(VOV5) - Các nhà khoa học sẽ giới thiệu những kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực tia vũ trụ năng lượng cực cao; tia vũ trụ và sự sống; tổng hợp hạt nhân hành tinh…
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (thứ 3 từ trái) dự lễ ra mắt nhóm nghiên cứu vật lý thiên văn đầu tiên tại Bình Định - Ảnh: VOV |
Ngày 25/7, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, khai mạc 2 hội thảo khoa học quốc tế thuộc chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 18 năm 2022 và ra mắt nhóm nghiên cứu vật lý thiên văn.
Thông qua 2 hội thảo khoa học quốc tế "Vũ trụ vàng” - Vật lý thiên văn hạt nhân và Tia vũ trụ trong kỷ nguyên đa thông tin” và Hội thảo khoa học quốc tế "Vật lý thiên văn SAGI 2022 - Những hướng nghiên cứu tiên phong của vật lý thiên văn trong kỷ nguyên vàng của phân cực bụi”, các nhà khoa học sẽ giới thiệu những kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực tia vũ trụ năng lượng cực cao; tia vũ trụ và sự sống; tổng hợp hạt nhân hành tinh…
Cùng ngày, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ra mắt nhóm nghiên cứu vật lý thiên văn (SAGI). Nhóm này hoạt động dưới sự hỗ trợ và dẫn dắt của các nhà khoa học gốc Việt là Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền ở Trung tâm Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA); Tiến sĩ Hoàng Chí Thiêm, ở Viện Khoa học Không gian và Vũ trụ học Hàn Quốc và Tiến sĩ Nguyễn Lương Quang ở Đại học American. Sự hỗ trợ của nhóm nghiên cứu vật lý thiên văn này sẽ giúp Trung tâm Khám phá khoa học tỉnh Bình Định làm chủ các thiết bị, khai thác hiệu quả kính thiên văn hiện đại lớn nhất Việt Nam.
Tiến Sỹ Nguyễn Trọng Hiền phát biểu tại buổi ra mắt nhóm nghiên cứu vật lý thiên văn -Ảnh: VOV |
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng nhóm nghiên cứu vật lý thiên văn, thuộc Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành thuộc Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, cho biết: "Hỗ trợ hợp tác các nghiên cứu trong vật lý thiên văn giữa những nhà khoa học trong nước và nhà khoa học nước ngoài. Đặc biệt là một cầu nối cho những nhà khoa học người Việt ở nước ngoài về tham gia nghiên cứu tại Việt Nam. Trong tương lai chúng tôi có chương trình huấn luyện về các bài học thực nghiệm để xây dựng những thiết bị cũng như là những bộ máy quan sát bầu trời. Đồng thời, quảng bá khoa học đến với quần chúng".