Nghe âm thanh bài viết tại đây:
(VOV5) - Dịp trước Tết, nhóm thiện nguyện bao gồm một số cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam và các cộng tác viên, với sự kết nối của các chiến sĩ đồn Biên phòng Chiềng Sơn và cán bộ Phòng Công tác dân tộc huyện Vân Hồ (Sơn La) đã tới thăm và trao quà cho bà con ở bản Sa Lai, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Kinh phí dành cho chuyến thiện nguyện được quyên góp nhanh bằng một lời kêu gọi trên mạng xã hội, và nhận được hưởng ứng của nhiều cá nhân, trong đó có cả một nhóm kiều bào ở Australia do chị Le Anh Pham Waddell ở Canberra làm đầu mối.
Cấu thủ bóng đá Như Thuần cùng gia đình, các nghệ sĩ nổi tiếng như Việt Anh, Quỳnh Nga... đã đồng hành cùng chuyến thiện nguyện đến bản Sa Lai. |
Trước chuyến thiện nguyện khoảng 10 ngày, đoàn cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam tới công tác tại đồn biên phòng Chiềng Sơn và được các chiến sĩ thông báo về hiện trạng khó khăn của bà con người Mông ở bản Sa Lai thuộc xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Anh Nguyễn Duy Hiển, Chính trị viên Phó Đồn biên phòng Chiềng Sơn cho biết: Năm nay, cả bản bị mất mùa, theo thống kê của xã, có 53 hộ đặc biệt khó khăn (trong tổng số hơn 100 hộ gia đình ở bản) có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết. Sa Lai là một trong những bản vùng cao đặc biệt khó khăn, địa hình chủ yếu là đồi núi, dốc. Cho đến năm nay bản mới có điện và đường bê tông. Vì thế, việc giúp đỡ kịp thời từ những vòng tay kết nối đã giúp cho bà con và các em nhỏ có được một cái Tết ấm áp nghĩa tình.
Chị Le Anh Pham Waddell hiện đang sinh sống và làm việc tại Canberra, Australia |
Hiện đang làm việc cho một cơ quan chính phủ liên bang của Australia, chị Phạm Lê Anh cho biết, khi đọc được lời kêu gọi của người bạn từ Đài Tiếng nói Việt Nam, gia đình chị và các anh chị em bạn bè tại Australia đã rất vui khi đóng góp một phần nhỏ bé vào những niềm vui của các em nhỏ và người dân Sa Lai. Sinh ra và lớn lên trong thời bao cấp, rất khó khăn về vật chất, nhưng ba chị em Lê Anh đều được bố mẹ, họ hàng hai bên yêu thương chăm sóc, và nhất là bà nội, người đã dạy các cháu từ khi còn nhỏ, phải biết thương yêu giúp đỡ mọi người. Giúp đỡ người khác đã thành thói quen trong đại gia đình chị, có ít giúp ít có nhiều giúp nhiều, bằng nhiều cách khác nhau cho các đối tượng khác nhau.
"Các việc làm thiện nguyện và công tác cộng đồng cũng luôn được đề cao tại Australia. Australia có rất nhiều những tổ chức từ thiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, những người có bệnh, kể cả những người mới sang định cư. Mỗi khi có thiên tai như cháy rừng hay hạn hán, bão lụt…thì người dân Australia đều rộng lòng đóng góp, giúp đỡ những người bị thiệt hại. Việt Nam giờ cũng phát triển hơn nhiều so với thời gian tôi sống tại Hà Nội. Tuy nhiên thịnh vượng chưa phải đã là kết quả cho tất cả mọi người, mọi nhà. Đặc biệt đối với bà con vùng sâu vùng xa, chặng đường tiến tới thịnh vượng vẫn còn rất xa. Chính phủ và đồng bào Việt Nam trong Nam ngoài Bắc cũng như đồng bào Việt Nam tại nước ngoài cũng đã nhận thức được điều này, đã thực hiện các chương trình giúp đỡ bà con. Như chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam vừa rồi giúp đỡ bà con người Mông ở bản Sa Lai ăn Tết chẳng hạn." - Chị Lê Anh chia sẻ.
Gia đình chị Le Anh Pham Waddell cùng ông bà ngoại |
Chị Lê Anh cho rằng, yếu tố gia đình đa văn hóa là một trong những nền tảng để có được thành công trong cuộc sống, cũng là một yếu tố để dạy các con tìm hiểu những điều tốt đẹp từ cả hai nền văn hóa. Gia đình chị Lê Anh luôn động viên các cháu để hiểu về văn hóa Việt Nam và văn hóa Australia. Nhà chị có một phòng gọi là phòng Hà Nội, trong đó bày ảnh, bàn ghế gỗ Đồng Kỵ của bố mẹ chị mang từ Hà Nội sang. Chồng chị Lê Anh rất yêu thích các món ăn Việt Nam. Bốn đứa nhỏ con của anh chị hiểu tiếng Việt dù ít nói được tiếng Việt.
"Hỏi các cháu hàng ngày bằng tiếng Việt thì các cháu trả lời bằng tiếng Anh. Xưng hô ngôi thứ bằng tiếng Việt cũng còn khó đối với các cháu. Thí dụ như con gái Krystal khi muốn em trai William cho cùng uống một cốc Coca cola, thì cháu nói Cho con 1 tí coca, như vậy là sai ngôi thứ. Mỗi lần các cháu sai như vậy thì lại sửa, mà tụi nhỏ thì chóng quên, nên sai lại sửa, sửa lại quên, quên lại nhắc. Rất mừng là các cháu hiểu và thực hành được phong tục kính trên nhường dưới, yêu thương ông bà cha mẹ, trước khi đi khỏi nhà thì chào, một khi về nhà thì báo cho bố mẹ biết, các cháu lớn rồi nhưng vẫn hỏi ý kiến cho bố mẹ biết trước khi đi chơi. Về điểm này tôi thấy văn hóa Việt Nam cũng giống như văn hóa Australia, bố mẹ nào cũng muốn con ngoan, yêu thương bố mẹ, học giỏi để có công việc làm tốt." - Chị kể
Chị Lê Anh cho rằng, hiểu văn hóa Việt Nam là một chuyện, còn thực hành được văn hóa Việt Nam nhiều hay ít lại là một chuyện khác. Nhưng điều cốt lõi, vẫn dạy cho các con tiếp nối được truyền thống nhân văn, uống nước nhớ nguồn, yêu thương cả hai nguồn cội, cũng như thực hành lòng nhân “thương người như thể thương thân”.
Và chị cho biết, có rất nhiều người bạn ở nước ngoài cùng tâm nguyện như chị, hướng về chia sẻ với những mảnh đời khó khăn, và muốn đóng góp trong khả năng của mình: "Tôi luôn mong được đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc chung giúp mọi người mọi nhà, người Việt Nam mình cùng hướng tới an khang thịnh vượng, đặc biệt là các chương trình có tính bền vững như là dạy chữ, dạy nghề, chương trình sức khỏe của cộng đồng."