(VOV5) - Bà con kiều bào mong muốn Đảng, Nhà nước có chính sách đãi ngộ nhất định đối với những người làm công tác phong trào phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để tạo sự đoàn kết trong cộng đồng, sự gắn kết giữa bà con kiều bào với đất nước.
Nhân dịp về dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, bà con kiều bào tiêu biểu có dịp gặp gỡ với lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại đây, bà con kiều bào đã thay mặt cộng đồng người Việt ở nước ngoài đưa ra một số ý kiến nhằm nâng cao công tác xây dựng cộng đồng cũng như làm thế nào để tuyên truyền một cách hiệu quả về đất nước, con người Việt Nam ở nước sở tại.
|
Bà con kiều bào trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam vào tháng 12 năm 2015
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Làm công tác Hội lâu năm ở Ba Lan, ông Lê Thiết Hùng hiểu được những vất vả, khó khăn của người làm công tác cộng đồng. Thiệt thòi về thời gian, tiền bạc đôi khi còn bị bè bạn hiểu lầm nhưng với tình cảm và lòng nhiệt huyết, ông tự nguyện sẵn sàng làm việc vì bà con cộng đồng. Tuy nhiên, điều ông suy nghĩ hiện nay là những thế hệ người Việt thứ nhất ở Châu Âu như ông đều ở vào tuổi ngoài lục tuần, cần có sự chuyển giao cho thế hệ trẻ. Nhưng thế hệ thứ hai người Việt sinh ra và lớn lên tại nước sở tại, tình cảm cũng như trách nhiệm đối với Việt Nam sẽ khác với thế hệ thứ nhất người Việt. Do vậy, ông mong muốn Đảng, Nhà nước có chính sách đãi ngộ nhất định đối với những người làm công tác phong trào phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để tạo sự đoàn kết trong cộng đồng, sự gắn kết giữa bà con kiều bào với đất nước.
|
Ông Lê Thiết Hùng, kiều bào tại Ba Lan. |
Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đồng tình với những trăn trở của ông Lê Thiết Hùng: “Làm thế nào để con em vẫn gắn bó, nhớ về nguồn cội đó là điều không dễ vì các em sinh ra ở nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta cần cố gắng duy trì, giữ gìn bản sắc văn hóa của Việt Nam. Văn hóa Việt Nam, tiếng nói Việt Nam phải được truyền bá cho thế hệ trẻ”.
Công tác truyền thông sẽ là một phương tiện hữu hiệu để người Việt ở nước ngoài đặc biệt là thế hệ trẻ kiều bào có cái nhìn rõ nét và gần gũi hơn với trong nước. Chị Nguyễn Thị Bích Yến đang hoạt động truyền thông tại Cộng hòa Áo cho rằng: “Sức mạnh của truyền thông rất là lớn. Hai tiếng “Việt Nam” được nhắc đến trên truyền thông quốc tế nhiều hơn qua sự kiện cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vào năm 2014 diễn ra rầm rộ ở Châu Âu. Bản thân tôi cũng đã xin được một kênh truyền thông cho cộng đồng người Việt đó là đài Ốc-thô của Áo. Mình tự làm và mình phát các chương trình cho kiều bào ở nước ngoài”.
Sinh sống tại Nepal, chị Võ Thị Kim Cương, một doanh nghiệp tương đối thành đạt, chia sẻ, cuộc sống của người Việt Nam ở Nepal còn khá nhiều khó khăn. Nguyện vọng của bà con kiều bào cũng như một số người bạn Nepal yêu mến Việt Nam là có một đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Việt Nam tại đây để tạo thuận lợi hơn về các giấy tờ, thủ tục khi họ muốn về Việt Nam: “Các bạn Nepal rất thích về Việt Nam. Nhưng Việt Nam chưa có đại sứ quán ở Việt Nam nên các bạn không có nơi nào để liên hệ làm visa. Muốn làm visa về Việt Nam lại phải sang Thái Lan, ở đó hai đến ba hôm hoặc là bay qua Ấn Độ. Hi vọng sau này Việt Nam có một tòa đại sứ quán, hoặc một đại diện ở Nepal để cấp visa cho các bạn Nepal. Điều này sẽ rất tốt cho mối quan hệ của hai nước và ngành du lịch Việt Nam cũng sẽ phát triển hơn”.
|
Chị Võ Thị Kim Cương, kiều bào tại Nepal phát biểu ý kiến. |
Cũng liên quan đến việc thông tin về các thủ tục tạo thuận lợi cho người Việt Nam khi sang nước ngoài du lịch, làm việc, ông Phạm Văn Đức, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Angola đưa ra kiến nghị: “Ở Angola, có khoảng 20.000 người là lao động phổ thông. Anh em sang đó theo con đường du lịch không chính thức nên gặp nhiều khó khăn về giấy tờ hợp pháp để làm việc. Theo tôi nghĩ Bộ Ngoại giao kết hợp với Cục xuất nhập cảnh, Bộ Công an giúp đỡ người Việt Nam với danh nghĩa đi du lịch, có thể kiểm tra trước khi cấp hộ chiếu, cấp visa, đi du lịch cho công dân. Cần có hướng dẫn cho công dân Việt Nam trước khi đi du lịch, hoặc sang Angola làm việc. Như vậy, sẽ tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra sau này như bị đối xử không công bằng ở nước sở tại”.
Lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của bà con kiều bào, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ghi nhận những ý kiến của bà con và cho biết Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có trách nhiệm chuyển các ý kiến này tới các cơ quan có thẩm quyền. Ông Nguyễn Văn Pha khẳng định bà con kiều bào ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao tấm lòng của bà con kiều bào. Ông mong muốn bà con tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết và giữ gìn bản sắc dân tộc, làm tròn trách nhiệm công dân của nước sở tại, là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đồng thời không ngừng hướng về Tổ quốc.