(VOV5) - Một số ý kiến của ông Đỗ Xuân Hoàng, chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, với những tâm tư chia sẻ về việc kết nối cộng đồng người Việt.
Nghe âm thanh tại đây:
Các hoạt động tổ chức hội đoàn của người Việt ở nước ngoài trong những năm qua luôn diễn biến sinh động, có lúc thăng trầm, nhưng tựu chung vẫn là những địa chỉ lớn để kết nối bà con người Việt đoàn kết, đùm bọc cùng nhau, tương thân tương ái. Và những công việc như vậy chưa bao giờ là dễ dàng đối với những người chịu trách nhiệm “vác tù vả hàng tổng”.
Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, người Việt ở Liên bang Nga có tổng chi hội Hội người Việt Nam, đồng thời cũng có những hội nhóm nhỏ như hội đồng hương ở mỗi tỉnh thành, hội sinh viên, hội khoa học kỹ thuật, hội văn học nghệ thuật, hội y dược, hội đông y dược…Theo nhận định của ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, trong một hội đoàn lớn, khi cải tổ công tác Hội thì tính bài bản, quy củ phải hơn: “Muốn thế cán bộ phải biết về việc đấy chứ không phải nghiệp dư, vì nghiệp dư chỉ mang tính chất câu lạc bộ. Một câu lạc bộ sẽ giải quyết được bài toán giao lưu, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong một nhóm nhỏ, nhưng để giải quyết những nhiệm vụ lớn hơn nữa, tôi nghĩ là khó.”
Theo ông Đỗ Xuân Hoàng, các hội đoàn lớn muốn hoạt động đều phải đầu tư vào đó cả về thời gian, tiền bạc, con người thật quy củ, vì ở các tổ chức hội (cộng đồng) mức độ gắn bó, phụ thuộc vào nhau lỏng lẻo hơn các tổ chức chính trị., cho nên việc chỉ thuần túy đòi hỏi các thành viên phải kết dính thật tốt thường không hiện thực.
Nếu muốn đạt được các nhiệm vụ đặt ra cho các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, ông Đỗ Xuân Hoàng cho rằng: “Tôi nghĩ tính chuyên nghiệp ở một số nơi phải nâng dần lên Thông qua việc đấy thì ta có hướng dẫn, quản lý một cách thống nhất hơn. Hoặc nếu không chúng ta tổ chức theo những con đường cũ như tổ chức các phong trào rồi hội họp với nhau thì cũng có tác động tích cực nhất định của nó. Nhưng thời gian trôi qua rồi, internet, thông tin rất nhiều, thế hệ thứ hai lớn lên rất xa lạ với những cái đó thì biện pháp phải mới lên. Phương thức truyền đạt thông tin rồi cách thức làm, cách thức tổ chức cũng phải mới.Ai cũng muốn đứng trong tổ chức cả, không ai muốn đứng ngoài hết. Nhưng nếu không có quyền lợi gì đặc biệt cho người ta ở đó, thì người ta cũng phải thấy ở đấy là một nơi có thể giao lưu, có thể thu được những thông tin bổ ích, thú vị thì người ta mới tham gia lâu dài được. Chứ kêu gọi tinh thần không thì việc đấy xưa nay ta vẫn làm. Nếu tiếp tục như thế với thế hệ thứ hai, chưa nói thế hệ thứ hai mà những người dưới 30 trở xuống mà sống ở nước ngoài tương đối lâu, mình nói về những giá trị mà đối với thế hệ chúng tôi rất tôn trọng, nhưng đối với họ lại không phải quan trọng nữa rồi.”
Ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga phát biểu trong một hoạt động chung của cộng đồng - Ảnh: baonga |
Trong những năm qua, ngoài những hoạt động kết nối cộng đồng Việt, Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga cũng vẫn tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện hướng về quê hương, cũng như thực hiện tốt các mối quan hệ ngoại giao nhân dân với Hội hữu nghị Nga-Việt và các tổ chức xã hội khác của đất nước sở tại. Nhờ các tiếp xúc này Hội người Việt Nam tại Nga có khả năng đa dạng hóa hoạt động của mình.
Nhưng khi được hỏi về một mối liên kết chung, bền vững hơn cần có, của cộng đồng người Việt Nam ở Nga nói riêng và ở nước ngoài nói chung, ông Đỗ Xuân Hoàng cho rằng: “Để tìm ra một cái cứ nôm na gọi là chất kết dính để người Việt Nam ở nước ngoài dù là hoàn cảnh khác nhau thì người ta vẫn thấy một điểm chung, thì đây là vấn đề rất lớn nên tôi nghĩ là cần có thêm thời gian để bàn và đưa thêm ý kiến. Nhưng riêng cá nhân tôi, tôi thấy tinh thần dân tộc, ở khái niệm lành mạnh của từ này, sẽ luôn luôn là, nếu như không phải chất kết dính, thì cũng là một trong những thành phần chính của chất kết dính ấy. Một đất nước Việt Nam mới, một đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, một dân tộc Việt Nam vững vàng và có vị trí xứng đáng của mình trên thế giới… thì cái đó tôi nghĩ sẽ là viễn cảnh để cho các thế hệ sau của chúng ta quan tâm hơn đến các hoạt động xã hội, gắn kết cộng đồng.”