Người Việt xứng đáng được công nhận là thiểu số tại Czech

(VOV5)- Các điều kiện theo luật, Cộng đồng người Việt đều đáp ứng. Quy trình để được công nhận gồm 6 bước, cộng đồng đã làm được 4 bước.

Từ sau năm 1990, sau khi Cộng hòa Czech chuyển đổi thể chế chính trị và nền kinh tế, nhiều học sinh, sinh viên, lao động học nghề và công nhân người Việt đã ở lại và hình thành cộng đồng người Việt Nam tại đây và càng ngày càng đông đảo. Cộng đồng người Việt Nam tại Czech là cộng đồng người nước ngoài có số lượng đông thứ 3, sau người Ukraine và Slovakia. Theo kết quả thống kê của Tổng cục Thống kê Cộng hòa Czech, hiện nay có khoảng 90.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Czech, trong đó có gần 60.000 người Việt Nam có cư trú dài hạn và 30.000 người Việt mang quốc tịch Czech.

Người Việt xứng đáng được công nhận là thiểu số tại Czech - ảnh 1
Một khóa lễ tại chùa của cộng đồng người Việt tại Czech

Trong những năm qua, cộng đồng người Việt ở CH Czech đã để lại không ít dấu ấn tốt đẹp về sự thân thiện và đức tính nhẫn nại, siêng năng trong mắt bạn bè. Với tính kỷ luật được rèn giũa trong các nhà máy, xí nghiệp nước bạn và sự cần cù chăm chỉ, những người lao động Việt Nam sống lâu năm ở đây cùng một bộ phận lưu học sinh, du học sinh hiện tại đã góp phần tạo dựng ra một cộng đồng năng động, được người dân bản xứ hết sức trân trọng, quý mến.

Hiện có khoảng 30 cộng đồng người ngoại quốc sinh sống tại Czech. Trong đó có 12 cộng đồng đã được công nhận là dân tộc thiểu số của CH Czech.

Nhằm tạo chỗ đứng pháp lý vững chắc cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống hợp pháp lâu dài và ổn định, tạo sự bình đẳng với các dân tộc thiểu số khác tại Czech, Hội người Việt Nam tại Czech phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Czech đệ đơn đề nghị Chính phủ Czech công nhận người Việt là dân tộc thiểu số thứ 13 sau 12 dân tộc thiểu số đã được công nhận. 

Việc đề nghị Chính phủ Czech công nhận cộng đồng người Việt tại đây là dân tộc thiểu số cũng tạo điều kiện để cộng đồng người Việt ở Czech hội nhập sâu vào đời sống kinh tế-xã hội của nước sở tại.
Người Việt xứng đáng được công nhận là thiểu số tại Czech - ảnh 2
Ông Hoàng Đình Thắng- Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Czech

Ông Hoàng Đình Thắng-Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Czech cho biết: “Chúng tôi muốn nhận được các điều kiện bình đẳng cho cộng đồng người Việt so với các dân tộc tại Cộng hòa Czech. Không có lý gì, khi cộng đồng người Việt đông thứ 3 ở đây, có những đóng góp, nghĩa vụ và mang lại lợi ích không nhỏ cho xã hội Czech mà lại không được công nhận như Czech đã công nhận đối với 12 cộng đồng khác". Đa số người Việt đang sinh sống và làm việc tại Czech trong độ tuổi lao động. Họ làm việc và trả thuế cùng các khoản đóng góp khác cho xã hội Czech. Dẫn số liệu của Bộ Tài chính Czech, ông Hoàng Đình Thắng cho biết, hằng năm, các doanh nghiệp Việt Nam đã nộp khoảng 680 triệu korun tiền thuế.

Theo luật của Cộng hòa Czech, dân tộc thiểu số được hình thành trên cơ sở những người có quốc tịch Czech hay dân tộc khác đang sống ở Czech, khác với các dân tộc khác về nguồn gốc sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống và đại diện cho một thiểu số đông đảo. Luật cũng đề cập tới việc dân tộc đề nghị công nhận có một lịch sử hình thành.

Người Việt xứng đáng được công nhận là thiểu số tại Czech - ảnh 3
Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Czech Đỗ Xuân Đông

Theo Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Czech Đỗ Xuân Đông, tất cả các điều kiện trên, Cộng đồng người Việt đều đáp ứng. Cộng đồng người Việt Nam tại Czech đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Czech. Quy trình để được công nhận gồm 6 bước, cộng đồng đã làm được 4 bước, chỉ còn lại 2 bước cuối cùng.

“Cộng đồng Việt Nam tại Czech là một cộng đồng thuần khiết nhất thế giới, chăm chỉ làm ăn. Họ là cầu nối thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước và đóng góp vào việc mở rộng quan hệ ngoại giao cũng như thương mại lẫn nhau. Sự đóng góp của họ đối với quê hương thứ hai rất đáng ghi nhận. Các quan chức từ trung ương đến địa phương của Czech đều ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Cộng hòa Czech. Đặc biệt là thế hệ thứ 2, thứ 3 của người Việt học rất giỏi, là tấm gương của con cháu người Czech, của các dân tộc khác noi theo, học tập theo”- Đại sứ Đỗ Xuân Đông nói.

Theo con số thống kê mới nhất, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Czech năm 2012 đạt 242,1 triệu USD, tăng 10,1% so với năm 2011 và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2012, cộng đồng doanh nghiệp Cộng hòa Czech đã đưa Việt Nam vào danh sách 12 quốc gia mà Cộng hòa Czech sẽ ưu tiên thúc đẩy phát triển hợp tác thương mại, đầu tư.

Và còn một điều rất đáng ghi nhận, theo Chủ  tịch Hội người Việt Nam tại Czech Hoàng Đình Thắng, ở Czech, số người Việt Nam sống bất hợp pháp gần như không có. Hơn nữa, cộng đồng bà con người Việt tại đây rất thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Hội người Việt Nam tại Czech là một tổ chức phi Chính phủ tự nguyện, cũng liên tục tổ chức hội thảo, các cuộc gặp gỡ cơ quan Chính quyền của nước sở tại nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kinh doanh thuận lợi, trên cơ sở chấp hành luật pháp nước sở tại.

“Có thể nói Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Czech là một cộng đồng rất có tổ chức. Hội gồm 44 chi hội ở hầu hết các địa phương trên lãnh thổ Cộng hòa Czech. Hoạt động trên phương châm tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau ổn định cuộc sống, khuyến khích hội nhập sâu vào nước sở tại, và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Đây cũng là điều mà Chính phủ Czech mong muốn”- Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Czech Hoàng Đình Thắng nói.

Nếu được công nhận là dân tộc thiểu số, cộng đồng người Việt tại Czech sẽ được thụ hưởng những quy chế rộng rãi hơn giống như người bản xứ. Điều này sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn, không chỉ cho cộng đồng hiện nay mà còn cho con cháu của người Việt tại Czech trong tương lai.

Được biết, giữa tháng 11/2012, Hội đồng Chính phủ về sắc tộc thiểu số của Cộng hòa Czech đã có cuộc họp bàn thảo về đơn đề nghị được công nhận là dân tộc thiểu số của cộng đồng người Việt Nam.

Hội đồng đã hoàn tất chuyển hồ sơ cho Chủ tịch Hội đồng Chính phủ về sắc tộc thiểu số, Bộ trưởng Ngoại giao Karel Schwarzenberg để quyết định việc đệ trình đơn lên Chính phủ./.


Phản hồi

Các tin/bài khác