(VOV5) - Mỗi câu hò, điệu hát đều mang trong đó hình ảnh về quê hương xứ sở, lắng đọng tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Sau hơn 6 tháng kể từ ngày phát động, cuộc thi Kiều bào hát dân ca trên sóng Đài TNVN chính thức khép lại bằng lễ công bố trao giải trang trọng theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối nhiều điểm cầu ở nhiều nước. Với những người Việt sống xa tổ quốc, cuộc thi là sân chơi nghệ thuật bổ ích, một món ăn tinh thần tiếp thêm nghị lực và làm dịu đi nỗi nhớ quê hương. Bởi, mỗi câu hò, điệu hát đều mang trong đó hình ảnh về quê hương xứ sở, lắng đọng tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam:
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Phát động từ giữa tháng 5/2021, cuộc thi Kiều bào hát dân ca do Ban đối ngoại Đài TNVN VOV5 phối hợp cùng UBNNVNVNONN, Bộ ngoại giao tổ chức đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của bà con kiều bào ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, cũng như nhiều người nước ngoài yêu mến bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam. Các tiết mục dự thi “Cây nhà lá vườn” mộc mạc, giản dị nhưng rất lôi cuốn, chạm được vào trái tim người nghe.
Nhạc sĩ Tạ Xuân Thọ, Ban giám khảo cuộc thi |
Theo nhạc sĩ Tạ Xuân Thọ, Phó trưởng phòng Dân ca, ban Âm nhạc – Đài Tiếng nói Việt Nam, thành viên Ban giám khảo, họ- những nghệ sĩ kiều bào không chuyên đó đã truyền tải trong những lời ca tiếng hát đó tất cả sự đam mê, hào hứng và trên hết là tình cảm cảm chân thành với quê hương Việt Nam: "Nhiều tiết mục gửi về - là những người con sinh ra và lớn lên hoàn toàn trên nước bạn. Nhiều câu lạc bộ có khá nhiều người tham gia cùng biểu diễn một tiết mục cho thấy những câu hát dân ca của cha ông chứa đựng tâm hồn cũng như những nét đẹp riêng của văn hóa nước nhà. Trong hoàn cảnh xa quê hương với rất nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất (thu thanh) cũng như việc học hỏi, tập luyện rồi giao lưu với khán giả .v.v. đều gặp khó khăn. Nhưng kiều bào vẫn say mê hát dân ca và nhiệt tình tham gia. Nhiều tiết mục dàn dựng rất nghiêm túc và công phu”.
Ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thông tin văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trao Giải Người nước ngoài hát dân ca Việt Nam hay nhất cho thí sinh Kim Yoon Ji. |
Bày tỏ sự thích thú và đầy hào hứng khi tham gia sân chơi Kiều bào hát dân ca trên sóng VOV, một số kiềù bào chia sẻ ý:
“Một mùa xuân mới lại về. Sắc xuân đang soi rọi làm hồng thắm thêm những bước đường chúng ta đi. Trên hành trình đó, những người con Việt dù đi đâu, ở đâu cũng nhớ về Tổ quốc thân yêu, nhớ về cội nguồn dân tộc. Chúng tôi vô cùng xúc động và vui mừng về Cuộc thi “Kiều bào hát dân ca trên VOV” Đấy cũng là thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nứơc ta dành cho kiều bào xa quê hương trong đó có Hội yêu Nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại CHLB Đức và Châu Âu. Ông Nguyễn Ngọc Roãn kiều bào Nga nói.“BTC đã mở ra cuộc thi hát dân ca cho Kiều bào quá ý nghĩa. Làm sống lại bản sắc dân tộc qua những bài dân ca. Từ đây, em được biết thêm nhiều bài hát dân ca của các vùng miền khác nhau, và cho thấy người Việt ta vẫn còn rất nhiều người yêu dòng nhạc này." Chị Cẩm Quỳnh,người Việt ở Italia chia sẻ.
“Các thành viên VietKidsNZ tham dự cuộc thi này hoàn toàn không vì giải thưởng và vì muốn đóng góp một tiết mục như giới thiệu để mọi người biết tới phong trào và các nỗ lực của các gia đình Việt ở New Zealand trong việc gìn giữ tiếng Việt và các bản sắc văn hóa tốt đẹp của Việt Nam.
Ông Hoài Bắc, kiều bào Canada |
Trích dẫn câu nói “Văn hoá là cội nguồn của dân tộc,văn hoá còn, dân tộc còn. Bất cứ dân tộc nào, quốc gia nào hưng thịnh, tồn vong đều gắn liền, song hành với văn hoá nói chung và trong đó có văn hoá nghệ thuật nói riêng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Hoài Bắc - kiều bào Cananda chia sẻ.. “Một làn điệu dân ca quan họ, một câu hò ví dặm, một giọng hát đò đưa xứ Huế hay một câu vọng cổ vùng sông nước Cửu Long…vang lên cũng đủ cho ta nhớ về quê hương, nơi ấy cố hương là sợt dây neo giữ tâm hồn, là văn hoá cội nguồn theo cha ông ta, ta và các thế hệ kế tiếp. Ở đâu có tiếng hát Việt, có con chữ Việt Nam, ở đó người Việt sẽ trường tồn cho dù có cách xa vạn dặm. Thật cảm động và tự hào rằng bà con kiều bào dù ở gần hay xa Tổ quốc vẫn nhớ về quê hương, vẫn yêu quê hương da diết, vẫn ôm ấp trong tim mình những bài hát, câu ca, khúc dân ca như mạch nguồn của sự sống của dân tộc, của đất nước.”
Ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng Ban Đối ngoại (VOV5), đại diện Ban tổ chức phát biểu tổng kết cuộc thi "Kiều bào hát dân ca trên VOV". |
Trong những bộn bề khó khăn của cuộc sống mưu sinh, người Việt dù sống nơi đâu luôn thể hiện được bản lĩnh, nghị lực và trên hết là tinh thần lạc quan.
Theo nhà báo Nguyễn Tiến Long, Trưởng ban đối ngoại Đài TNVN VOV5, sân chơi Kiều bào hát dân ca chính dịp để bà con kiều bào được thư giãn, được chia sẻ tâm tư và kết nối với nhau, qua đó giúp mỗi người thêm trân quý nguồn cuội và khát vọng Việt Nam: “Đại dịch Covid -19 hai năm qua đã làm đình trệ hầu hết những hoạt động mang tính cộng đồng của các hội, đoàn người Việt trên thế giới. Trong bộn bề mưu sinh và hội nhập đời sống nước sở tại, những yếu tố văn hóa dân tộc nếu không được quan tâm lưu giữ, sẽ dần bị phôi phai, nhất là với thế hệ gốc Việt thứ hai, thứ ba. Học và hát dân ca là một cách để trau dồi tiếng Việt. Thông qua những giai điệu đằm thắm, mượt mà, mộc mạc, chân thành trong câu hát dân ca, sẽ góp phần nâng cao nhận thức và tình cảm của mỗi người Việt xa quê với văn hoá cội nguồn, với quê hương xứ sở.”
Đại diện UBNNVNVNONN ( Bộ ngoại giao,) lãnh đạo VOV5, một số kiều bào, nhà tài trợ chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức cuộc thi |
Đúng vậy, giá trị sâu sắc của khúc hát dân ca không chỉ là những làn điệu âm nhạc truyền thống đầy dung dị, đằm thắm mà chứa đựng trong đó tình yêu quê hương xứ sở, giáo dục con người cách sống biết đối nhân xử thế. Bởi thế, mong muốn lớn nhất bà con người Việt ở nước ngoài là bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó, dạy và học tiếng Việt cho con em thế hệ thứ hai, thứ ba được quan tâm hàng đầu. Qua những làn điệu dân ca đằm thắm, mượt mà, mộc mạc sẽ giúp thế hệ trẻ kiều bào tiếp thu tiếng Việt tốt nhất.
Lãnh đạo VOV, đại diện UBNNVNVNONN chụp ảnh cùng Ban tổ chức cuộc thi |
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà, người sáng lập và điều hành VietKidsNZ, tổ chức về gìn giữ tiếng Việt và Văn hóa Việt ở New Zealand chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rằng đây là chặng đường dài và cần những nỗ lực không mệt mỏi để những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam không những không bị mai một mà con lan tỏa tới các thế hệ người Việt tiếp theo ở nước ngoài. Chính vì vậy VietKidsNZ ngoài các lớp học các kĩ năng tiếng Việt như nghe, nói, đọc, viết, dịch thì còn có câu lạc bộ múa dân gian và sáo trúc Việt nam. Chúng tôi cũng thường xuyên tham gia vào các chương trình giao lưu đa văn hóa tại New Zealand để giới thiệu con người, đất nước Việt Nam tới bạn bè ở đây”.
Có thể thấy, người Việt sống xa quê hương, dù ở đâu mỗi khi được nghe những âm điệu, ca từ dân ca gần gũi và quen thuộc, trong sâu thẳm trái tim lại trào dâng cảm xúc, nỗi nhớ quê nhà tha thiết. Bởi mỗi câu hát, điệu hò dường như đã trở thành nơi lắng sâu nhất tình yêu quê hương xứ sở và là điểm tựa tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người dân Việt từ bao đời nay.