Ngoài ra đã có 76 lao động Việt Nam tại Libya về nước an toàn và 130 lao động đang trên đường trở về.
Thông tin trên được ông Nguyễn Ngọc Quỳnh-Cục trưởng Cục Lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với phóng viên VOV ngày 30/7.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh-Cục trưởng Cục Lao động ngoài nước-Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội
PV: Xin ông cho biết cụ thể tình hình hiện nay của các lao động đang làm việc tại Libya?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Cách đây khoảng 2-3 tuần, ở Libya có nhiều biến động, các phe phái có giao tranh, chủ yếu là ở 2 thành phố lớn là thành phố Tripoli và Benghazi, nơi có khoảng 200 lao động Việt Nam đang làm việc.
Tổng số lao động Việt Nam tại Libya là 1.750 người, nên có thể nói hiện có khoảng 1.500 lao động Việt Nam làm việc tại các khu vực khác vẫn trong tình trạng an toàn an toàn. Theo thông tin chúng tôi cập nhật hàng ngày thông qua các đại diện tại các khu vực nói trên thì có những nơi vẫn rất yên bình và điều kiện làm việc rất tốt.
PV: Chúng ta đã có những phương án gì để đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam tại Libya? Nếu những lao động Việt Nam ở Libya có mong muốn được về nước thì phía Việt Nam sẽ tạo điều kiện như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Ngay sau xảy ra giao tranh tại 2 thành phố nói trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Ngoại giao thường xuyên liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Libya để nắm tình hình bạo động tại đây.
Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp phải thường xuyên nắm tình hình lao động hàng ngày, thông tin tình hình về cho các doanh nghiệp, các doanh nghiệp báo cáo lại với Cục Quản lý lao động ngoài nước. Đại sứ quán Việt Nam cũng thường xuyên nắm tình hình.
Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, nắm tình hình thông qua các doanh nghiệp. Vừa rồi, chúng tôi có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, đối với lao động ở hai thành phố có giao tranh là Tripoli và Benghazi, Bộ sẽ báo cáo với Thủ tướng để sớm đưa những lao động đang làm việc tại 2 thành phố nói trên về nước.
Còn tại những khu vực khác ở xa nơi giao tranh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và đề xuất phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán của ta ở Libya cùng với các cơ quan chức năng theo dõi tình hình lao động, tùy theo tình hình, nếu diễn biến xấu sẽ kịp thời đưa lao động trở về. Trong thời gian tới sẽ không đưa thêm lao động mới sang Libya.
PV: Xin cảm ơn ông!
** Trong số hơn 1.500 lao động Việt Nam sang Libya làm việc, có 206 lao động Việt Nam đang làm việc cho một tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ và hiện đã được Tập đoàn này đưa về Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo an toàn.
Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp với Tập đoàn này trong việc hỗ trợ đưa số lao động Việt Nam này sang Thổ Nhĩ Kỳ và lên kế hoạch để đưa về Việt Nam an toàn.
Đây là thông tin ông Nguyễn Thế Cường, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam trong chiều 30/07.
Ông Nguyễn Thế Cường-Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ngay sau khi 206 lao động Việt Nam ở Libya được đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ, từ tối 29/7 đến chiều 30/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp cùng Tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ đưa 113 người về Việt Nam an toàn và theo kế hoạch, số còn lại sẽ trở về Việt Nam vào ngày 1/8 tới.
Hiện, sức khỏe, tâm lý của người lao động khá ổn định và đang được lo ăn ở chu đáo, an toàn.
Ông Nguyễn Thế Cường-Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Với sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, với kinh nghiệm từng giải quyết vấn đề bảo hộ công dân ở đây, chúng tôi nhanh chóng đã có công hàm gửi IOM ở Ankara và đại diện của họ ở Istanbul giúp đỡ. Chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng một nhóm công tác sẵn sàng lên đường khi có yêu cầu và chiều nay, chúng tôi họp bàn biện pháp cụ thể, giữ liên lạc chặt chẽ với công ty ở Istanbul và cũng sẵn sàng với các công ty khác khi có thông tin. Song song với việc đó, qua trao đổi với Cục Xuất khẩu Lao động của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, đồng thời trực tiếp với công ty thuê lao động mình, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ những thông tin khác liên quan và bản thân cũng sẵn sàng hỗ trợ ngay cả công nhân mình ở công ty nước ngoài khác, căn cứ theo chỉ đạo mới nhất của Bộ Ngoại giao”.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Cường, Đại sứ quán Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận cũng như hỗ trợ thông tin cho người lao động Việt Nam ở Libya theo số điện thoại khẩn cấp của Đại sứ quán là: 00905346375328./.