(VOV5) - Trong chuyến đi công tác ở Australia, đoàn phóng viên VOV chúng tôi có dịp được đến thăm gia đình anh Phạm Bảo Khánh Linh, một Việt kiều ở Sydney. Đến đây, chúng tôi như được sống trong một không gian thuần Việt ngay giữ lòng Sydney.
Căn nhà một tầng rộng rãi với những chậu hoa giấy tím, cây cảnh ngoài sân cũng như rất nhiều căn nhà vùng ngoại thành ở Việt Nam. Bước chân vào trong ngôi nhà, tất cả chúng tôi đều cảm nhận được một cảm giác ấm cúng như đang được ở ngay trong gia đình mình. Ở đây, chúng tôi dường như quên đi cảm giác cách xa về khoảng cách địa lý tới gần 7.800 cây số.
|
Cả không gian trong nhà đều dành hết cho các vật dụng truyền thống của Việt Nam |
Ngay gian ngoài trang trọng, gia đình anh Linh để ban thờ Phật và gia tiên trang nghiêm với các đồ thờ cúng như các gia đình truyền thống ở Việt Nam. Khó tìm thấy nơi nào trong gia đình được bài trí theo phong khách “Tây”, vì cả không gian trong nhà đã dành hết cho các vật dụng truyền thống của Việt Nam, từ sập gụ, tủ chè, bàn thờ gia tiên, bàn thờ Phật, những bức họa khảm trai cầu kỳ, tinh tế. Kể cả những vật dụng nhỏ như bộ cốc chén, lọ tăm… cho đến những đồ dùng trong nhà bếp như con dao, thớt gỗ, bát đũa… cũng được vợ chồng gia chủ kỳ công đem từ Việt Nam sang trong những lần về thăm quê hương.
Có được một không gian thuần Việt như vậy, chủ nhà đã dành mọi tâm huyết cho từng chi tiết nhỏ nhất trong căn nhà, để thu hẹp mọi khoảng cách địa lý giữa Hà Nội với Sydney.
Anh Phạm Bảo Khánh Linh tâm sự: “Tôi sắp xếp không gian này giống như ngày trước đại gia đình tôi còn ở phố Hạ Hồi, Hà Nội. Dưới là sập gụ, trên là tủ chè và trên nữa là 3 ông Phúc, Lộc, Thọ. Và trên tường là bức hoành phi câu đối Đức Lưu Quang. Những vật dụng này là từ xưa của gia đình tôi Hà Nội đem sang bên này trang trí lại để nhớ về một góc nhỏ của gia đình”.
|
Kể cả những vật dụng nhỏ như bộ cốc chén, lọ tăm cũng được vợ chồng gia chủ kỳ công đem từ Việt Nam sang |
Không phải ngẫu nhiên mà anh Khánh Linh có được sự am hiểu khá sâu sắc về văn hóa dân tộc Việt Nam. Tất cả là một quá trình miệt mài bồi đắp. Những cuốn sách quí được anh tích cóp dần từ những chuyến về Việt Nam hay bạn bè cho tặng luôn được anh nghiên cứu để hiểu thêm về những nét đẹp của đất nước, con người Việt Nam.
“Nước Úc là nước đa sắc tộc nhưng hầu hết các bạn bè ở đây khi tới chơi nhà đều rất ngưỡng mộ văn hóa Việt Nam. Mỗi lần có khách, tôi đều giải thích với họ về những nét đẹp, những nét văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam” - anh Linh tâm sự.
Không chỉ bài trí căn nhà theo truyền thống của người Hà Nội xưa, anh Linh cũng dành niềm đam mê đặc biệt cho nghệ thuật tạo hình cây cảnh. Đó vừa là một nghề mưu sinh, vừa là dịp để anh có thể giới thiệu với bạn bè quốc tế nét độc đáo tinh tế ẩn sâu trong vẻ mộc mạc, giản dị của nghệ thuật cây cảnh Việt Nam. Sau nhiều năm nghiên cứu, theo đuổi đam mê, anh đã trở thành một Nghệ nhân cây cảnh giành được nhiều giải thưởng, được nhiều hội cây cảnh, câu lạc bộ bon-sai trên khắp Australia ghi nhận.
“Nghệ thuật chơi cây cảnh ở bất kỳ quốc gia nào cũng dùng cây, dùng đất, dùng đá, dùng nước… Cứ tạm hiểu nó như bảng chữ cái, còn sắp xếp như thế nào cho thành văn vẻ, có vần có điệu là tùy theo các sắc tộc, văn hóa của từng sắc dân tộc. Như ở Việt Nam, cây cảnh mang nét đẹp của thiên nhiên, cái hài hòa, tự tại cho nên các cụ nhà ta dẫn dắt nhiều ý tưởng nhân văn mà nhìn cái cây vẫn rất mềm mại và thanh thoát. Mỗi văn hóa có sự tương đồng và sự dị biệt, điều quan trọng là cảm thụ như thế nào dưới góc nhìn của mỗi cá nhân”- anh Linh nói.
|
Sau nhiều năm nghiên cứu, theo đuổi đam mê, anh Linh trở thành một Nghệ nhân cây cảnh ở Australia. |
Tình yêu thiên nhiên sâu sắc và niềm đam mê nghệ thuật cây cảnh của Việt Nam đã giúp anh Linh trở thành một Nghệ nhân cây cảnh nổi tiếng trên khắp Australia và cũng giúp nhiều bạn bè nước ngoài hiểu thêm về nét văn hóa, sự sáng tạo của con người Việt Nam.
Trong một không gian văn hóa thuần Việt, sinh hoạt của gia đình anh Khánh Linh hầu như cũng không khác cách đây gần 30 năm- như hồi còn ở Việt Nam. Tất cả mọi người trong gia đình dù ở ngoài xã hội nói bằng tiếng Anh, nhưng khi đã về đến nhà thì hoàn toàn giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Từ đứa con nhỏ nhất mới 5 tuổi cũng nói tiếng Việt sõi như những đứa trẻ khác ở Việt Nam. Không những thế, thỉnh thoảng bé còn líu lo hát những bài hát thiếu nhi mà những đứa trẻ ở Việt Nam hay hát.
Anh Khánh Linh cho biết, năm nào dù bận rộn đến mấy, gia đình anh cũng cho các con về Việt Nam để các con được sống trong không khí ở quê nhà, để các con khắc ghi trong lòng là dù làm gì, ở đâu cũng không được quên tiếng mẹ đẻ, quên được cội nguồn.
“Từ khi các con mới lọt lòng, chúng tôi chỉ sử dụng tiếng Việt để dạy các cháu. Các cháu lớn lên bằng những bài hát ru, những câu truyện cổ tích của Việt Nam. Không những thế, hàng tuần tôi còn đưa các con đến các trung tâm dạy Tiếng Việt để các cháu học tập thêm. Các con tôi đều sinh ra ở đây nhưng nói tiếng Việt như những đứa trẻ khác ở trong nước. Trong gia đình tôi chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt. Dù ở nước ngoài, nhưng trong gia đình các con tôi được sống trong một môi trường thuần Việt”- chị Thu, vợ anh Khánh Linh tâm sự.
Sống ở Australia đã gần 30 năm, nhưng gia đình vẫn giữ truyền thống của người Việt. Hầu như các bữa cơm trong gia đình đều là cơm Việt. Các con của anh Linh đều biết giúp mẹ nội trợ, nấu các món ăn Việt Nam. Vì thế dù cách trở về địa lý nhưng trong gia đình anh Khánh Linh vẫn có không khí như khi còn ở Việt Nam.
|
Sống ở Australia đã gần 30 năm, nhưng gia đình vẫn giữ truyền thống của người Việt |
“Cô con gái thứ 2 của tôi năm nay đang học Đại học Y khoa năm thứ 2 có thể vào bếp nấu món ăn Việt Nam đãi khoảng vài chục khách đến chơi nhà là chuyện bình thường. Các con trai cũng vậy, đều biết nấu các món ăn Việt Nam”- chị Thu khoe.
Ông Hoàng Minh Sơn, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney, Australia cho rằng, gia đình anh Khánh Linh là một gia đình bà con Việt kiều gìn giữ rất tốt truyền thống văn hóa của Việt Nam. Điều này thể hiện văn hóa đất nước không bao giờ phai nhạt trong con người Việt Nam. “Tôi nghĩ là đây là một điển hình trong việc giữ gìn truyền thống, thể hiện tình cảm của bà con luôn luôn hướng về Việt Nam”.
Cũng có lẽ vì thế, trong câu chuyện với chúng tôi, vợ chồng anh Khánh Linh luôn đau đáu tình cảm dành cho Hà Nội, cho đất nước. Thỉnh thoảng, nỗi nhớ ấy lại được anh Khánh Linh ngẫu hứng kết thành những vần thơ để cả gia chủ và khách đều cảm thấy mênh mang nỗi nhớ quê nhà:
Xuân về xứ lạ nắng chói chang
Cảm nhận sao đây hỡi xuân nàng
Bao năm lưu lạc không quên được
Mộng gửi tầm xuân ánh nắng vàng
Quê nhà xưa mỗi độ xuân sang
Tỏa ánh bình minh chốn địa đàng
Chim ca bướm lượn hoa đua nở
Khí tiết trời xuân thật dịu dàng