(VOV5) - Hiện Hội người Việt tại Bulgaria đang tích cực thảo luận với chủ chợ Ilientzi về địa điểm đặt “Ngôi nhà Việt Nam”.
Giữa lòng thủ đô Sofia yên bình của đất nước Bulgaria, trong khuôn viên chợ bán buôn lớn Ilientzi 1 và 2, có một trung tâm luôn vang lên những bài giảng, những câu chuyện râm ran bằng tiếng Việt – Trung tâm Lạc Hồng – nơi có lớp học và các hoạt động sinh hoạt tập thể của cộng đồng người Việt tại Bulgaria.
Bà con người Việt đã coi nơi đây như ngôi nhà chung. Và sắp tới, sẽ có một trung tâm với cái tên “Ngôi nhà Việt Nam”, được xây mới để nhân rộng hơn những hoạt động tập thể cho cộng đồng người Việt.
|
Các cháu người Việt cùng các thầy cô trước Trung tâm Lạc Hồng
|
Cộng đồng người Việt tại Bulgaria hiện không nhiều, khoảng 1.070 người, nhưng hoạt động rất quy củ, có tổ chức, đoàn kết và đặc biệt chú trọng vào dạy học cho cộng đồng. Niềm tự hào lớn nhất của cộng đồng là dù cha mẹ chủ yếu là tiểu thương trong chợ, nhưng con cái lại học hành rất giỏi, 100% đỗ đại học và những thủ khoa các trường hàng đầu tại Sofia đều là con em người Việt.
Anh Lê Thanh Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Bulgaria cho biết: “Điểm đặc biệt của cộng đồng người Việt ở đây là sự quan tâm của các bậc phụ huynh tới việc học của học sinh. Tất cả đều được bố mẹ quan tâm, lo lắng, được thi vào các trường điểm của Bulgaria. 100% học sinh học đại học, đạt điểm thi rất cao. Cộng đồng người Việt hiện có khoảng 30 sinh viên học ở Bulgaria, 15 sinh viên học ở các trường nước ngoài như ở Mỹ (top 30), ở Anh (các trường trong top 10)”.
|
Anh Lê Thanh Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Bulgaria
|
Trong khuôn viên chợ Ilientzi, từ năm 2006, ngay sau khi thành lập, Hội người Việt Nam tại Bulgaria đã xây dựng “Trung tâm Lạc Hồng”. Từ ý tưởng khởi nguồn là để mở những lớp dạy học tiếng Việt cho các cháu giữ gìn được ngôn ngữ mẹ đẻ và học thêm các môn học khó ở trường như toán.
Là một trong những thành viên đầu tiên tham gia thành lập Trung tâm Lạc Hồng, bác Nguyễn Văn Đệ, nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Bulgaria cho biết thêm: “Thực ra lúc đó tôi nghĩ rằng câu nói ‘Dễ muôn lần không dân cũng chịu, khó muôn phần dân liệu cũng xong’. Với ý tưởng đó tôi cùng các anh em trong hội vận động mọi người, ai có khả năng gì đóng góp đó. Có một số người đã là giáo viên ở Việt Nam, tự nguyện đến giúp, giúp không, có một số anh em khác học tại Bulgaria cũng trợ giúp giảng dạy. Trong vòng 15 ngày, chúng tôi đã lập được 8 lớp học cho người Việt Nam. Và chính thông qua tiếng Việt, cộng đồng chúng tôi quảng bá về Việt nam với đất nước Bulgaria”.
Giáo viên của các lớp học chính là những thành viên trong hội, những người ngày ngày vẫn buôn bán mưu sinh trong chợ, rồi tranh thủ và sắp xếp thời gian buổi tối, lúc rãnh, hoặc mùa hè khi chợ vãn khách, để dạy học cho các cháu.
|
Các cháu học và sinh hoạt tại Trung tâm Lạc Hồng
|
Chị Thoa, chủ một gian hàng quần áo trong chợ, đã có một thời gian dài vận dụng những kiến thức chị từng học và giảng dạy trong ngành nông nghiệp của Bulgaria vào việc dạy tiếng Việt cho các cháu tại trung tâm Lạc Hồng. Cái khó nhất, theo chị, là các cháu người Việt sống và học tập từ nhỏ tại Bulgaria, nên suy nghĩ và tư duy như người Bulgaria, do đó, như một người nước ngoài học tiếng Việt. Chị Thoa nhận xét: “Dù vốn từ của các cháu có là do giao tiếp trong gia đình, nhưng vẫn còn nghèo, việc học dấu rất khó khăn, và thời gian học của các cháu lại không được nhiều”.
Trung tâm Lạc Hồng cũng là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa, thể thao chung của bà con, như lớp ca múa của các cháu, câu lạc bộ bóng bàn, cờ tướng, cờ vua của thanh niên, người lớn…
Nói như anh Lê Thanh Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Bulgaria, nhiều hoạt động đã thực sự hiệu quả trong việc định hướng cuộc sống lành mạnh cho cộng đồng người Việt tại đây, giảm số lượng nam giới tìm đến những sòng bạc mở ngay gần chợ.
Đoàn kết, yêu thương và tương trợ nhau
Trong ngôi nhà chung là Trung tâm Lạc Hồng, Hội người Việt Nam tại Bulgaria, các thành viên, như chị Thoa khẳng định là “đoàn kết, yêu thương và tương trợ nhau rất tuyệt vời”.
Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch Hội người Việt Nm tại Bulgaria nhiệm kỳ thứ hai nhấn mạnh: “Chúng tôi lấy tinh thần đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ nhau hiểu luật pháp Bulgaria, sống tốt hơn, làm gương cho con cháu. Mục đích tôn chỉ hoạt động của Hội là hướng về quê hương Việt Nam, cho con cháu Việt Nam chúng ta sau này giữ gìn bản sắc Việt Nam, ngày càng tôn lên niềm tự hào của người dân Việt sống tại nước ngoài”.
Dù số lượng không nhiều, nhưng Hội người Việt Nam tại Bulgaria luôn tích cực trong các hoạt động hướng về quê hương đất nước. Gần đây nhất, ngay khi xảy ra bão lớn tại miền Trung, Hội đã nhanh chóng quyên góp trong thời gian ngắn hơn 2.000 Euro gửi về đợt đầu tiên để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão ở miền Trung.
Người Việt tại Bulgaria – “Cộng đồng kiểu mẫu” cần nhân rộng
Cộng đồng người Việt sinh hoạt đoàn kết và có văn hóa, là mô hình cộng đồng kiểu mẫu mà chúng tôi muốn phát triển, do đó, tôi sẽ dành một khu đất để xây dựng “Ngôi nhà Việt Nam”. Đó là nhận xét và cũng là lời hứa của ông Ivan Mihalev - chủ chợ Ilientzi đối với Hội người Việt Nam tại Bulgaria.
|
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Ivan Mihalev - chủ chợ Ilientzi
|
Ông Mihalev cũng là Chủ tịch Liên đoàn Judo Bulgaria, một trong những người có ảnh hưởng lớn tại quốc gia này, rất hài lòng khi được làm việc cùng cộng đồng người Việt trong hơn 20 năm qua. Ông gọi tên trìu mến là “Những người Việt Nam của tôi”. Ông kể: “Tôi rất thích có thời gian đi một vòng quanh chợ vào mỗi buổi sáng, gặp gỡ và hỏi thăm những người “Việt Nam của tôi”, xem họ có bán được hàng hay không.
Chính ông cũng thừa nhận cộng đồng người Việt đi đầu trong chợ về sự nghiêm túc, ý thức sống và kinh doanh, giúp cho chợ Ilietzi quy củ và trật tự. Đồng thời, những đấu tranh, thương thảo của Hội người Việt với lãnh đạo chợ về các vấn đề thuê quầy, kho bãi, thuế khóa… cũng đem lại nhiều lợi ích chung cho các cộng đồng nước ngoài khác làm ăn trong chợ. Ông Mihalev nói: “Người Việt Nam các bạn làm việc rất nghiêm túc và tôn trọng những người khác. Trong 20 năm qua, chúng tôi chưa bao giờ có vấn đề gì với người Việt Nam. Đối với những người Việt Nam làm việc ở đây, tôi chỉ có thể nói những điều tốt lành nhất về họ”.
Hiện Hội người Việt tại Bulgaria đang tích cực thảo luận với chủ chợ Ilientzi về địa điểm đặt “Ngôi nhà Việt Nam”, sao cho vừa gần khu vực trung tâm chợ, để bà con tiện qua lại, vừa đủ rộng để tổ chức các lớp học, các sinh hoạt văn hóa, thể thao đa dạng ở quy mô lớn hơn.
Hy vọng sang năm 2014, Hội người Việt tại Bulgaria sẽ có một “Ngôi nhà Việt” khang trang, để mở rộng hoạt động./.
Bác Nguyễn Văn Đệ, bố của cháu Nguyễn Chí Dũng – «cậu bé vàng» toán trong đội tuyển quốc gia Bulgaria, đã giành 5 huy chương vàng trong các cuộc thi toán quốc tế, mới đây nhất là HCV trong Giải Toán Australia 2013 và hàng loạt huy chương bạc, huy chương đồng:
«Thành tích học tập của các cháu, đặc biệt là giữ được tiếng Việt cho các cháu là «món quà quý nhất» chúng tôi có thể dành cho các ông bà tại quê nhà».
Hai bố con cháu Nguyễn Chí Dũng
Chị Hồ Kiều Nga – Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Bulgaria- Chủ chuỗi cửa hàng đồ ăn Việt nam và châu Á Thăng Long đầu tiên tại Bulgaria:
«Cộng đồng người Việt nơi đây tuy chưa thành đạt như các nước nhưng điều hạnh phúc là có sự tôn trọng của người địa phương. Chính quyền và các tầng lớp trong xã hội người ta rất tôn trọng cộng đồng người Việt Nam mình».
Chị Hồ Kiều Nga
Thùy Vân – Đào Dũng/VOV- Paris
Từ Sofia