(VOV5) - Người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những nguồn lực góp phần giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc.
Trong những năm vừa qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn một lòng hướng về quê hương, mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước nói chung cũng như công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc nói riêng, không chỉ bằng nguồn lực vật chất mà cả những hoạt động thiết thực bằng khoa học, trí tuệ.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Với tấm lòng luôn hướng về biển đảo quê hương, bà con kiều bào đã đóng góp không nhỏ cả vật chất lẫn tinh thần ủng hộ cảnh sát biển, cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Trường Sa và bà con ngư dân bám biển trên ngư trường Hoàng Sa. Đó có thể là việc xây bia tại Trường Sa tưởng nhớ công lao của những công dân Việt Nam yêu nước đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, là chiếc xuồng chủ quyền tặng bộ đội đảo Song Tử Tây của kiều bào tại Đức, là những hoạt động ủng hộ con em cán bộ, chiến sĩ Trường Sa bị bệnh hiểm nghèo. Nhiều chương trình như “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”, “Gửi cờ Tổ quốc cho Trường Sa và ủng hộ Quỹ hỗ trợ Nghiên cứu biển Đông” của người Việt tại Hungari v.v. ngay từ khi mới ra đời đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của kiều bào. Đã có hàng chục tỷ đồng của cộng đồng người Việt Nam từ nước ngoài gửi về ủng hộ xây dựng trường học thông qua Quỹ Vì Trường Sa thân yêu.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippin, là một người dành nhiều tâm huyết trong việc đóng góp xây dựng hai trường học trên quần đảo Trường Sa cho rằng tình cảm của kiều bào đối với Tổ quốc với biển đảo là không gì có thể sánh được. Nếu chỉ về nguồn lực tài chính, theo ông: “Vấn đề đóng góp tài chính, mỗi người một ít thôi. Chúng ta chỉ cần 1% nguồn kiều hối mà hơn 4 triệu người gửi về cho người nhà trong một năm là chúng ta đã có cả trăm triệu đô la rồi”.
Nhưng điều quan trọng hơn, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, khi có biến cố, bà con kiều bào đều một lòng chung tay hướng về giúp đỡ cho quê hương. Bằng cách này hay cách khác, những người con Việt xa quê đã trở thành cầu nối, là sứ giả trong việc tuyên truyền chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Trong hội thảo "Tranh chấp biển đảo ở bờ Tây Thái Bình Dương - Khảo sát và giải pháp" diễn ra trong hai ngày tại Đại học Oxford (Vương quốc Anh) năm 2013, với vai trò là trưởng nhóm các nhà khoa học Ba Lan, TS Lê Thanh Hải đã đưa ra những luận chứng thuyết phục, những câu trả lời xác đáng và đã thành công khi khẳng định được chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong cuộc chấn vấn của nhiều nhà khoa học thế giới về vấn đề Biển Đông: “Tại buổi hội thảo, các nhà khoa học các nước đã chất vấn thẳng thắn giống như một buổi bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Đại học Oxford. Buổi hội thảo diễn ra rất thành công. Rất là xúc động, mình thấy xứng đáng làm được điều mình muốn. Trên thế giới không có nghiên cứu khoa học nào về Biển Đông nhìn từ góc độ Việt Nam. Sau này, có đủ nhà tài trợ và thời gian sẽ in một quyển sách bằng tiếng Anh. Đây sẽ là quyển sách đầu tiên bằng tiếng Anh nói về vấn đề biển đảo nhìn từ góc độ Việt Nam”.
Thông thạo ngoại ngữ, đội ngũ trí thức kiều bào cũng dễ tiếp cận hơn trong việc tìm hiểu thông tin, tư liệu quý về Việt Nam hiện được lưu trữ ở nước ngoài. Ở nước Mỹ, Trần Thắng là người đã dày công sưu tập được hàng trăm bản đồ do Trung Quốc và phương Tây xuất bản trong các thế kỷ XVI – XIX, trong đó thể hiện rõ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, có bản đồ chỉ rõ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh hải Việt Nam. Những tấm bản đồ cổ, atlat bản đồ vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, không có Hoàng Sa, Trường Sa đã được anh trao tặng lại cho thành phố Đà Nẵng nhằm giúp thành phố có thêm những tư liệu lịch sử - pháp lý có giá trị trong việc tuyên truyền, đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhiều người đã gọi anh với cái tên trìu mến “người sưu tầm bản đồ chủ quyền cho đất nước”.
Ngoài ra, cũng có những học giả Việt kiều có nhiều bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học lớn của nước ngoài về Biển Đông với tư liệu chứng minh rõ ràng, tin cậy, giúp cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về chủ quyền cũng như những lập trường của Việt Nam. TS Nguyễn Trọng Bình, kiều bào Mỹ cũng là người luôn đau đáu với biển đảo Việt Nam. Năm 2007, ông cùng một số nhà khoa học thành lập ra Quỹ nghiên cứu Biển Đông với mục đích thực hiện những nghiên cứu sâu về Biển Đông, góp phần bảo vệ hòa bình và công lý tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Gần chục năm qua, Quỹ nghiên cứu Biển Đông đã giới thiệu nhiều bộ sách, phim tài liệu liên quan đến Biển Đông, đưa ra những quan điểm lập trường của Việt Nam về Biển Đông. TS Nguyễn Trọng Bình cho rằng căng thẳng trên Biển Đông, bắt nguồn từ những tuyên bố chủ quyền không có cơ sở và những hành động ngang ngược của Trung Quốc. Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam có lẽ phải và chính nghĩa: "Nếu tất cả mọi người đều tuân thủ luật quốc tế UNCLOS và tất cả chủ trương đúng đắn là giữ vùngBiển Đông hòa bình và giải quyết trên thương lượng dựa căn bản trên luật quốc tế. Đấy là con đường duy nhất để giữ hòa bình và giải quyết hợp lý nhất tất cả những tranh chấp trên biển đảo và đó chính là chủ trương của Việt Nam".
Người Việt Nam ở nước ngoài, là một trong những nguồn lực góp phần giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, như một lẽ tự nhiên vậy!