Trong nhóm VK - kiều bào xây cầu bê tông giúp Việt Nam có nhiều mạnh thường quân nữ. Không kém cánh mày râu, họ cũng quyên tiền, góp sức giúp dân nghèo nối những nhịp cầu giao thông.
Là người luôn có mặt trong hầu hết các chuyến đi của đoàn xây cầu, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, vợ ông Nguyễn Văn Công (kiều bào Pháp, là trưởng nhóm VK) cho biết: "Phụ nữ đóng vai trò là cảm tình viên đắc lực trong việc thuyết phục, động viên cánh mày râu lặn lội nắng mưa đi bắc những nhịp cầu. Ví như chồng tôi và các kỹ sư, thợ thầy lo chuyện xây cầu, tôi phụ giúp việc hậu cần".
Nhiều năm qua, ngoài việc quản lý công ty, gia đình, bà Linh luôn dành thời gian cùng VK đến các vùng sâu vùng xa. Không chỉ ủng hộ chồng xây cầu giúp nông thôn, bà Linh còn tuyên truyền, vận động và kêu gọi được nhiều cảm tình viên, mạnh thường quân nữ giúp quê nghèo vượt khó. Bà kể, ngoài những cái tên xuất hiện trong danh sách như Trần Khánh Vân, Phan Thị Sách... nhóm VK còn có nhiều mạnh thường quân nữ giấu mặt vì những nỗi niềm riêng không thể bày tỏ.
Theo bà Linh, so với cánh mày râu vất vả nắng mưa dầm mình dưới sông suối để xây cầu thì tấm lòng thiện nguyện của chị em cũng vô cùng to lớn. Có những nữ kiều bào ở Mỹ và châu Âu đã tặng gần chục cây cầu giúp dân nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng xin ẩn danh. "Xa đất tổ, nhớ quê hương, chị em đều muốn tri ân nơi chôn nhau cắt rốn nên luôn sẵn lòng giúp nông dân, trẻ em gặp khó khăn", bà Linh cho hay.
|
Nhóm kiều bào VK và tình nguyện viên, cảm tình viên, mạnh thường quân họp mặt và chụp ảnh lưu niệm ngày 27 Tết Canh Dần. Ảnh: Vũ Lê. |
Điển hình như trường hợp một nữ doanh nhân ở California giấu tên đã tặng 6 cây cầu mang tên Gia Long để tưởng nhớ ngôi trường bà từng theo học thời thanh nữ ở Sài Gòn. Hay một nữ kiều bào ở Pháp tặng cầu ở Vĩnh Long, Trà Vinh, để cảm ơn quê hương và tri ân những đồng hương. "Tuy là những bóng hồng ẩn danh nhưng tấm lòng của họ được bà con nông dân ghi lòng tạc dạ", bà Linh nói.
Không chỉ có những nữ Việt kiều xây cầu giúp quê hương vượt khó, nhiều phụ nữ là người nước ngoài cũng trìu mến tặng gần chục cây cầu cho làng quê nghèo Việt Nam. Chỉ trong 3 năm qua, nhiều phụ nữ Nhật đã trao tặng 6 cây cầu bê tông giúp dân nghèo ở Đồng bằng sông Cửu Long xóa cầu khỉ.
Bà Kida Hiromi (giáo viên về hưu) cùng chồng tặng 3 cây cầu ở Long An, Vĩnh Long và nhà ăn cho 600 học sinh của trường Mỹ Bình chia sẻ: "Tôi yêu trẻ và hạnh phúc vì giúp được các em đến trường an toàn bằng cầu bê tông thay cho cầu khỉ, cầu tre".
|
Bà Kida Kyoko không chỉ quyên tiền xây cầu, tặng học bổng cho trẻ em đường phố mà còn dự định thực hiện một dự án giúp trẻ em thiểu năng tại Việt Nam. Ảnh: Vũ Lê |
Ở tuổi 70, đầu bạc trắng, bà Kida Kyoko cùng một Việt kiều Nhật quyên tiền xây cầu VK 125 tại xã Mỹ An, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long tặng dân nghèo. Bà còn trao tặng 18 suất học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cho em đường phố. "Tôi chỉ mong học sinh và người nghèo có cơ hội vươn lên khi cầu bê tông nối nông thôn với thành thị", bà tâm sự.
Còn bà Kubo (67 tuổi), trong chuyến thăm Việt Nam cũng động lòng trắc ẩn khi ghé thăm vùng nông thôn nghèo khó. Bà đã thuyết phục chồng quyên tặng 2 cây cầu bê tông giúp trẻ em và nông dân nghèo. Bà Kubo tâm sự: "Chồng tôi đã dành tặng cho tôi món quà bất ngờ nhưng vô giá khi ông ấy đồng ý quyên tiền xây cầu tặng Việt Nam. Chúng tôi sẽ còn trở lại với những kế hoạch mới".
Trưởng nhóm VK, Nguyễn Văn Công cho biết: "Chúng tôi đã xây hơn 140 cây cầu bê tông tặng nhiều vùng nông thôn nghèo khó. Mỗi một nhịp cầu được bắc qua sông suối đều in đậm dấu ấn của những mạnh thường quân, cảm tình viên là chị em phụ nữ".
Ông Công cho biết, từ Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long... đến Bạc Liêu, Kiên Giang hay cực Nam của Tổ quốc là đất mũi Cà Mau và cả các tỉnh miền Trung, cao nguyên, nơi nào VK tặng cầu thì các chị em cũng theo cùng. "Những đóa hồng ấy là một phần không thể thiếu của VK", ông nói.
Theo Vũ Lê/vnexpress