt tổ chức ở một số thành phố của Pháp. Năm 2014, chúng tôi sẽ tích cực hơn với những hoạt động quảng bá Việt Nam, mà lễ đón Tết này là một điểm nhấn quan trọng.”
Cũng theo Chủ tịch hội Bernard Biron, các thành viên trong hội đều rất hào hứng khi có thể đóng góp giúp đỡ cho những trẻ em nghèo, người tàn tật, người già ốm đau tại Việt Nam. Đặc biệt là giúp tạo điều kiện cho những trẻ em ham học, mở ra cho các em một tương lai tương sáng hơn. Với kế hoạch khá nhiều hoạt động trong năm 2014, hội “Rau muống”sẽ là một trong những hiệp hội giúp quảng bá, giới thiệu Việt Nam tích cực nhất cho bạn bè Pháp./.
Một số hình ảnh khác tại buổi lễ:
|
Con rồng chào đón khách tham dự buổi lễ
|
|
Những bức ảnh ghi lại hoạt động giúp đỡ của hội trong 15 năm qua tại Việt Nam
|
|
Chủ tịch Hội, ông Bernard Biron phát biểu và tóm lược những thành tích của hội trong
15 năm qua
|
|
Buổi lễ thu hút khoảng 250 người tham dự
|
|
Sân khấu với bàn thờ tổ tiên được bày trang trọng
|
|
Sinh viên người Pháp và người Việt trong vùng cùng hát bài "Xin chào Việt Nam"
(Bonjour Vietnam)
|
|
Em bé người Pháp dễ thương trong trang phục áo dài và say mê xem múa hát
|
Thùy Vân/VOV-Paris