(VOV5) - Những khó khăn đã và đang xảy ra, Nguyễn Tiến Tâm coi đó như một phép thử để rèn dũa bản lĩnh tuổi trẻ, để hoàn thiện bản thân và quan trọng nhất là trân trọng hơn những gì mình đang có.
Trở về từ Pháp, một quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Nguyễn Tiến Tâm, nghiên cứu sinh ngành Địa lý Cảnh quan đồng đào tạo giữa trường Đại học Bordeaux Montaigne và Đại học Kiến trúc Hà Nội, cảm thấy vô cùng hạnh phúc và may mắn.
Mặc dù không được đi chơi nhiều nhưng cái Tết năm nay thật sự đặc biệt với Tiến Tâm. Đó là khoảng thời gian lắng đọng cảm xúc, để anh có thể ngẫm sâu hơn về cuộc sống. Những khó khăn đã và đang xảy ra, Tâm coi đó như một phép thử để rèn dũa bản lĩnh tuổi trẻ, để hoàn thiện bản thân và quan trọng nhất là trân trọng hơn những gì mình đang có.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đại dịch Covid-19 trở nên nghiêm trọng tại châu Âu từ trung tuần tháng 3 năm 2020, khi đó Tiến Tâm đang làm luận án tiến sĩ năm thứ tư tại trường Đại học Bordeaux Montaigne (Pháp). Một thân một mình nơi xứ người giữa đại dịch, những bạn trẻ như Tâm đều rơi vào tình thế thật sự khó khăn, từ sinh hoạt đến học tập đều bị xáo trộn một cách nghiêm trọng: “Khi Pháp bước vào giai đoạn phong tỏa đầu tiên, khu vực Tây Nam nơi có thành phố Bordeaux không phải là vùng có tình hình quá căng thẳng. Vì vậy việc cách ly xã hội khiến cuộc sống thay đổi đột ngột, đặc biệt là ảnh hưởng tới sức khoẻ tinh thần. Việc phải bó tay bó chân trong căn phòng rộng 12m vuông ở khu ký túc xá vắng vẻ quả thực khó khăn. Không khí trở nên tĩnh lặng khác thường. Sau tháng đầu tiên tương đối ổn, việc thiếu sự tiếp xúc với xã hội bắt đầu khiến tinh thần sa sút rõ rệt khi bước sang tháng tiếp theo. Đầu óc nặng nề, không thể tập trung vào công việc. Niềm vui hiếm hoi là mỗi lần được đạp xe ra ngoài đi chợ trời Capucins trong thành phố Bordeaux (thời gian phong toả người dân được ra khỏi nhà trong một số trường hợp nhất định, trong đó có đi mua thực phẩm).”
Nguyễn Tiến Tâm, nghiên cứu sinh ĐH Bordeaux Montaigne
( Pháp). Ảnh nhân vật cung cấp |
Tiến Tâm chia sẻ, phải khi ai đó từng trải qua sự cô đơn, bị cách ly xã hội thì mới thấu hiểu giá trị cuộc sống và biết trân trọng các mối quan hệ, tình cảm giữa con người với nhau:
“Nước Pháp bắt đầu mở cửa trở lại sau 2 tháng cách ly toàn quốc, lúc đó mình mới được quay về với sinh hoạt bình thường và gặp lại bạn bè. Ở ký túc, mình có nhiều bạn cả Việt cả nước ngoài, trong đó thân nhất phải kể tới hai bạn là Hugo người Pháp và Leila người Ma Rốc. Chúng mình thường cùng nhau chơi bóng bàn, nói chuyện và ngắm sao qua kính viễn vọng. Khi ngôi sao chổi Neowise xuất hiện, ba đứa rủ nhau phóng xe ra tít vùng nông thôn để ngắm tới nửa đêm. Ngoài ra, mình cũng trở lại quán sushi làm thêm, được giao tiếp với mọi người, và đặc biệt được gặp lại nhóm bạn Việt thân thiết tại đây. Trong thời gian cách ly, cả nhóm vẫn trò chuyện hàng ngày qua internet. Để giữ tinh thần và thể trạng khi không được ra ngoài, chúng mình thử thách nhau tập thể dục và gửi clip tập vào nhóm. Đó là những tình bạn đáng quý, những mối quan hệ đáng quý, đã giúp mình vượt qua thời gian cách ly đầy khó khăn. Thậm chí, dưới góc độ phát triển bền vững, sợi dây tình cảm đó chính là yếu tố cấu thành khả năng thích ứng (adaptation) và phục hồi (resilience) của xã hội.” Tâm chia sẻ
Thời gian cách ly tại nhà ( ở Pháp) Tiến Tâm chăm chỉ tập thể dục. Ảnh nvcc |
Thế rồi giữa lúc dịch bênh tại châu Âu diễn biến phức tạp trở lại, Tiến Tâm may mắn được chọn trở về, trong một chuyến bay đặc biệt gồm nhiều người Việt từ Nam Mỹ, Bắc Ấu, Châu Phi trung chuyền qua Pháp về Việt Nam: “Chỉ đến khi đến được sân bay Charles-de-Gaulle, mình mới chắc là sẽ được về nhà. Ấn tượng rõ nhất của mình là bộ quần áo bảo hộ chống dịch, cảm giác như khi vào bệnh viện và nhìn thấy bộ quần áo blouse trắng của bác sĩ. Cảm xúc khi đó thật khó tả, rất vui nhưng cũng có chút lo lắng hồi hộp. Có thể nói ,hành trình trở về lần này như một chuyến phiêu lưu, một trải nghiệm chưa từng gặp trong cuộc đời” Tiến Tâm kể,
Với bất cứ ai sống xa nhà, mỗi lần trở về luôn là sự rộn ràng, háo hức huống chi đây lại được đón về trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm như vậy. Tiến Tâm miêu tả việc trở về của những du học sinh từ vùng dịch như được tiếp thêm một liều doping xốc lại tinh thần vậy.
Ảnh chụp cùng cầu thủ bóng đá Đoàn Văn Hậu trong chuyến bay đón công dân về nước hồi T8/2020. Ảnh nhân vật cung cấp |
Khoảng thời gian 14 ngày cách ly tập trung tại Hưng Yên thêm một lần nữa giúp những người trở về như Tiến Tâm càng hiểu hơn về tình nghĩa đồng bào và những ứng xử đầy nhân văn của người Việt: “Đó là kỷ niệm không thể quên. Sau chút bỡ ngỡ ban đầu, mọi người quen nhau rất nhanh, chia sẻ nhiều chuyện, tự nhiên thấy tình cảm gắn kết dễ dàng. Tại đó mình quen được nhiều người bạn mới và giờ chúng mình vẫn giữ liên lạc với nhau. Chúng mình được cách ly trong doanh trại quân đội giống như hồi sinh viên tập nghĩa vụ quân sự. Tại đó, ngoài việc tuân theo quy định nghiêm ngặt về chống dịch thì mọi người vẫn có thể sinh hoạt, làm việc, giải trí thoải mái. Nhất là các anh nhân viên y tế và bộ đội đều rất vui và gần gũi. Ngày trở về nhà sau cách ly, mỗi người còn được các anh tặng cho một bịch long nhãn đặc sản Hưng Yên làm quà”.
Sau lần trở về này, điều Tiến Tâm mong muốn nhất là có thể hoàn thoành chương trình tiến sĩ đồng đào tạo giữa trường Đại học Bordeaux Montaigne và Đại học Kiến trúc Hà Nội trong năm nay. Sau đó Tiến Tâm có thể tập trung trở về làm việc, phát triển sự nghiệp tại quê nhà Việt Nam:
“Khoảng thời gian này, mình đang tham gia một dự án nghiên cứu thống kê liên quan tới rác thải nhựa do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tài trợ. Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, mình mong muốn phát triển một số dự án khác nữa. Mục tiêu dài hạn của mình là đóng góp phát triển chương trình đào tạo tại ĐH Kiến trúc Hà Nội. Mình muốn sử dụng kiến thức cũng như mối quan hệ với các trường đại học ở nước ngoài để mở rộng nghiên cứu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường gắn với lĩnh vực kiến trúc cảnh quan tại Việt Nam.” Tiến Tâm bày tỏ.
Những ngày cận Tết Tân Sửu 2021, dịch bệnh Covid-19 thêm một lần nữa thử thách nỗ lực của Việt Nam khi xuất hiện những ca nhiễm mới. Song, từ trải nghiệm của bản thân, Tiến Tâm cho rằng Việt Nam đang làm tốt việc khống chế đại dịch và giữ cho người dân một cuộc sống thoải mái. Điều đó cho thấy hiệu quả của những chiến lược hợp lý, hành động kịp thời, cùng tinh thần trách nhiệm cao trong chiến dịch phòng chống Covid-19 của Việt Nam.
Cuối cùng, Tiến Tâm mong rằng mọi người yên tâm nhưng không chủ quan, luôn giữ tinh thần 5K, cùng đóng góp sớm đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn và hướng tới cuộc sống an toàn, bình an và hạnh phúc.