Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tại Đài Loan (Trung Quốc), tiếng Việt hiện đã được đưa vào giảng dạy ở trên mấy chục trường đại học và ở các trường cấp 1 (như dạy tiếng mẹ đẻ) và các trường cấp 3 (như một ngoại ngữ hai). Trong việc đào tạo lực lượng giáo viên xây dựng giáo trình dạy tiếng Việt, theo chính sách của chính quyền Đài Loan hỗ trợ tân di dân, có sự góp sức không nhỏ của những giảng viên người Việt, mà một trong những tên tuổi được nhắc tới nhiều là chị Nguyễn Thị Liên Hương, người đã tham gia biên soạn và đứng ra chủ biên khoảng 15 cuốn sách giáo trình dạy tiếng Việt, sách về văn hóa Việt Nam.
Chị Nguyễn Liên Hương (bên phải) cùng học trò và cuốn sách Học tiếng Việt qua kho tàng truyện ngụ ngôn Aesop do chị biên dịch. |
Chị Nguyễn Thị Liên Hương hiện là giảng viên môn Ngôn ngữ và văn hóa trường Đại học Đài Loan, và không chỉ giáo viên là kiêm nhiệm các môn học liên quan đến tiếng Việt, văn hóa Việt Nam và văn hóa Đông Nam Á ở một số trường khác đại học khác, mà còn tham gia giới thiệu về văn hóa Đông Nam Á với học sinh, giáo viên ở các trường tiểu học và trung học Đài Loan. Khi dịch truyện cổ tích Việt Nam sang tiếng Hoa, tham gia làm giám khảo các cuộc thi có liên quan đến tiếng Việt, tham gia các chương trình phát thanh truyền hình liên quan đến việc dạy tiếng Việt và phụ trách một trang chuyên đề về thành ngữ cho một tờ báo tiếng Việt tại Đài Loan, chị vẫn dành thời gian cho những cuốn giáo trình tiếng Việt, cẩm nang văn hóa Việt.
Cần mẫn gánh cả khối lượng công việc không nhỏ ấy, chị Liên Hương chia sẻ, vì chị muốn cho người Đài Loan cũng như thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt tại nơi này có nhiều cơ hội tiếp cận văn hóa Việt Nam hơn, thông qua tiếng Việt: "Trong khoảng 15 đầu sách này có lẽ mình tâm đắc nhất là bộ sách cho trẻ em gồm 6 cuốn cho 6 lớp của cấp , có tên "Càng ngày càng thú vị". Mình làm trong 9 năm vừa làm chủ biên vừa là cùng biên tập với cả các giáo viên khác. Và bộ sách này chủ yếu cho học sinh của huyện Chương Hóa, huyện phía Nam của Đài Loan, nơi có đông những người Việt di cư đến Đài Loan nhất qua hình thức kết hôn. Bộ sách Càng ngày càng thú vị này, mình chơi chữ (vì nhớ quê hương Việt Nam): chữ “càng” trong tiếng Hoa có nghĩa là chữ Việt, Việt Nam."
Chị Nguyễn Liên Hương trong một buổi tập huấn về dạy tiếng Việt cho các giáo viên. |
Chị Liên Hương cho biết, vì chính mình cũng có 3 con nhỏ, và thường xuyên dạy tiếng Việt cho con, nên chị rất hứng thú khi viết sách cho thiếu nhi. Ngoài việc dạy về ngôn ngữ, chị cũng muốn cho các em tìm hiểu thêm về văn hóa Việt. Vì thế, như trong bộ sách “Càng ngày càng thú vị” , hai cuốn sau cùng dành cho lớp 5 và lớp 6, Liên Hương đã chủ tâm để cho học sinh hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam, như chủ đề đi du lịch Việt Nam, những truyền thuyết bánh chưng bánh dày, truyền thuyết Thánh Gióng hay con rồng cháu tiên….
Cách suy nghĩ, cách cảm về tiếng Việt của một nhà khoa học ngôn ngữ, cách nâng niu từng câu chữ để đặt vào giáo trình, đã khiến cho những bộ sách của Liên Hương có sức hút với học trò.
Cô Phạm Thị Linh, một giáo viên tiếng Việt ở huyện Chương Hóa, nơi sử dụng bộ sách Càng ngày càng thú vị của chị Liên Hương, chia sẻ:"Khi dạy tôi đều tham khảo nhiều sách. Và tôi cảm thấy cô Liên Hương có cách viết sách riêng của mình. Tôi thích những điều như: cách biên soạn của cô Liên Hương, cách dạy của cô nghiêng về văn hóa rất nhiều. Khi mình sang bên này, đang làm việc tuyên truyền về văn hóa thì văn hóa phải đậm đà hơn. Quan niệm này tôi rất muốn đi theo cô. Ví dụ trong mỗi cuốn sách của cô đều có những câu ca dao tục ngữ, không chỉ những em học sinh yêu thích mà cả những học viên lớn tuổi ở bên này cũng rất yêu thích."
Giáo trình sách tiếng Việt cho huyện Chương Hóa |
Từng có 10 năm nghiên cứu ở Viện nghiên cứu Trung Quốc, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nên với chị Liên Hương, việc viết lách là một sở thích. Chị tâm sự: “Bố mẹ cũng là những nhà nghiên cứu lịch sử nên từ nhỏ mình đã sống trong môi trường các cụ nghiên cứu cả ngày. Vì thế, khi các nhà xuất bản Đài Loan hoặc các dự án của Bộ Giáo dục Đài Loan mời viết sách, càng góp thêm động lực cho mình, để dòng chảy tiếng Việt được tiếp nối sống động trên mảnh đất Đài Loan này, để người Đài Loan hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam.”
Trong số những cuốn giáo trình mà chị Nguyễn Thị Liên Hương đã viết, có bộ sách cho giáo viên cấp 1 do Bộ Giáo dục Đài Loan phát hành 4 năm qua; hoặc hai tập giáo trình cơ sở dành cho người lớn Xin chào Việt Nam 1 và Xin chào Việt Nam 2; hoặc hai cuốn cho người Đài Loan muốn tìm hiểu về tiếng Việt “Có tin hay không là tùy bạn: Trong 1 tuần bạn có thể bắt đầu nói được tiếng Việt” và “12 giờ làm quen với tiếng Việt”, là những cuốn bán khá chạy vv…
Giáo trình tiếng Việt cơ sở do Bộ Giáo dục Đài Loan xuất bản. |
"Cũng có một tin vui nữa là mình có hợp tác với một nhà xuất bản tại Singapore và có thể là cuối năm nay hoặc đầu năm sau thì mình sẽ ra một quyển từ điển hình ảnh. Nhưng quyển này cho đối tượng tất cả các nước khác có thể tham gia bởi vì viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh, chủ yếu là cho đối tượng mới học và muốn đi Việt Nam tìm hiểu về Việt Nam có thể sử dụng." - Chị Liên Hương cho biết.
Chị Phạm Thị Linh đã quyết tâm theo nghề giáo viên dạy tiếng Việt, khi được cô Nguyễn Liên Hương truyền cảm hứng. |
Quá trình viết sách cũng như giảng dạy tiếng Việt của chị Nguyễn Thị Liên Hương, đã tiếp lửa cho nhiều cô dâu Việt tham gia vào khóa đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt tại xứ sở này. Chính chị cũng chưa biết câu chuyện vì sao cô phiên dịch Phạm Thị Linh quyết định hoàn toàn theo con đường dạy tiếng Việt mà Linh đã chia sẻ với chúng tôi.
Linh kể: "Người truyền cảm hứng dạy tiếng Việt cho tôi là cô Liên Hương. Người ta nói cái gì đầu tiên cũng là những ấn tượng để cho mình giữ lâu nhất. Những năm đó, bên Chương Hóa chúng tôi, những lớp đào tạo giáo viên tiếng Việt là những lớp đầu tiên, nên cô Liên Hương đã đi dạy nhiều nơi. Khi cô đến Chương Hóa, tôi tham gia lớp thứ hai cô dạy. Khi học, tôi phát hiện ra cách dạy của cô rất lạ, rất hay, cách cô tiếp xúc với học sinh, phát âm… cô có một cách riêng để truyền cảm hứng dạy tiếng Việt của mình cho các bạn học viên. Tôi cũng tham gia rất nhiều lớp tiếng Việt của các giáo viên. Chương Hóa có một bộ sách tiếng Việt riêng do cô Liên Hương viết, cuốn 1, cuốn 2 tôi đọc rất thích. Cũng rất vinh dự, đến cuốn 4,5,6 tôi được tham gia vào dự án này trong phần xét duyệt của nhà trường, tức là khi giáo trình cô viết xong thì chúng tôi được xem lại, soát lại xem có vấn đề gì không.
Cô Liên Hương đã truyền cảm hứng cho tôi, và sau đó cô làm cho tôi yêu tiếng Việt hơn, nên tôi bỏ rất nhiều thời gian và thậm chí bỏ cả công việc đi dịch của mình để đi theo việc dạy tiếng Việt. Mặc dù dạy tiếng Việt bên Đài Loan lương không được cao như tôi đi phiên dịch đâu, nhưng tôi cảm thấy khi dạy tiếng Việt, tôi được mang văn hóa của người Việt Nam mình cho học viên của bên Đài Loan này thì rất vinh dự. Nhìn cô Liên Hương đứng trên bục giảng, học tất cả những điều cô đã chỉ dạy cho chúng tôi, để sau này việc giảng dạy của chúng tôi cũng có một cái hồn trong đó." - Phạm Thị Linh nói.
Tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được Liên Hương chuyển ngữ sang tiếng Trung. |
Sau mười hai năm cống hiến "cho tiếng Việt" cũng như tham gia góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngôn ngữ Việt, tiếng Việt ở Đài Loan, chị Liên Hương nói: "có lẽ cũng muốn nghỉ ngơi một thời gian". Nhưng, sự "nghỉ ngơi" đó, lại là: “có một vài nhà xuất bản đã đề nghị mình viết sách về du lịch. Đây là một đề tài thú vị Và có lẽ là mình cũng sẽ tìm thời gian một hoặc hai năm để hoàn thành cuốn này!”..