(VOV5) - Với hơn 5 triệu người Việt Nam ở các nước trên thế giới, đây chính là đầu mối kết nối, kênh phân phối hàng Việt hiệu quả nhất.
Đưa hàng Việt ra nước ngoài, tiếp cận thị trường thế giới là mong muốn không chỉ của các doanh nghiệp Việt Nam, mà cả với đông đảo trí thức, doanh nhân kiều bào. Thời gian qua, bằng nhiều phương cách, tận dụng kinh nghiệm và các mối quan hệ sẵn có, những người Việt Nam ở nước ngoài đã góp sức rất lớn trong việc giới thiệu nhiều mặt hàng “made in Việt Nam” với bè bạn năm châu. Có thể nói, tiềm lực kiều bào chính là kênh phân phối triệu đô cần được quan tâm nhiều hơn để đưa hàng hóa Việt vươn xa, ngày càng nâng chất, khẳng định thương hiệu, gia tăng sức cạnh tranh trên thương trường. c
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chia sẻ câu chuyện đưa cà phê nông sản Việt ra khắp nơi trên thế giới, doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận, người Việt Nam ở Australia, CEO Meet More Coffee cho biết đó là một hành trình đầy gian nan. Ông nung nấu quyết tâm đưa hàng Việt ra nước ngoài từ năm 2014, khi đang là Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn ASEAN. Nhiều lần chứng kiến cảnh “giải cứu” nông sản, ông Luận quyết định đầu tư mảng chế biến sâu, làm điều gì đó để giúp nông dân.
Tuần hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị AEON Nhật Bản (ảnh: UBNVNONN) |
Năm 2017, sản phẩm cà phê nông sản Meet More đầu tiên ra đời, mục tiêu là chinh phục thị trường khó tính chứ không chỉ loanh quanh ở các nước lân cận. Nhưng thực tế không đơn giản. 4 năm trời ròng rã sang Australia, Mỹ…, trực tiếp thâm nhập các hệ thống bán lẻ, phân phối trên thế giới, ông đã tìm được nguyên nhân vì sao nông sản Việt rất khó thâm nhập thị trường các nước, hoặc có chăng chỉ xuất khẩu được một đợt nhãn, vải thiều..., trong khi các sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia luôn có mặt trên quầy kệ siêu thị nước ngoài. Theo ông Luận, những nhà phân phối lớn người bản địa không quan tâm đến sản phẩm của Việt Nam, nhất là những thương hiệu mới, tuy có thể đạt chất lượng nhưng phải mất rất nhiều chi phí để marketing, trong khi rất ít doanh nghiệp Việt dám đồng hành cùng họ để tiếp cận thị trường.
Khu gian hàng Việt Nam tại một triển lãm thực phẩm quốc tế (ảnh: UBNVNONN) |
Nhận ra nguyên do, ông Luận và các cộng sự cũng tìm được hướng đi mới: "Chúng tôi quyết định thay đổi chiến lược, chọn những nhà phân phối là các doanh nghiệp Việt Nam đang sống và kinh doanh ở nước sở tại. Trong năm đầu tiên, chúng tôi tìm từ Úc, Mỹ, CH Séc, Nga, Hàn Quốc… Đến nay trong 10 nước có sản phẩm của Meet More thì đến 80% là các nhà phân phối của Việt Nam và rất thành công. Chúng tôi đã tìm được 1 nhà phân phối tại châu Âu là người Việt Nam sinh sống và làm việc tại đó, top 10 công ty châu Âu, doanh số rất lớn phân phối toàn châu Âu"
Chính ông Luận cũng không ngờ rằng chỉ trong vòng 2 năm, ngoài cà phê nông sản thành công tại châu Âu, công ty còn đưa được bưởi, dừa, gạo và rất nhiều sản phẩm khác ra thị trường nước ngoài.
Cũng với nỗ lực quảng bá hàng Việt, ông Trần Hải Linh – Chủ tịch Hiệp hội VKBIA tại Hàn Quốc cho biết tại triển lãm quốc tế vào năm 2019 và 2022, thu hút hàng trăm quốc gia, mỗi năm Hiệp hội hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại cho 10 doanh nghiệp Việt Nam tham dự, đa số đến từ TP.HCM, giới thiệu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hạt điều, hoa quả chế biến… Trong năm nay, 4 doanh nghiệp ở TP.HCM cũng tham gia triển lãm nhập khẩu Hàn Quốc, giới thiệu các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Luận bên gian hàng trưng bày các sản phẩm Meet More Coffee tại một siêu thị ở nước ngoài (ảnh: nhân vật cung cấp) |
Theo ông Trần Hải Linh, Hiệp hội có kế hoạch lập trung tâm xúc tiến xuất khẩu hàng Việt Nam tại Hàn Quốc; kết hợp với chủ doanh nghiệp là những người gốc Việt tại đây để đưa hàng Việt Nam vào hệ thống siêu thị, nhà hàng do người Việt làm chủ hoặc siêu thị ASEAN mà Hiệp hội có mối quan hệ: "Chúng tôi là những người ở nước ngoài lâu năm, luôn mong muốn là cánh tay nối dài của các doanh nghiệp ở TP.HCM và Việt Nam trong việc liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp của Hàn Quốc để giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn. Quan trọng nhất là sản phẩm đó của Việt Nam, mang lại giá trị kinh tế tốt cho Việt Nam và mang lại giá trị thực cho doanh nghiệp Việt".
TS Nguyễn ThịTrà My
Chủ tịch Hội DN VN lâm thời tại Trung Quốc |
Tại một thị trường rất tiềm năng với dân số rất lớn là Trung Quốc, Tiến sĩ Phan Thị Trà My - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết: Trong năm qua, khi tham gia và đồng tổ chức trên 100 sự kiện diễn đàn, xúc tiến thương mại, triển lãm..., Hội luôn dành thời gian và tâm tư tình cảm để giới thiệu về Việt Nam, về hàng Việt. Hội đã chủ động kinh phí đầu tư xây dựng 1 showroom gian hàng quốc gia ở Trung tâm Thương mại quốc tế tại tỉnh Sơn Đông, trưng bày miễn phí gần 500 dòng sản phẩm Việt. Nhằm chung tay thực hiện Đề án 1797 của Chính phủ về “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020 - 2024”, Hội đã hỗ trợ kết nối nhiều đơn hàng thương mại với tổng giá trị 300 triệu USD.
Tiến sĩ Trà My nói: "Trung Quốc thiếu nông sản trái cây nhiệt đới, trong khi đó là ưu thế của Việt Nam. Người tiêu dùng Trung Quốc khi nhắc đến Việt Nam thì cho rằng cà phê, hạt điều… của Việt Nam rất ngon. Nhược điểm của hàng Việt là giá trị thấp quá, xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm nông sản, nguyên liệu thô, giá trị không cao, thiếu chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho sản phẩm. Doanh nghiệp chưa biết làm thương hiệu, chưa đầu tư cho công tác này".
Các trí thức, doanh nhân kiều bào dự hội nghị về hàng Việt do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.Ảnh UBNNVNVNONN |
Ngoài thương hiệu, sản phẩm nông sản Việt còn thiếu công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến. Các mặt hàng liên quan đến chế tạo thì đa số chưa có công nghệ lõi, không làm ra được những sản phẩm có giá trị thặng dư kinh tế cao. Đây cũng là trăn trở của các doanh nhân, trí thức kiều bào ở nước ngoài.
Bà Thục Minh, Chủ tịch Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam – Thụy Sĩ bày tỏ: "Tôi đang hướng tới 1 sản phẩm của Việt Nam có giá trị cao hơn mà chúng ta có thể làm được, đó là những sản phẩm về công nghệ, tức là những phần mềm, dịch vụ chuyển đổi số, Việt Nam có thể cung cấp được cho thế giới và Thụy Sĩ là thị trường rất lớn cho các sản phẩm này. Chúng tôi đang cố gắng giới thiệu được tiềm năng này của Việt Nam. Ngay tại Thụy Sĩ có những kỹ sư người Việt đang làm việc, thông qua các mối quan hệ cá nhân, họ đã đem được một số hợp đồng về nước".
Trong giai đoạn khó khăn vừa qua có sự thay đổi rất lớn về cơ cấu thị trường, nhiều kiều bào về nước đầu tư nhưng kết nối bị gián đoạn. Theo ông Trần Trọng Hùng - Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt ở Ba Lan, muốn phát triển sản phẩm của Việt Nam ở châu Âu, doanh nghiệp Việt cần đầu tư nghiên cứu thị trường, mẫu mã, chất lượng. Về phía doanh nghiệp kiều bào rất cần sự hỗ trợ trong hoạt động kinh doanh, có thêm cầu nối với doanh nghiệp trong nước.
Ông Hùng đề nghị: "Chúng tôi thiếu sự hiểu biết rất lớn về những sản phẩm mà hiện nay Việt Nam đang rất mạnh. Với kinh nghiệm kinh doanh 30 năm ở Ba Lan, tôi hy vọng sẽ giúp được các doanh nghiệp trong nước, và sẽ nhận được sự hỗ trợ liên lạc, tìm các phương hướng đầu tư. Chúng tôi sẽ cung cấp công ty nghiên cứu thị trường và hỗ trợ tìm đối tác"
Khi hàng Việt ra nước ngoài, không còn là câu chuyện “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, bởi các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật, Australia... hoặc 1 số nước châu Âu, Mỹ đều có quy định riêng, rất khắt khe, phải đáp ứng được tiêu chuẩn đó mới có thể tồn tại.
Với hơn 5 triệu người Việt Nam ở các nước trên thế giới, đây chính là đầu mối kết nối, kênh phân phối hàng Việt hiệu quả nhất. Làm việc không vì lợi nhuận mà bằng sự tâm huyết, tấm lòng đối với quê hương, những người Việt Nam xa xứ không mong gì hơn là đất nước ngày càng phát triển, để họ thêm tự hào nhớ về nguồn cội, mỗi khi nhắc đến hai tiếng “Việt Nam”.