PV: Thưa anh Hồ Sỹ Trúc, anh đã tham gia làm báo cho cộng đồng cũng như tham gia rất nhiều các hoạt động của cộng đồng nhiều năm qua. Từ góc nhìn của một người trong cuộc, đã nhìn, đã trải qua, anh có thể cho biết về tình hình của cộng đồng người Việt ở Ukraine cũng như khi ở Kiev hiện nay?
Anh Hồ Sỹ Trúc: Sau khi cách mạng Cam nổ ra (từ 2014 đến giờ), đã bảy năm rồi. Quá trình đó ta gọi là họ khủng hoảng chính trị, sau dần dần ổn định, nhưng sau này thêm chiến tranh ở miền Đông nữa, nên rõ ràng vấn đề kinh tế dù cố gắng mấy thì sự phát triển vẫn có hạn chế. Bà con người Việt sống tại đây cũng phải theo cảnh đó thôi, không thể tránh được. Rõ ràng bảy năm qua là thời gian rất khó khăn của cộng đồng người Việt Nam ở trên toàn Ucrane này.
Chợ Troeshina nơi chủ yếu tập trung bà con người Việt Kiev kinh doanh cá thể. - Ảnh: Hồ Sỹ Trúc. |
Còn ở Kiev thì ít bà con hơn. Và nói đúng ra tại thủ đô mức sống của người dân thủ đô có thể có chút gì đó nhỉnh hơn các thành phố khác, vì thế bà con đi chợ, bán hàng, kinh doanh tại Kiev về mặt bằng chung có đồng đều hơn một chút, cũng dễ thở hơn.
Còn ở các thành phố khác, có rất nhiều anh em bạn bè tôi ở đó vẫn nói như hiện nay thì vô cùng khó khăn, nhiều người thậm chí không biết sẽ xoay xở kiểu như thế nào, cuộc sống khó khăn lắm. Bởi suốt bảy năm ròng bà con ta chủ yếu duy trì cuộc sống hằng ngày. Cũng như tôi đây, đi ba chục năm, trên ba chục năm cả rồi, các con cháu của mình thành dân bản địa ở đây rồi, rất khó khăn để mà thay đổi. Bởi thế cho nên đây là một câu hỏi rất nan giải.
Do ảnh hưởng nặng nề của dịch covid, cùng với tình hình kinh tế xã hội khó khăn chung của Ucrraine, bà con tiểu thương ở chợ kinh doanh chủ yếu duy trì cuộc sống hàng ngày. - Ảnh: Hồ Sỹ Trúc. |
PV: Trong thực trạng vô cùng khó khăn như anh nói, thì câu chuyện ứng phó với đại dịch Covid 19 của người Việt ở Kiev như thế nào thưa anh?
Anh Hồ Sỹ Trúc: Bắt đầu lúc đại dịch xảy ra từ tháng 12/2019, nhưng tại Ukraina thì chính thức vào ngày 13/3 tuyên bố lệnh cách ly. Thời ấy đại sứ Nguyễn Anh Tuấn đã chỉ thị cho các Hội đoàn người Việt tại các thành phố khẩn trương thành lập Ban hỗ trợ cộng đồng, đồng thời sứ quán cũng hỗ trợ một khoản tiền cho các thành phố có một chút quỹ từ đầu.
Hàng rau tại chợ với những câu chuyện vui hàng ngày trước khi covid 19 ập đến - Ảnh: Hồ Sỹ Trúc. |
Với Hội người Việt Kiev lúc xảy ra đại dịch thì Ban chấp hành tổ chức họp online bầu ra Ban hỗ trợ cộng đồng phòng chống covid, đã phân chia công việc rõ ràng người nào việc ấy. Trưởng ban là anh Nguyễn Vĩnh Phương, Phó Chủ tịch thường trực - là người theo dõi sát sao nhất và cụ thể nhất tất cả mọi việc biến động về tình hình covid của cộng đồng. Còn anh Phạm Văn Bằng là Chủ tịch thì thường xuyên quán xuyến chung.
Phương châm chúng tôi đặt ra, trước hết là tuyên truyền cho bà con cách phòng chống covid. Bà con xảy ra bất cứ việc gì gọi đến số đường dây nóng chúng tôi sẽ tư vấn. Chúng tôi hỗ trợ tư vấn cho những ai đó gọi điện đến, nếu cần chúng tôi hỗ trợ tìm chỗ test, nếu bà con muốn đi bệnh viện thì có người quản lý công việc gọi điện cho xe cấp cứu; nếu cần phải dịch thuật chúng tôi cũng có một nhóm anh em sẽ dịch thuật cho bà con. Khi vào bệnh viện rồi có vấn đề gì đó cần dịch thì chúng tôi sẽ dịch thuật online.
Rồi sau đó phát triển Quỹ chống covid của Hội người Việt. Thời kỳ đầu chúng tôi tổ chức quỹ đó được sự ủng hộ rất lớn của bà con, vì là quyền lợi chung của mọi người. Và đã làm được hai đợt, có nguồn quỹ để hỗ trợ cho bà con. Tất cả anh em trong Ban lúc nào cũng trực chiến hầu như 24/24, hễ có ai gọi đến bất kỳ lúc nào là có thể hỗ trợ lúc ấy. Điều này thấy rõ hiệu quả, là sau một năm tại Kiev xảy ra ba đợt dịch trong cộng đồng - chính thức có đến 176 người ở đây đã bị covid - và được chữa trị khỏi hoàn toàn 100%. Tất nhiên cả quá trình làm việc của anh em trong Ban công tác chống covid của cộng đồng đã làm tất cả những gì tốt nhất có thể để giúp đỡ bà con.
Bên cạnh đó không thể không ghi nhận câu chuyện của nhóm Tương trợ Ukraine. Mỗi một thành phố đều có một nhóm đó, bởi vì đó là nhóm của các anh em lưu học sinh ở đây lập ra, mỗi thành phố có một nhóm nhỏ để hỗ trợ bà con và kết hợp với Hội người Việt tại thành phố.
Tôi biết rằng tại Kiev sự hỗ trợ này rất là tốt, có tác dụng đối với bà con. Và bà con được hưởng lợi rất nhiều khi các tổ chức xã hội đều quan tâm đến. Thực sự đến nay không còn một người nào bị covid nữa. Và ta có thể nói rằng tại đây (Kiev) người Việt đã chiến thắng covid.
PV: Vâng anh cũng đã từng chia sẻ rằng trước giai đoạn này, anh chị cũng bị nhiễm covid và chị thì bị rất nặng và đã phải trải qua những ngày tháng rất khó khăn, nhưng cũng rất ấm áp tình người của y bác sĩ người Ukraine và tỉnh đồng bào đồng hương người Việt. Câu chuyện trợ giúp trong chống dịch có lẽ cũng nói lên được cái tình nghĩa của đồng bào Việt Nam mình...
Anh Hồ Sỹ Trúc: Tôi dám tin tưởng rằng tất cả bà con tại Kiev này khi nói đến câu chuyện chống dịch đợt vừa rồi, cũng hiểu rằng người của các tổ chức hội đoàn đã làm tất cả những gì tốt nhất có thể cho bà con rồi. Và điều đó chứng minh qua hiệu quả.
Còn vợ chồng chúng tôi chắc chắn là nhận được sự quan tâm như tôi vừa nói, đồng thời lúc vào viện, không phải riêng chúng tôi mà các trường hợp vào viện cần phải can thiệp, thì các anh lãnh đạo Hội đã gọi điện để bệnh viện quan tâm. Khi chúng tôi tổ chức gây quỹ lần thứ nhất có hỗ trợ cứ mỗi người đi nằm bệnh viện 3.000 hryvnia (tương đương khoảng hơn 100 USD); còn người nhiễm bệnh ở nhà thì 2.000 hryvnia. Sang đợt dịch thứ hai nguồn quỹ cạn dần, sau đó chúng tôi tổ chức vận động bà con lần thứ hai. Ban đầu do mới bị covid mình cũng chưa biết được tình hình bệnh viện như thế nào, sau này biết được rằng đi bệnh viện không mất tiền, nên anh em rút lại, cho đến tận bây giờ hỗ trợ các trường hợp nào khó khăn thôi.
Còn trường hợp như vợ chồng tôi thì cũng được nhận hỗ trợ mỗi người ở khoảng 1.000 hryvnia, có tính chất động viên, giá trị kinh tế thực sự không phải là cái gì lớn lao nhưng chính là sự ấm áp, sự quan tâm, tình cảm của cộng đồng dành cho mình.
Hội Người Việt Kiev cảm ơn các bệnh viện đã chữa trị Covid cho bà con. - Ảnh: Hồ Sỹ Trúc. |
Qua ba đợt covid rồi, sau đó chúng tôi cũng đã xin và được đại sứ quán chấp nhận, chính Đại sứ (hồi trước là Đại sứ Nguyễn Anh Tuấn và bây giờ là Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch) đã viết những bức thư cảm ơn đến các bệnh viện. Sau đó Hội người Việt tổ chức anh em đi vào các bệnh viện tặng hoa cảm ơn, để cho bác sĩ ở đây thấy rằng người Việt Nam có tình có nghĩa, có trước có sau.
Xin cảm ơn anh Hồ Sỹ Trúc về những thông tin anh đã chia sẻ