(VOV5) - Đó là không khí và tín hiệu tích cực từ Chương trình giao lưu Học tiếng Việt qua game online với chủ đề “Mùa xuân- Sự khởi đầu”.
Chương trình do Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài tổ chức vào 24/3/2024.
Ngay lần đầu tổ chức giao lưu thông qua nền tảng ZOOM, chương trình đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo học sinh, phụ huynh, giáo viên thuộc các trường học/trung tâm/nhóm dạy và học tiếng Việt trên toàn thế giới.
Cuộc thi tiếng Việt cho học sinh Việt ở khắp nơi trên thế giới lần đầu tiên được Diễn đàn gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài tổ chức online. - Ảnh chụp màn hình |
Có hơn 60 học sinh thuộc 8 đội chính thức được chọn tham gia Chương trình giao lưu Học tiếng Việt qua game online “Mùa xuân- Sự khởi đầu” gồm: Karlovy Vary (CH Séc), Hoa xuyên tuyết (Ba Lan), Hoa tulip (Hà Lan), Thăng Long (Hungary), Măng non đất Việt (Hungary), Nhịp cầu sinh ngữ (Nhật Bản), Thiện Việt (Thụy Sĩ) và The little Gióng (Australia). Bên cạnh đó, chương trình còn thu hút nhiều học sinh tham gia tự do (không theo đội). Chương trình giao lưu kéo dài từ 10h - 13h30 ngày 24/3, lượng tham dự vào ZOOM cao điểm nhất lên tới 120 người, chứng tỏ sức hút của chương trình cũng như sự dẫn dắt nhiệt tình của thầy Trần Anh Tuấn (Hungary), cô Nguyễn Liên Hương Katie (Đài Loan), thầy Mai Hải Lâm (Ba Lan).
Bên cạnh các vòng thi hồi hộp, hấp dẫn như “Vòng khởi động”, “Vòng kiến thức”, “Vòng về đích”..., các đội còn kì công chuẩn bị “Màn chào sân” bao gồm các tiết mục tự giới thiệu bằng tiếng Việt, biểu diễn văn nghệ trong nhà, ngoài trời rất sôi động. Đội “Nhịp cầu sinh ngữ” không chỉ cử các học sinh ở Nhật Bản mà còn có học sinh tại Canada cũng tham gia màn chào sân và thi game rất nhiệt tình.
Các thí sinh hào hứng tham dự qua zoom. - Ảnh chụp màn hình |
Ban giám khảo là các thầy cô của Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài, gồm: Thầy Lê Xuân Lâm (trưởng Ban giám khảo, Ba Lan), cô Hà Vân Anh (thành viên, Ukraina), cô Dương Bích Hà (thành viên, Đức), cô Lê Thị Bích Hường (thành viên, Italia). Sau hơn hai tiếng các giải thưởng đã được trao: -Giải Nhất (trị giá 100 EUR): Thăng Long (Hungary) -Giải Nhì (trị giá 80 EUR): Nhịp cầu sinh ngữ (Nhật) -Giải Ba (trị giá 60 EUR): Hoa xuyên tuyết (Ba Lan) -Giải Khuyến khích (trị giá 40 EUR/đội): Karlovy Vary (Séc), The little Gióng (Australia), Hoa tulip (Hà Lan), Thiện Việt (Thụy Sĩ), Măng non đất Việt (Hungary).
Cô Nguyễn Liên Hương Katie, Phó ban Điều hành Diễn đàn, MC chương trình tâm sự: “Phía sau sự thành công của chương trình, là sự đóng góp rất lớn của các thầy cô khác trong ban tổ chức. Lúc đầu Ban tổ chức chúng tôi dự định 4 đội thi, cũng nghĩ sẽ là lần thử sức tổ chức thôi vì ngoài khó khăn về kỹ thuật, còn giờ giấc ở từng khu vực khác nhau. Nhưng không ngờ thành công đến thế. Tụi nhỏ đọc thơ ngọng nghịu dễ thương vô cùng. Cảm động lắm! Không hiểu sao cứ thấy xúc động đến vậy.”
(VOV5) - Chiều 15/7/2023, tọa đàm "Tình hình dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài” được tổ chức nhân kỉ niệm 2 năm thành lập Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài (15/7/2021 – 15/7/2022).
Thầy Trần Anh Tuấn, Phó ban điều hành Diễn đàn, phụ trách Trung tâm tiếng Việt Budapest (Hungary) cho biết: Việc hình thành được Diễn đàn gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài là một sáng kiến tuyệt vời của thầy Lê Xuân Lâm (Chủ tịch hội đồng trường tiếng Việt Lạc Long Quân – Ba Lan, Chủ tịch Diễn đàn). Nhờ có sân chơi lớn này, đã quy tụ được rộng khắp những thầy cô giáo, những người có tâm huyết với việc gìn giữ, phát triển ngôn ngữ nguồn cội ở nước ngoài, từ đó không chỉ chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, mà còn giúp nhau tìm ra những ý tưởng mới, như việc lần đầu tiên tổ chức trò chơi tiếng Việt online này chẳng hạn, nhằm thu hút thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt ở nước ngoài yêu thích, tìm đến, học và hiểu tiếng Việt nhiều hơn.
Trong điều kiện Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài chưa gây được quỹ hoạt động, giải thưởng về mặt hiện kim còn khiêm tốn, nhưng đây là nỗ lực và kết quả dựa trên tinh thần giao lưu vui vẻ học tiếng Việt, mở rộng sự làm quen, kết nối giữa các nhóm học sinh và giáo viên dạy tiếng Việt ở các nước, lan tỏa tình yêu tiếng Việt đến với nhiều nước trên thế giới.