(VOV5) - Những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, nhiều người Việt đến Chùa Vĩnh Nghiêm trong trung tâm thương mại SAPA, Cộng hòa Séc để thắp hương thành tâm khấn nguyện.
Đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài, đi lễ chùa đầu năm không chỉ là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đậm đà bản sắc dân tộc, mà còn là dịp để bà con trao truyền lại những giá trị truyền thống tốt đẹp trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Đại sứ Việt Nam tại Séc Thái Xuân Dũng và Phu nhân cùng lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Séc chúc Tết nhà chùa Vĩnh Nghiêm, Praha |
Những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, rất đông bà con trong cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc đã đến Chùa Vĩnh Nghiêm trong trung tâm thương mại SAPA, Cộng hòa Séc để thắp hương thành tâm khấn nguyện. Chia sẻ về ý nghĩa phong tục của người dân Việt Nam, Thầy Thọ Thích Tâm Giác, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm tại SAPA cho biết, đầu năm mới, theo truyền thống văn hóa Việt Nam, quý phật tử đến chùa để lễ phật cầu an những điều tốt đẹp nhất trong năm mới với tâm nguyện cầu những điều tốt đẹp mới nhất sẽ đến trong năm mới. Mọi người thường cầu mong năm mới đem đến sự bình an cho gia đình hạnh phúc và đặc biệt là cầu nguyện cho quốc thái dân an, tất cả mọi người đều bình an và hạnh phúc.
Đã thành truyền thống, trong ngày đầu năm mới, Đại sứ Việt Nam tại Séc Thái Xuân Dũng cùng Phu nhân và lãnh đạo Hội người Việt tại Séc đã thành tâm ra chùa Vĩnh Nghiêm để thắp nén nhang và cầu mong cho gia đình, người thân, bà con cộng đồng một năm mới sức khỏe và bình an.
Truyền thống lên chùa cầu phúc, bình an đầu năm mới vẫn được bà con cộng đồng người Việt tại Séc duy trì. |
Lên chùa vào ngày lễ, tết còn là một truyền thống lâu đời của người Việt, tạo nên nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Phật tử Tâm An Hoa cho biết: Với người Việt, dù có đi năm châu bốn bể thì vẫn nhớ đến truyền thống ngày đầu năm ra chùa để lễ phật tổ, cầu ước sức khỏe, công việc, bình an cho gia đình, bạn bè, người thân. Đó là truyền thống từ nhiều nghìn năm trước đã được ông bà cha mẹ đã truyền tải lại cho con cháu đến ngày nay