(VOV5)- Cách đây 4 năm, chúng tôi từng giới thiệu cùng quý vị và các bạn về một cộng đồng Việt ở Pyatigorsk, thành phố nhỏ nhưng nổi tiếng của Liên bang Nga về du lịch, nghỉ mát, trung tâm công nghiệp và khoa học. Đây cũng là cửa ngõ ra vào các vùng đất Capcadơ, nên mặc dù dân số ít, vẫn là vùng có hoạt động thương mại tương đối phát triển. Qua 4 năm với rất nhiều thay đổi, thăng trầm của nước Nga nói chung cũng như cộng đồng Việt tại Liên bang Nga nói riêng, đời sống cộng đồng Việt ở Pyatigorsk có những nét khác xưa, mà điều đầu tiên có thể thấy, là từ ba chợ buôn bán cũ ban đầu của người Việt, đã hình thành các trung tâm thương mại hiện đại theo yêu cầu của nước Nga.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
|
Ông Nguyễn Khắc Thành đi thăm người bán hàng ở chợ LIRA cũ (ảnh tư liệu) |
Trước đây, ba chợ chính do người Việt quản lý là chợ Lira, chợ Agrasov, và chợ Latik, ngoài ra một số mở cửa hàng bán lẻ trong khu dân cư, làm dịch vụ và xây dựng. Chợ của người Việt là chợ nhỏ, nằm trong cả khu quần thể chợ rất lớn của nhiều sắc khác. Hoạt động chợ mới hình thành từ cuối những năm 90 của thế kỷ 20 trở về đây. Ngay khi luật pháp nước Nga có dấu hiệu chuyển đổi, yêu cầu khắt khe hơn về giấy tờ, việc kinh doanh… thì ban quản lý chợ Lira của người Việt đã chuẩn bị những bước đi chắc chắn cho việc thay đổi này cả về tài lực, vật lực, nhân sự.
Và qua 4 năm, chợ Lira cũ đã thành Trung tâm thương mại lớn, như ông Nguyễn Khắc Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Lira chia sẻ: Kế hoạch này có từ 4 năm về trước, sau hai năm thực hiện được và sau 2 năm đi vào hoạt động thì đến nay nó chứng tỏ rằng mô hình mới này đã sống được, đã đáp ứng được nhu cầu của bà con cũng như khách hàng. Đến bây giờ thì Trung tâm thương mại đã có tên tuổi, đáp ứng được tất cả mọi nhu cầu của người bán cũng như người mua trên khắp mọi miền phía Nam nước Nga. Bây giờ đến đấy có thể mua được tất cả những gì mình cần thiết và bán được tất cả mọi loại hàng.
|
Pyatigorsk - Ảnh: panoramio.com |
Pyatigorsk trước đây đã từng có hàng trăm học sinh Việt Nam theo học tại trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ và trong số đó có rất nhiều người thành đạt sau này. Những người Việt đầu tiên là những du học sinh, nghiên cứu sinh từ những năm 60 của thế kỷ trước. Cộng đồng người Việt ngày nay hoàn toàn khác: từ những người lao động ở lại, thăm thân..., cũng giống như cuộc sống của đa số người Việt trên đất Nga, chủ yếu sinh sống bằng kinh doanh. Không có con số thống kê chính thức lượng người Việt ở Pyatigorsk, do luôn có sự luân chuyển và biến động, nhưng ước tính khoảng trên 2000 người chủ yếu là kinh doanh buôn bán, và một số là công nhân xây dựng luân chuyển từ các vùng khác về. Do chính sách về ngoại kiều của nước Nga có nhiều thay đổi và thắt chặt hơn, cuộc sống của một số người Việt ở Pyatigorsk cũng gặp những khó khăn về thẻ cư trú, giấy tờ hợp pháp.
Chi hội người Việt của thành phố thành lập vào năm 2008, với các lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, kêu gọi đoàn kết, ủng hộ từ thiện, tổ chức những buổi giao lưu văn hoá, thi đấu thể thao...Ông Nguyễn Khắc Thành, đồng thời là lãnh đạo Chi Hội người Việt ở Pyatigorsk - cho biết điều thuận lợi là cộng đồng Việt vốn có những quan hệ tốt với nhân dân địa phương, với chính quyền trong suốt quá trình dài từ ngày hình thành, là một cộng đồng yêu lao động, dễ hòa nhập, tuy nhiên, luôn cần có một sự nỗ lực từ chính các thành viên cộng đồng, cũng như hoạt động chi Hội. Chính vì vậy, từ hoạt động ổn định của Trung tâm thương mại Lira, hiện là Trung tâm lớn nhất của người Việt, cũng là một trong những yếu tố giúp cho những hoạt động chung của cộng đồng được bền vững hơn: Thực ra quá trình chuyển đổi không bị gián đoạn mà là sự chuyển tiếp, tức là xây dựng đến đâu, chuyển đổi đến đó, nên việc thương mại của cộng đồng người Việt nói riêng cũng như người làm thương mại nói chung đều được sự chuyển tiếp tự nhiên, không ảnh hưởng mấy. Tất nhiên, trong quá trình xây dựng cũng có ảnh hưởng đến việc đi lại không thuận tiện trong quá trình buôn bán, thì có thể chỉ giảm đi chứ không mất đi. Chính vì được liên tục như vậy nên mọi hoạt động khác đều có những ảnh hưởng tích cực. Bà con vẫn sinh hoạt cộng đồng, vẫn có thu nhập. Mọi công tác vẫn được triển khai như văn hóa văn thể được tiến hành đều đặn. Quan hệ đối ngoại với địa phương cũng như mọi công tác trong đơn vị với nhau vẫn được làm tốt.
Hiện tại, người Việt sống rải rác cùng trong các khu dân cư của thành phố, dù cũng có một số sinh hoạt trong khu ky túc xá cùng các sắc dân khác. Ông Nguyễn Khắc Thành cho biết, cùng với sự phát triển trung tâm thương mại, ban quản lý Lira đã nung nấu một ý định ổn định nơi ăn chốn ở của cộng đồng: Hiện tại Trung tâm thương mại đã xây dựng một khu ở riêng, chưa đưa vào hoạt động. Tiến tới sẽ đưa vào lượng chỗ ở rất lớn cho bà con, để bà con có thể ổn định về nơi ăn ở, hoạt động đoàn thể, quần chúng.
Hiện nay, cũng như nhiều nơi khác trên đất Nga, Pyatigorsk đã có thể hệ người Việt thứ hai, thứ ba. Theo ông Nguyễn Khắc Thành, một nhu cầu có thực và cấp thiết có thể nhìn thấy, đó là nhu cầu về trường học, một môi trường thuận lợi cho thế hệ tiếp theo, nên từ việc an cư mới lạc nghiệp, sẽ còn nhiều công việc phải làm. Định hướng chính trong công tác cộng đồng của chi hội, là giúp các công dân Việt Nam sinh sống ổn định, hợp pháp, hòa nhập với đất nước sở tại, giữ bền vững tình hữu nghị giữa người Việt với người dân nước Nga.Và đó là điều mà những người làm công tác cộng đồng ở Pyatigorsk đang nỗ lực thực hiện./.