(VOV5) - Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngày 29/5, cộng đồng người Việt tại Cuba tổ chức mít tinh, phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Chủ tịch Hội Việt kiều tại Cuba Mai Thảo đã cực lực lên án hành động phớt lờ dư luận, xâm phạm một cách trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam mà Trung Quốc đang tiến hành, đồng thời yêu cầu Trung Quốc cần phải chấm dứt ngay những hành động gây hấn, rút ngay giàn khoan và các tàu bảo vệ khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhân dịp này, cộng đồng người Việt tại Cuba đã phát động đợt quyên góp ủng hộ các chiến sỹ cảnh sát biển và kiểm ngư.
Trước đó, sinh viên và kiều bào Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, đã cùng ký vào bức thư chuyển tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Madrid và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Barcelona, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương- 981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.
|
Cộng đồng Việt Nam tại Cuba góp tiếng nói phản đối hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. |
|
Cộng đồng người Việt tại Sydney giơ cao những biểu ngữ phản đối hành động trái phép của Trung Quốc. |
Hội Sinh viên Việt Nam tại bang Tây Australia (VISAWA) tổ chức chương trình quyên góp "Ủng hộ cảnh sát biển Việt Nam bảo vệ chủ quyền Biển Đông" nhằm đóng góp một phần dù nhỏ bé vào sự nghiệp chung của dân tộc, thể hiện tâm nguyện sát cánh cùng các chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam luôn kiên định ý chí, vững vàng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Ngày 28/5/2014, Hội Hữu nghị Hy Lạp-Việt Nam đã có thư do Chủ tịch Hội, ông Giannis Agrigiannakis ký, gửi Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp. Bức thư viết: “Chúng tôi, Hội Hữu nghị Hy Lạp-Việt Nam, quan ngại sâu sắc về các sự kiện liên quan đến các hoạt động của giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam. Các hành động đơn phương luôn đe dọa ổn định và có thể ảnh hưởng tới an ninh của khu vực và tại Biển Đông. Tự do hàng hải và an ninh của người dân được luật pháp quốc tế bảo hộ, và điều đó giúp bảo đảm hòa bình và hợp tác giữa các dân tộc để cùng chung sống. Chúng tôi ủng hộ các biện pháp hòa bình của Việt Nam, bao gồm cả các hành động mang tính pháp lý, để bảo vệ chủ quyền và bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.”
Trước đó, tại cuộc họp định kỳ của Ủy ban ASEAN tại Athens (gồm Đại sứ và các quan chức ngoại giao các nước ASEAN tại Athens: Indonesia, Philippines, Thailand và Việt Nam), Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp Vũ Bình đã thông báo đầy đủ, chi tiết về hành động xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và các hành động sai trái khác của TQ, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, Tuyên bố về Ứng xử (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia, gây căng thẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh-an toàn hàng hải, hàng không tại khu vực Biển Đông và đến hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực và trên thế giới. Đại sứ đã cập nhật về các diễn biến mới nhất về việc Trung Quốc xâm phạm vùng nước của Việt Nam, có những hành động hung hãn, nguy hiểm đối với lực lượng chấp pháp và người dân đánh cá Việt Nam trong khi đưa ra các tuyên bố trái ngược với sự thật và vu cáo Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam cũng giải thích rõ với các đồng nghiệp ASEAN về lập trường, chính sách và các biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế đang và có thể được áp dụng của Việt Nam. Đại sứ đồng thời thông tin cụ thể về Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng NG các nước ASEAN, thái độ của các nước và phản ứng của dư luận thế giới về các hành động đơn phương, vi phạm của Trung Quốc và trao Đại sứ các nước ASEAN tại Athens các tài liệu liên quan.
Tại cuộc gặp, các nhà ngoại giao các nước ASEAN đã bày tỏ quan ngại về sự vi phạm luật pháp quốc tế, về các hành động đơn phương đi ngược lại với Tuyên bố về ứng xử DOC, bày tỏ thái độ ủng hộ đối với các biện pháp Việt Nam đang tiến hành và không đồng tình với các hành động, việc làm cũng như lời nói của phía Trung Quốc./.