Cũng như ở các nước khác, ở Mỹ, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất, người dân Việt Nam đều hướng về tổ quốc với những tình cảm, mong ước tốt đẹp nhất. Trong những ngày này, cộng đồng người Việt trên khắp nước Mỹ cũng đang háo hức chuẩn bị đón năm mới Mậu Tuất mặc dù những ngày Tết ở đây mọi người vẫn phải đi làm bình thường.
|
Các thành viên trong cộng đồng người Việt tại Mỹ cùng nhau chuẩn bị đồ gói bánh chưng. |
Đối với những người Việt đã ở Mỹ lâu năm, họ đã quen với việc đón Tết xa nhà nên phần nào cũng nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương và người thân. Còn những người mới sang thì thời điểm cuối năm chính là lúc nhớ nhà nhất, đặc biệt là khi thời đại công nghệ, mọi thông tin, hình ảnh về không khí chuẩn bị Tết ở Việt Nam tràn ngập khắp trên các báo và mạng xã hội.
Đây là năm đầu tiên bà Nguyễn Thị Vân đón Tết trên đất Mỹ. Bà tâm sự mình rất nhớ không khí Tết ở nhà khi con cháu được quây quần và nhà nhà, người người hối hả chuẩn bị cho Tết. Cứ nhắc tới Tết là bà lại buồn buồn, tâm trạng.
“Đối với tôi thì Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam rất là quan trọng. Đời sống của nhân dân mình rất là phong phú và rất là mong đến ngày Tết cổ truyền để gặp nhau vui vẻ và con cháu tập trung vào rất vui, rồi là cúng tổ tiên. Mâm cơm 30 Tết rất là đầm ấm. Tất cả họ hàng xum họp một bữa 30 Tết và 1 bữa mùng 1 Tết cũng rất là quan trọng đối với gia đình tôi.
Năm nay phải đón Tết ở nước ngoài vì phải sang chăm chút cho cháu ngoại một tý nên thành thử ra cũng hơi buồn. Buồn vì không được đón cái không khí Tết rất vui ở Hà Nội mình nên mình đành xem trên TV vậy”, bà Vân chia sẻ.
Những người mới sang Mỹ thường vẫn còn nhiều lưu luyến, cảm xúc với không khí Tết cổ truyền nên họ thường tụ tập thành một nhóm, tổ chức các hoạt động chung, cùng nhau chuẩn bị cho Tết. Năm nay, gia đình chị Mỹ Quyên và các gia đình người Việt khác trong khu chung cư, cùng nhau gói bánh chưng trước Tết.
Chị tâm sự đây sẽ là một kỷ niệm vui vì đây là lần đầu tiên chị gói bánh chưng, lúng túng lúc ban đầu nhưng sản phẩm cuối cùng rất ổn còn không khí thì rất rôm rả vì ai ai cũng háo hức.
Chị Quyên nói: “Cũng không khó như mình tưởng bởi vì hiện nay đã có những công cụ trợ giúp ví dụ như cái khuôn gỗ như thế này. Một, hai lần đầu thì cũng thấy lạ một chút nhưng sau đó thì cũng ổn, không có vấn đề gì. Tất nhiên là không bằng ở nhà nhưng vì có các cháu trẻ con nên cũng cố có những hoạt động mà làm cho các cháu có cảm giác được gần nhà hơn cho nên chúng tôi cũng có những hoạt động như gói bánh chưng hoặc là đi lễ chùa chẳng hạn vào ngày mùng 1.
Chúng tôi có một cái may mắn là cộng đồng người Việt của chúng tôi ở đây khá là lớn, ví dụ như tòa nhà chúng tôi có 4 gia đình, tổng cộng khoảng 20 người thì nó cũng làm cho cảm giác Tết được gần gũi với ở nhà hơn nhiều, đỡ hơn nhiều so với một số gia đình không được đông đủ như chúng tôi ở đây”.
|
Bên Mỹ cũng có đầy đủ các loại nguyên liệu để gói bánh chưng. |
Cùng tham gia gói bánh chưng còn có gia đình anh Hùng, một trong số ít những người đàn ông tham gia nhiệt tình, nhưng nhất quyết không dùng khuôn mà chỉ gói bánh chưng bằng tay.
Anh Hùng cho biết: “Cũng lâu lắm rồi mình mới gói bánh chưng, lần này rất là đặc biệt lại gói ở bên đất Mỹ. Phải mấy năm rồi mình mới được gói bánh chưng như thế này cho nên cảm xúc cũng rất là lạ.
Mới đầu cũng phải làm quen lại, nhớ lại cách mình gói ngày xưa như thế nào nên cũng hơi lung túng lúc đầu đầu, nhưng bây giờ có vẻ cũng hơi quen quen rồi. Mình cũng chỉ gói bằng tay thôi vì không quen gói bằng khuôn.
Hy vọng sẽ có cái bánh ngon để đón Tết. Năm đầu tiên ăn Tết ở xa nhà thế này cũng có nhiều cái bâng khuâng, nhớ cái Tết cố truyền của Việt Nam mình, nhưng mà được cái bên này cũng có một cái cộng đồng, mọi người tổ chức những cái hoạt động như thế này thì cũng làm cho mình phần nào là đỡ cái cảm giác nhớ Tết của quê hương”.
Mặc dù xa quê hương, xa tổ quốc, nhưng những người Việt tại Mỹ luôn muốn gìn giữ những truyền thống xa xưa, một là để gìn giữ nét văn hóa, hai là để giáo dục cho thế hệ con cháu về những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Năm nào cũng vậy, cứ tới dịp Tết là chị Phùng Thị Tuyết lại sửa sang, trang trí lại bàn thờ tổ tiên và chuẩn bị mâm cơm cúng, và khi sang Mỹ cũng vậy vì đây đã là một thói quen của gia đình chị.
Chị Tuyết tâm sự: “Việc chuẩn bị bàn thờ trước Tết thứ nhất là mình cũng muốn cho con cái biết việc phải biết ơn đối với tổ tiên. Việc chuẩn bị bàn thờ để cho gia tiên cũng là để đón năm mới, mong những điều tốt lành đến với toàn thể gia đình, chính vì thế mà mình rất coi trọng việc chuẩn bị bàn thờ ngày Tết.
Mình cũng sẽ mua gà, nấu canh măng, măng miến rồi cũng làm một mâm cỗ Tết, cũng tự gói giò, gói bánh chưng, nói chung là bọn mình cũng cố găng làm tương đối đầy đủ như ở Việt Nam. Thực phẩm thì hơi khó kiếm nên sẽ phải kiếm trước và cho vào ngăn đá, sau này sẽ lấy ra và chế biến”.
|
Những chiếc bánh chưng vuông vức sau khi được gói xong. |
Đó là tâm lý và sự chuẩn bị chung của những người Việt ở Mỹ trong những ngày giáp Tết. Còn anh Đỗ Minh Hoàng thì lại khác. Mặc dù đã sinh sống và làm việc tại Mỹ được 7 năm, năm nào anh cũng cố gắng để dành ngày phép và tiết kiệm tiền để đưa gia đình về Việt Nam ăn Tết.
“Đối với tôi, những dịp về Tết là một cơ hội để cho con tôi, cháu được sinh ra ở nước ngoài, giúp cháu có thời gian và cơ hội tiếp xúc với họ hàng, người thân trong gia đình. Cũng là dịp để cháu biết được nét truyền thống văn hóa của người Việt nhất là vào đợt Tết cổ truyền này thì cháu sẽ thấy được cái không khí và sẽ hiểu được ý nghĩa về văn hóa của người Việt Nam ta, đặc biệt là cháu ở nước ngoài lâu năm và có thể về sau sẽ sinh sống ở nước ngoài”, anh Hoàng nói.
Dù mỗi người có cách đón Tết khác nhau trong hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, mọi người Việt ở Mỹ cũng như khắp nơi trên thế giới đều hướng về tổ quốc với những tình cảm, mong ước tốt đẹp nhất trong năm mới như chị Tuyết chia sẻ: “Mong muốn của tôi cho năm mới và cho tất cả mọi người đó là sự bình an, nếu có sự bình an cả bên trong và bên ngoài thì mọi thứ sẽ đến dễ dàng và mọi người mong muốn điều gì thì cũng dễ đạt được. Chỉ cần bình an thôi, bạn sẽ có tất cả”.