(VOV5)- Giữa dòng người xuôi ngược trong cái lạnh cuối năm như trên đất Bắc, ở sân bay Đào Viên - chặng dừng chân đầu tiên ở Đài Loan, nhóm phóng viên chúng tôi tình cờ gặp chị, đang ngơ ngác với cái bản khai nhập cảnh, mà như chị thanh minh, bao năm đi Đài Loan, đây là lần đầu tiên chị phải khai tờ giấy này:
Nhấn để nghe nội dung chi tiết:
“Chị là Trần Thị Nam quê ở Nam Đàn Nghệ An, sang Đài Loan được 9 năm.”
Người ta ngược xuôi về quê với Tết, với sum họp gia đình. Còn chị, giúp việc nhà, được chủ tin tưởng, nên lại ngược chiều người đi, tất bật về lo Tết nhà chủ. Bà cụ chủ người Đài Loan năm nay đã 89 tuổi trời, khó có thể thiếu bàn tay chị:
“Chị nói với em là bên này người ta cũng rất cần, bà cụ ốm nặng, chỉ có nhờ chị chăm sóc thôi, chứ con gái bà cụ là ở bên Mỹ cả, về chăm sóc cho chị 40 ngày mà người ta cũng rất nóng ruột, vì người ta cũng có gia đình bên Mỹ. Cảm thấy thôi cuộc sống xa nhà, xa ăn Tết quen rồi, thôi thì cố gắng một tí cũng không sao.”
|
Chị Trương Thị Bích (áo dài trắng) trong lễ trao giải thi diễn thuyết tiếng Trung - bên cạnh là các chị tham gia đội văn nghệ Nam Dương
|
Trong cái Tết cộng đồng sum họp ở Tân Bắc, chị Trương Thị Bích, quê ở Lý Nhân, Hà Nam, cũng làm giúp việc ở Đào Viên được gần chục năm, gắng gượng đến vui cùng bạn, khi còn xanh lướt sau đợt xạ trị. Chị bị u não đã mấy năm nay, nhưng nhờ chính sách bảo hiểm y tế rất tốt của Đài Loan, và sự chăm sóc tận tình của nhà chủ, chị vẫn gắng gượng làm việc, để dành được tiền về nuôi con: "Vì con cái, thôi thì mình phải hy sinh"
Hỏi địa chỉ liên lạc, chị đưa một cái nick name buồn như đôi mắt lúc nào cũng loáng nước của chị: Bích tha phương.
Những trường hợp lao động giúp việc nhà người Việt như của chị Nam, chị Bích tưởng là cá biệt, nhưng khi chúng tôi đi khắp Đài Bắc, Đài Nam, thì con số ấy không nhỏ, và hầu hết trong số họ, đều bước đi từ đồng ruộng, cảnh nhà khốn khó, kiếm đồng tiền nuôi con chẳng dễ dàng gì, nên đành phải từ giã cuộc sống gia đình đầm ấm để đi làm việc nơi xứ người:
“Tôi tên Triệu Thị Lai, quê ở Phú Thọ, sang Đài Loan được 10 năm, công việc của tôi là giúp việc gia đình. Việc chính là chăm sóc cụ già.
Tôi là Đặng Thị Phương Lan, tôi ở Đài Loan được 11 năm, công việc chăm sóc cụ già. Ở Việt Nam ở nhà suốt ngày chỉ có đi cày bừa, gia đình rất hoàn cảnh, bố mẹ chồng mất sớm, hai vợ chồng cứ lặn lôi đóng gạch, đi cày, đi cấy, chồng đi xây…, chị suốt ngày đi chở thuê đất. Sinh được cháu trai đầu cứ địu cháu đằng sau, đi trước là con trâu với xe đất. 2 mẹ con mỗi buổi sáng xe đất chỉ được hai mươi nghìn, mỗi sáng cố lấy 5 xe đất…”
Chị Lai có hai con. Ly dị chồng từ khi con còn nhỏ, một mình nuôi con bao năm không đủ ăn, chị nhờ bố mẹ nuôi con để đi lao động: "Ngày đầu tiên đi hầu như ngày nào mình cũng lôi lịch gạch ra từng ngày. Chị đi bố mẹ nuôi con cho chị, cũng chỉ định đi 2 năm rồi về với con. Mà ngày ấy mơ ước lớn nhất của chị là kiếm được cái xe đạp mới để đưa con đi học đón con về."
|
Chị Phương Lan tham dự Tết Việt cùng cộng đồng tại thành phố Tân Bắc do Văn phòng Văn hóa Kinh tế VN tại Đài Bắc tổ chức |
Đã 10 năm nay, chị Lai, chị Phương Lan đều chưa biết đến cái Tết ở nhà, không một đêm giao thừa quây quần bên gia đình thân thuộc. Chị Phương Lan kể: “Bắt đầu nhìn thấy nào con cái, rồi ở trên mạng nhìn người ta mổ lợn, làm bánh chưng, đón Tết, đi chợ mua hoa mua kẹo bánh. Mỗi lần nhìn thấy lại muốn khóc, nhớ nhà, muốn khóc nhưng phải chịu. Từ ngày sang đây 10 năm rồi chị chưa về ăn Tết lần nào, toàn về lúc con nghỉ hè để thăm chồng thăm con. Dịp tết bên này họ cũng cần mình, con cái người ta toàn ở Mỹ rồi, ở khắp nơi về vào cái ngày 30 Tết này là ngày quan trọng nhất của người ta. Thôi nhớ cũng phải chịu, vì công việc của mình sang đây là phải kiếm tiền."
Còn chị Lai: Đến bây giờ vẫn không nguôi nỗi nhớ nhà, nhất là mỗi khi mùa thu đến, vẫn nhớ nhà, cứ khi mùa thu gió heo may se se lạnh, mà bóng nắng trải dài trên đường, chị nhớ nhà, nhớ bố mẹ mà nhớ hai con của mình…mà đến bây giờ chị lớn rồi, chị vẫn cảm giác nhớ bố mẹ, nhớ các em gái của mình nhiều lắm…
Chính quyền Đài Loan hiện nay đang làm rất tốt công tác giúp hòa nhập cho dân nhập cư mới, vì thế, các chị được hòa nhập với cộng đồng, học nói học viết tiếng Trung, học văn hóa miễn phí, tham gia văn nghệ, tổ chức hội đoàn. Những đôi bàn tay lam lũ từng chỉ biết đóng gạch, cầm cuốc, cầm liềm…bây giờ tự múa những bài biểu diễn truyền thống, tự may trang phục…Không có kỳ sinh hoạt chung nào các chị không tham gia.
Từ khi Đài Loan đóng cửa thị trường giúp việc nhà, thì những người lao động tốt như các chị đều được nhà chủ yêu thương, hàng năm xin gia hạn tiếp hợp đồng, giữ lại làm việc như người thân thuộc. Ra đi vì sinh kế, ở lại gia hạn hợp đồng cũng vì sinh kế, nên cứ cố hết hợp đồng lần này đến lần khác để cải thiện thu nhập. Đa số những gia đình người chủ Đài Loan cũng không phải là giàu có, chỉ neo người, và họ đối xử với các chị cũng rất ấm áp tình người.
Ngược lại, các chị cũng phải làm việc như thế nào, mới được người sử dụng lao động tin yêu, giữ lại, như chị Trần Thị Nam chia sẻ: "Nhiều người thấy chị gửi tiền về, cũng bảo muốn đi, nhưng đi sang không chịu nổi rồi lại về. Chị bảo chỉ có nhẫn nại thôi, nhẫn nại và chịu khó. Mình ở nhà đi làm nông, rét cũng cấy cày giữa đồng, còn sang đây chỉ có chịu đựng, lắng nghe nhà chủ nói, mình tiếp thu mà không hiểu thì chịu khổ rồi cứ học dần dần."
Niềm an ủi lớn nhất của những người phụ nữ ấy là tương lai của con cái. Không hẹn mà gặp, chị Lai, chị Lan, chị Nam đều đã xây được nhà ở quê, cho con đi học. Tin tưởng tuyệt đối vào người chồng ở nhà đã hy sinh để dạy dỗ con cái nên người, bây giờ chị Phương Lan đi làm tiếp để lo tiền cho con đang du học tự túc tại Nhật Bản. Còn chị Trần Thị Nam trong câu chuyện kể, gương mặt tần tảo thoáng ánh nét tự hào: “Năm rồi chị về cưới vợ cho thằng con trai đầu và đứa con gái thứ hai.”
Những người phụ nữ lao động giúp việc chúng tôi đã gặp trong những ngày đông cuối bên Đài Loan, câu chuyện về gia đình, về chồng con đều làm mắt họ loáng ướt, nhưng giọng nói vẫn luôn cứng cỏi, miệng vẫn tươi cười. Đông đã qua, rồi xuân đã tới, cây cối, vạn vật đã hồi sinh. Dù còn đắn đo nhiều nỗi đường xa lắm, nhưng chị Lai vẫn tràn đầy tin tưởng: "Mình cảm giác con người Việt Nam cũng nên tự hào, vì những chủ sử dụng lao động Việt Nam đều khen người Việt Nam vừa linh hoạt, vừa khôn ngoan, vừa khéo léo. Mình cũng có nghe thông tin đài báo nói thế này thế khác, nhưng xã hội cũng có người tốt người xấu, mình thấy không hổ thẹn với con người Việt Nam, vì tất cả những chị em sang lao động bên này, hay cô dâu lấy chồng đều là người cần cù chịu khó."
Và dù là Bích - tha - phương, nhưng chị Trương Thị Bích vẫn hy vọng một ngày hết bệnh tật, để trở về làm một việc gì có ý nghĩa hơn cả: "Chính bản thân tôi ngày xưa ở nhà có làm nghề truyền thống, là nghề thêu ren, nên tôi nuôi một cái ý định từ khi tôi còn rất nghèo, là tôi sẽ vực được cái nghề truyền thống này cho tất cả những người còn cầm được kim. Làm quản lý nghề thêu ren này tôi sẽ không lựa thợ, kể cả học sinh và người già, miễn là cầm được kim là tôi đều nhận. Tiến tới nếu điều kiện sức khỏe cho phép, tôi sẽ quay trở lại Việt Nam để tạo dựng nghề truyền thống."
Một nhà thơ Việt xa xứ, ông Bá Trạc, nay ở Phần Lan, từng viết:
Ngày xưa trong những bài hát cũ
Nay mới hay ra toàn chuyện buồn
Câu hát của người xa đất mẹ
Hát từ những thủa có quê hương.
Câu hát của những phụ nữ giúp việc chúng tôi đã gặp ở Đài Loan có lẽ không buồn đến vậy. Vì đúng là họ phải xa đất mẹ, nhưng đó là vì một tương lai tươi sáng hơn.
Hẹn gặp lại nhé, chị, Bích – tha – phương!