(VOV5) - Trung tâm không ngừng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề với khoảng 18 đối tác Đức, trong đó có những tên tuổi lớn như BIW, Klaushaus, AVESTOS và ESO Education Group..
Trong những năm gần đây, đào tạo nghề là một trong những trọng tâm đổi mới ở Việt Nam, nhằm cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác đào tạo nghề với đối tác quốc tế, trong đó có Đức.
Trung tâm Đào tạo nghề Xây dựng Việt - Đức tại Gia Lâm, Hà Nội. |
Năm 2011, trung tâm Đào tạo nghề Xây dựng Việt – Đức thuộc Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị được thành lập với một trong nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện có hiệu quả dự án với đối tác Hiệp hội hỗ trợ nghề nghiệp ngành Xây dựng của bang Sachsen-Anhalt, CHLB Đức. Theo đó, không chỉ học sinh Việt Nam được sang Đức học nghề mà các chương trình đào tạo nghề chuẩn Đức cũng được thực hiện tại trung tâm.
Từ năm 2017, trung tâm Đào tạo nghề Xây dựng Việt – Đức (VGC) tại Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, đã đưa những học sinh đầu tiên sang Đức theo học ngành xây dựng theo thỏa thuận hợp tác với hiệp hội đào tạo nghề của bang Sachsen-Anhalt (Berufsförderungswerk – BFW).
Học viên Nguyễn Đức Thắng (bên trái) và Giám đốc trung tâm Đào tạo nghề Xây dựng Việt - Đức, ông Trần Tuấn Long. |
Cho đến nay, có khoảng 25 học viên của trung tâm đã sang Đức theo học nhiều ngành nghề khác nhau. Nguyễn Đức Thắng, 25 tuổi, là một trong những học viên đầu tiên của VGC sang Đức học nghề. Hiện, Thắng đã tốt nghiệp và có công việc ổn định trong ngành xây dựng với mức lương 1600 Euro (đã trừ thuế) tại thành phố Chemnitz Đức: "Em đã theo học tại trường từ đầu năm 2018 học khóa về xây dựng dân dụng cơ bản để chuẩn bị cho khóa học ở Đức. Khóa học của em bao gồm hai phần thực hành và lý thuyết và kéo dài 2 năm, em học ở trong trường lý thuyết, được thực hành tại trường nghề những kỹ thuật xây dựng cơ bản và thực hành tại công ty. Em có bằng B2 trước khi sang Đức nhưng trên công trường gần như em phải học lại từ đầu vì người Đức họ nói tiếng địa phương rất lạ. Em thực sự rất hài lòng với cuộc sống ở Đức. Cho đến nay, trừ quyền bầu cử, em đều nhận được mọi chế độ an sinh xã hội như người Đức." - Thắng nói.
Những năm vừa qua trung tâm không ngừng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề với khoảng 18 đối tác Đức trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có những tên tuổi lớn như BIW, Klaushaus, AVESTOS và ESO Education Group. Ông Trần Tuấn Long, giám đốc trung tâm Đào tạo nghề Xây dựng Việt – Đức cho biết: "Trong năm năm vừa qua có nhiều thay đổi. Chúng tôi có nhiều đối tác hơn trên nhiều lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, chăm sóc sức khỏe, cơ khí, ô tô, điện tử, hàn, công nghệ oto. Ngoài ra, chúng tôi hợp tác với công ty IBA của Việt Nam tổ chức kỳ thi chứng chỉ quốc tế tiếng Đức ECL được 4 kỳ rồi. Đây được xem là bước tiến lớn trong việc đưa chương trình du học nghề về Việt Nam".
Từ năm 2018, Đức đã chuyển giao bộ chương trình đào tạo 22 nghề trọng điểm quốc tế cho Việt Nam. Bộ chương trình đào tạo nghề với tiêu chuẩn của Đức đã được thực hiện thí điểm tại 45 trường cao đẳng ở 22 địa phương tại Việt Nam với số lượng hơn 1000 học viên. Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị, trong đó có trung tâm Đào tạo nghề Xây dựng Việt – Đức cũng là một trong những đơn vị được chọn để thực hiện chương trình đào tạo này.
Ông Trần Tuấn Long chia sẻ: "Có mấy lợi thế. Thứ nhất, học sinh được đào tạo theo đúng tiêu chuẩn Đức, được đào tạo tại chỗ và đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng sẽ tham gia vào quá trình đào tạo và đánh giá học viên. Các chuyên gia Đức cũng sẽ tham gia vào quá trình này để có thể đánh giá quá trình đào tạo nghề ở Việt Nam và người ta công nhận kết quả đào tạo theo đúng tiêu chuẩn của họ.
Hiện giờ, đang có một lớp cao đẳng chất lượng cao với 12 học viên đang học nghề xây dựng học đến năm thứ 3 rồi. 12 học viên này họ sẽ có hai bằng. Một bằng cao đẳng của Việt Nam và một bằng cao đẳng xây dựng của Đức do Phòng tiểu thủ công nghiệp và kỹ năng nghề Leipzig cấp. Rất nhiều doanh nghiệp Đức đã đến đây và sẵn sàng nhận ngay 12 bạn học viên này, vì đây là nguồn nhân lực họ rất cần. Các học viên sau khi học nghề theo đúng tiêu chuẩn Đức ở Việt Nam xong có thể sang Đức làm việc luôn.“ - Ông Long nói.
Đại diện Phòng tiểu thủ công nghiệp Erfurt Đức thăm trung tâm Đào tạo nghề Xây dựng Việt - Đức |
Trong tháng 11 năm 2022 đại diện của Phòng tiểu thủ công nghiệp Erfurt Đức (HWK Erfurt) cũng đã tới thăm VGC để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ông Thomas Malcherek, giám đốc điều hành của HWK Erfurt cho biết: "Tôi rất tin tưởng vào triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và HWK Erfurt. Thứ nhất, bởi vì rất nhiều bạn trẻ ở Việt Nam muốn phát triển và có tham vọng. Đây là một tiền đề rất tốt để có thể làm việc tại Đức. Dưới góc nhìn của tôi thì việc hợp tác có hai hướng. Hướng thứ nhất đã nằm trong tầm tay đó là đào nghề cho các bạn trẻ. Các bạn trẻ được gửi sang Đức và được đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau kéo dài từ 3 đến 3 năm rưỡi. Sau đó, họ sẽ được tiếp tục làm việc tại Đức với tư cách những người thợ chất lượng cao, sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm thậm chí có thể đảm nhận vị trí lãnh đạo trong nhà máy. Và hướng thứ hai là những người thợ từ Việt Nam có thể được gửi trực tiếp sang HWK Erfurt làm việc. Để làm được điều này cần có kế hoạch cụ thể.“
Việc đào tạo nghề theo đúng chương trình chuyển giao của Đức hứa hẹn sẽ mở ra chương mới trong lĩnh vực đào tạo nghề ở Việt Nam. Điều đó không những đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng Đức mà còn giúp thay đổi tư duy trong giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam. Và quan trọng hơn cả sẽ đem đến cơ hội việc làm tại nước ngoài với mức lương đáng mơ ước cho các bạn trẻ Việt Nam.