“Kỹ Tây - hồn ta” và tiềm năng đóng góp của giới trẻ kiều bào

“Kỹ Tây - hồn ta” và tiềm năng đóng góp của giới trẻ kiều bào - ảnh 1

(VOV5) - Sau những năm tháng sống ở Canada, năm 1995 kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái đã trở về Việt Nam và từ đó đã có nhiều hoạt động trên quê hương, đặc biệt là những chương trình liên quan đến giáo dục, đào tạo. Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV5, Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái chia sẻ những tâm tư, cũng như đưa ra một số đề xuất để làm sao tăng cường thu hút hơn nữa sự đóng góp của giới trẻ kiều bào cho quê hương Việt Nam.

Nghe âm thanh:


PV: Thưa ông, qua những năm đi giảng dạy tại VN, ông thấy sự nỗ lực của sinh viên VN trong nước cũng như sự trở về của giới trẻ Việt kiều đã tìm được những điểm tương đồng như thế nào?

KTS Nguyễn Hữu Thái: Tôi thấy có nhiều người Việt kiều trẻ về đây hoặc làm nghề tại VN. Nhưng có cái hay là gần đây xuất hiện nhiều chuyên gia Việt kiều trẻ đã thành đạt bên ngoài. Lúc ban đầu họ thấy thị trường VN khá hấp dẫn nên họ về - đối với những người trẻ họ rất thực tế. Vấn đề chính là lương bổng, đãi ngộ, “thóc ở đâu là bồ câu tới đó”. Vậy nên trong tương lai mình phải điều chỉnh lại. Ví như tôi thấy đã có nhiều công ty tư nhân trong nước biết quý trọng chất xám của Việt kiều. Bổn phận của chúng tôi - lớp người đã kinh qua giai đoạn đó, là phải truyền nghề lại cho lớp trẻ để họ hiểu ở trong nước. Muốn quay về VN làm việc được thì các chuyên gia Việt kiều cũng phải tìm cách hội nhập lại với đất nước để hiểu biết được tình trạng của VN, rồi đem những kiến thức đã thu thập ở nước ngoài vào – có sự VN hoá, điều đó sẽ rất hiệu quả. Điều quan trọng của Việt kiều là nếu anh hiểu biết cả 2 cơ chế, cả 2 nền văn minh, thì sẽ dễ hơn người nước ngoài rất nhiều. Do đó tôi rất mong mỏi những chuyên gia trẻ Việt kiều về thì chúng tôi sẽ gặp gỡ và khuyến khích họ đi theo con đường đó.

PV: Ông thấy như thế nào về tiềm năng của giới trẻ VN sống ở nước ngoài có thể đóng góp trở lại cho quê hương?


KTS Nguyễn Hữu Thái: Bản thân tôi đã đi ra nước ngoài từ khi còn rất trẻ, nhưng cũng đã có kinh nghiệm làm việc ở trong nước một thời gian trước khi đi. Khi ra nước ngoài tôi cũng may mắn được làm việc ở một số trường đại học ở Bắc Mỹ gồm cả Mỹ và Canada, sau này có qua Italia. Khi về lại VN, tôi cố gắng trong khả năng của mình, lấy được những hiểu biết ở bên ngoài mà có thể chắt lọc được để truyền đạt lại cho các em. Trong phương pháp giảng dạy, tôi thấy so với cách đây mười mấy năm, mình có tiến bộ rất nhiều về cách trình bày, cách tập cho sinh viên tiếp cận những hiểu biết của quốc tế. Nhưng khó khăn nhất là mình có học theo kiểu học vẹt, đem về nguyên xi những điều hay ở nước ngoài hay phải chắt lọc từ đó để làm ra những gì của mình. Tôi rất tâm đắc một câu của người Nhật: “Kỹ Tây, hồn ta”, nghĩa là lấy kỹ thuật của phương tây mà phải thổi vào đó cái hồn của VN. Họ dung hoà được cái đó. Tôi vẫn tha thiết VN, nhất là đóng góp của những chuyên gia Việt kiều, nếu đóng góp được theo khía cạnh như người Nhật làm thì sẽ rất tốt.


PV: Như ông vừa nói, những người như ông, những GS Đại học đã có thời gian giảng dạy trong nước, sau này ra nước ngoài và bây giờ lại trở lại VN, luôn mong muốn tìm kiếm những điều khác biệt nhưng hiệu quả để dạy cho các sinh viên. Bản thân ông đã dung hoà những điều này như thế nào?


KTS Nguyễn Hữu Thái: Rút kinh nghiệm mười mấy năm về VN, tôi thấy thế này: Lớp người như chúng tôi nếu có những điều đã và đang hy sinh, chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy, không quá quan trọng vấn đề lương bổng hay đãi ngộ. Nhưng lớp trẻ sau này, họ là những chuyên viên đang được ưa chuộng ở nước ngoài, thì vấn đề lương bổng và cách sống lại là những tiêu chí quan trọng. Tôi nghĩ là ngoài việc chúng tôi giúp cho lớp trẻ những kinh nghiệm để họ hội nhập lại VN, đồng thời đưa ra những khuyến nghị để làm thế nào thu hút những người trẻ về. Việc này ở Trung quốc đã làm rất cả chục năm rồi. Họ có những bộ phận tìm dữ liệu của những Hoa kiều giỏi trên thế giới, để khi cần chuyên viên giỏi về lĩnh vực nào thì sẽ tìm cách kêu gọi họ về, nếu cần sẽ trả lương gấp hai, gấp ba đối với những ngành mũi nhọn. Đối với VN, hiện tại điều kiện mình chưa có đủ nhưng trong vòng 10 – 15 năm tới, mình sẽ sẵn sàng. Thêm nữa, những người lớn tuổi sẽ đóng vai trò như cái neo – những người lớn tuổi về VBN, đóng cái neo để thu hút con cháu mình về. Tôi nghĩ là điều này cũng cần lắm.


PV: Xin cảm ơn ông./.

Thực hiện: Hồng Anh

Phản hồi

Các tin/bài khác