(VOV5) - Trải qua 20 năm triển khai, đến nay Nghị quyết số 36 vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị, thể hiện tầm nhìn của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Sau 20 năm triển khai, Nghị quyết 36-NQ/TW (NQ 36) về công tác người Việt Nam ở nước ngoài đạt được những kết quả rất tích cực ở nhiều lĩnh vực. Nghị quyết 36 được xây dựng trên nền tảng chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là người Việt Nam ở nước ngoài, là bộ phận không tách rời, một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Điểm lại những thành tựu nổi bật sau 20 triển khai, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: NQ 36-văn kiện chính trị công khai của Đảng, đối với công tác đại đoàn kết và hòa hợp toàn dân tộc có tính chất đột phá, mở đường cho việc triển khai công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. “Về mặt pháp luật, Quốc hội và Chính phủ ban hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, hoàn thiện trên hầu hết các lĩnh vực liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, như: Quốc tịch, dân sự, nhà ở, đất đai, cư trú, đầu tư, kinh doanh theo hướng các quyền của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tiệm cận gần hơn với công dân trong nước, thuận lợi hơn trong việc về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh..., đồng thời tăng cường gắn kết kiều bào với quê hương”.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng tại buổi họp báo chia sẻ thông tin về 20 năm triển khai nghị quyết 36. |
Cũng từ đó, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài đã thể hiện được rõ nét hơn vai trò nòng cốt trong việc quy tụ, hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống ở nước sở tại và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về quê hương, đất nước. Cùng với đó, kiều bào có tiếng nói nhiều hơn khi được tạo điều kiện tham gia vào công tác tham mưu, kiến nghị chính sách pháp luật đến những vấn đề quan trọng của đất nước như góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng, các dự thảo luật, các chính sách lớn…
Tiến sĩ Trần Lê Hưng đang làm việc tại CH Pháp, một trí thức trẻ rất năng nổ trong công tác Hội đoàn chia sẻ: “Các công tác về tham mưu, xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến người VNONN luôn được chú trọng. Ví dụ như, luật Quốc tịch 2008 quy định rằng, công dân Việt Nam có thể thêm tối đa 1 quốc tịch nữa. Điều này đã tạo thuận lợi rất nhiều cho kiều bào, giúp họ trở về đầu tư, kinh doanh, làm việc ở trong nước cũng như ở nước sở tại”.
Tiến sĩ Trần Lê Hưng |
Nhiều chương trình hành động, các đề án lớn trong công tác NVNONN đã được triển khai rộng khắp như Đề án Phát huy nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài góp phần xây dựng đất nước trong tình hình mới, các hoạt động thường niên do Bộ Ngoại giao tổ chức như: Xuân Quê hương, Giỗ tổ Hùng Vương, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè dành cho thanh thiếu niên kiều bào…
Một điểm sáng trong triển khai công tác phát huy nguồn lực của kiều bào là sự đóng góp ngày càng thực chất vào công cuộc phát triển đất nước. Tổng lượng kiều hối từ 1993 – 2023 đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ. Về dự án đầu tư trực tiếp tới cuối năm ngoái, kiều bào đã đầu tư 421 dự án tại 42/63 tỉnh, thành ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD. Bên cạnh đó, có hàng ngàn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa của NVNONN tham gia đầu tư, hoạt động tại Việt Nam trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Bà Đào Lan Hương, Quyền chủ tịch Hội người Việt Nam ở Ăng -gô-la chia sẻ: “Nghị quyết 36 làm cho kiều bào có sự phấn chấn, cảm thấy mình có một chỗ dựa để phát triển sự nghiệp kinh doanh, làm ăn. Họ thấy yên tâm và thấy gần hơn với quê hương. Là người sống xa quê, tôi thấy mình được Tổ quốc đón nhận với tất cả tình cảm và sự bao dung. Ở Ăngôla đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt thành công, nhờ sự chăm chỉ làm ăn và đem những sản phẩm Việt Nam xuất khẩu.”
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ III, năm 2020/ Ảnh minh họa Dangcongsan.vn |
Song hành cùng sự phát triển chung của cộng đồng NVNONN, bộ phận trí thức kiều bào ngày càng phát triển, hội nhập và đạt nhiều thành công ở sở tại. Với lợi thế được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến, có kinh nghiệm thực tiễn, làm việc trong môi trường khoa học công nghệ phát triển cao có quan hệ sâu rộng ở nước sở tại, trí thức kiều bào chính là lực lượng lao động quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức. TS Tiến sĩ Trần Lê Hưng cho biết thêm: “Có một làn sóng trí thức kiều bào trở về quê hương làm việc như GS Vũ Hà Văn, PGS Phan Hà Dương…Trong tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng có nhiều trí thức đang công tác ở nước ngoài như TS Trần Ngọc Anh( ĐH Indiana, Mỹ).Điều đó cho thấy người Việt ở khắp năm châu luôn hướng về đất nước. Và Đảng, Nhà nước luôn trân trọng ý kiến đóng góp của kiều bào”.
Kể từ khi triển khai NQ36, công tác giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được quan tâm. Bà Phạm Thị Kim Hoa, Vụ trưởng vụ văn hóa cho biết, cùng với hỗ trợ mở lớp dạy tiếng Việt cho con em kiều bào Bộ ngoại giao còn vận động chính quyền sở tại đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông, đại học. Đặc biệt, triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt hằng năm được được bà con hưởng ứng tích cực: “Đề án được triển khai trên diện rộng ở trong và ngoài nước với nhiều hoạt động phong phú ý nghĩa, như mở lớp tập huấn giáo viên, xây dựng tủ sách, cung cấp sách cho dạy học, hỗ trợ phát triển cả website dạy học tiếng Việt, rồi chương trình Chào tiếng Việt, Dấu ấn Việt Nam. Đặc biệt, cuộc thi tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt lần đầu tiên được tổ chức nhận được sự hưởng ứng rộng rãi".
Một lần nữa khẳng định ý nghĩa của NQ36, Bà Đào Lan Hương, kiều bào Ăng-gô-la cho rằng: “Đây là một nghị quyết thể hiện sự sáng suốt trong sự lãnh đạo của Đảng Việt Nam. Bởi vì lực lượng kiều bào ở nước ngoài có một tiềm lực rất lớn. Nếu chúng ta khai thác được sức mạnh đó, chúng ta không chỉ có tiền mà còn có trí tuệ, chúng ta có rất nhiều bàn tay, rất nhiều sức mạnh”.
Có thể nói, trải qua 20 năm triển khai, đến nay Nghị quyết số 36 vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị, thể hiện tầm nhìn của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, địa phương và xã hội trong triển khai công tác đối với người Việt nam ở nước ngoài.