(VOV5) - Hiện nay, mạng di động 5G đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh.
Dịch vụ di động 5G được kỳ vọng sẽ mang đến những trải nghiệm vượt bậc cho người dùng di động, tạo nên những thay đổi ấn tượng thực chất cho các ngành nghề và là nền tảng quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam. Trong bối cảnh này, nhiều tri thức trẻ người Việt học tập, làm việc ở các công ty Công nghê thông tin ở nước ngoài đều muốn trở về, góp sức cho sự phát triển mảng công nghệ thông tin đầy tiềm năng này. Về nội dung này, PV Đài TNVN phỏng vấn anh Lưu Quang Trung, Nghiên cứu sinh trường Đại học Paris 11 và Supélec ở Pháp.
Nghe phỏng vấn tại đây:
PV: Xin chào, Anh có thể giới thiệu đôi chút về bản thân cũng như công việc mà anh đang làm ở Pháp?
Lưu Quang Trung: Xin chào thính giả Đài TNVN, tôi là Lưu Quang Trung, hiện là nghiên cứu sinh năm thứ 4 trường Đai học 11 và Supélec đồng thời, tôi đang làm việc tại công ty Nokia Bell Labs. Lĩnh vực nghiên cứu là tối ưu hóa tài nguyên sử dụng trong mạng 5G. Công việc chính là thiết kế các thuật toán để triển khai cho các ứng dụng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên vô tuyến cũng như hữu tuyến của mạng 5G. Ứng dụng không chỉ cho 5G mà cho các thế hệ mạng kế tiếp sau. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa, tôi có thời gian làm việc ở tập đoàn Viettel 1 năm. Năm 2014, tôi may mắn nhận được học bổng sang Pháp học thạc sĩ tại Đại học Paris 11 về lĩnh vực antenne vô tuyến điện và 1 bằng về mạng đa phương tiện telecom tại trường Đại học Paristech.
Lưu Quang Trung- thứ 2 (hàng đầu từ phải) và các trí thức trẻ người Việt. Ảnh nvcung cấp |
PV: Đó là những ngành học đang rất phù hợp với xu hướng hiện nay. Vâng, như anh biết năm 2020 là một dấu mốc công nghệ với Việt Nam khi triển khai mạng 5G. Vậy mạng 5G có những lợi ích vượt trội như thế nào so với những thế hệ mạng trước đó như 3 hay 4G, thưa anh?
Lưu Quang Trung: Những ứng dụng mà 5G mang lại vô cùng hữu ích và đầy hứa hẹn. Thứ nhất làm tăng tốc độ truyền tải và làm “giảm độ trễ”. Độ trễ là thời gian phát đi tín hiệu và cần phản hồi nhanh nhất có thể.
Ví dụ trong xe tự lái có các thuật toán để tự nhận dạng các chướng ngại vật để chuyển về khối dữ liệu trung tâm để đưa ra các quyết định, hành động ngay lập tức. Những điểm mạnh này đặc biệt quan trọng cho các ứng dụng trong tương lai như xe tự lái hoặc các ứng dụng y tế chẳng hạn như thăm khám, chuẩn đoán và phẫu thuật bệnh từ xa, tải nhanh các tập tin lớn, quản lý dữ liệu thành phố, có thể thay thế wifi. Tất cả cần phải có độ trễ cực kỳ thấp.
PV: Anh thấy triển vọng phát triển mạng 5G ở Việt Nam như thế nào?Và, Việt Nam cần phải làm gì để triển khai hiệu quả 5G?
Lưu Quang Trung: Về tốc độ internet hay hạ tầng mạng của Việt Nam được xếp hạng phát triển nhanh. Ở những nước có sự phát triển về công nghệ mạng lâu đời thì đến nay hệ thống mạng đã cũ kỹ. Vì vậy, khi có xu hướng mới, khả năng chuyển dịch toàn bộ sang hạ tầng công nghệ mới rất lâu và phức tạp. Về điều này, Việt Nam đi sau vừa là điểm yếu và nhưng vừa có lợi thế. Điểm lợi là Việt Nam tiếp cận và ứng dụng với công nghệ nhanh gọn, thuận tiện hơn. Ví dụ, khi ta xây một ngôi nhà rất to muốn thay thay lại đường điện thì cực kỳ phức tạp. Còn nhà nhỏ cũ muốn đập đi xây lại sẽ nhanh hơn là việc sửa lại đường điện cho nhà to. Đúng là vừa là khó khăn cũng vừa là cơ hội.
Chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm triển khai ứng dụng viễn thông hữu ích này. Bởi tôi biết, Việt Nam đang có các trung tâm nghiên cứu 5G như của Viettel, Vingroup… để phát triển các ứng dụng trong 5G. Theo đó, Việt Nam có thể tự sản xuất được những thiết bị 5G. Tuy nhiên, cần phải lưu ý là, để bán được hay thu tiền từ các sáng chế đó thì trước tiên phải đăng ký bằng sáng chế sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, các nhà mạng mình cần tham gia tích cực tham gia nhiều hơn vào các Hội tiêu chuẩn thế giới về mạng viễn thông để bảo vệ cũng như giành quyền triển khai ứng dụng cho các bằng sáng chế đã đăng ký của mình. Tôi nghĩ, các công ty công nghệ, tập đoàn viễn thông trong nước cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến sở hữu trí tuệ, đăng ký bằng sáng chế càng nhiều càng tốt.
PV: Với công việc đang làm ở công ty hàng đầu về mạng di động của Nokia, Anh muốn trở về làm việc hay bằng cách nào đó như để đóng góp cho sự phát triển ngành công nghẹ viễn thông ở Việt Nam không thưa anh?
Lưu Quang Trung: Như tôi biết, bản thân Nokia Bell Labs đang có hợp tác tốt đẹp với những công ty công nghệ lớn trong nước (Viettel, Mobifone..) đặc biệt trong triển khai các ứng dụng công nghệ hiện đại như 5G. Hiện tại, ở Pháp và một số nước châu Âu thì mạng 5G đang là ngành rất ‘hot’ và rất phát triển. Trong khi công việc chính của tôi ở Nokia Bell Labs là làm về nghiên cứu. Vì thế, trong khoảng thời gian làm tiến sĩ hoặc có thể vài năm sau đó ở lại Pháp hay Châu Âu, tôi muốn tích lũy nhiều nhất có thể những kiến thức kinh nghiệm để sau này trở về, được làm ở các tập đoàn hay các trung tâm nghiên cứu phù hợp chuyên môn của mình. Tôi thực sự muốn về.
PV: Vâng, xin cảm ơn và chúc anh luôn thành công.