(VOV5) - Lòng yêu nghề, tận tâm với học trò của những thầy cô giáo kiều bào đã giúp cho các em nhỏ được học và tìm hiểu tiếng mẹ.
Cuộc sống mưu sinh nơi xa xứ đã khiến cho người Việt ở nước ngoài không thể có điều kiện để dạy và giúp con em của mình học tiếng Việt. Những lớp tiếng Việt được mở ra ở các khu vực có đông cộng đồng người Việt đã giúp cho cha mẹ thực hiện được mong muốn này. Mời quý vị và các bạn gặp gỡ một số giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài, nghe họ chia sẻ để hiểu được hành trình mang con chữ tới cho thế hệ trẻ kiều bào.
Nghe âm thanh tại đây:
Nghe chia sẻ của cô giáo Lê Thị Kim Dung, giáo viên ở trường tiểu học Siêm Riệp, ở Campuchia mới thấy hết được những khó khăn mà các cô phải trải qua khi vận động phụ huynh đưa con em tới lớp. Hoàn cảnh sống khó khăn, nhận thức, trình độ hạn chế khiến cha mẹ cảm thấy không cần thiết đối với việc dạy tiếng Việt cho con em mình.
Đại sứ Vũ Quang Minh đánh trống khai trường năm học 2018-2019. Ảnh: nhandan.vn
|
Với các học sinh đến lớp, các cô không chỉ dạy tiếng, dạy chữ mà còn phải rèn các em về đạo đức. Trong khi nhiều giáo viên nhiệt tình nhưng không đủ trình độ để uốn nắn được các em. Dù được chi hội việt kiều ở Siêm Riệp tài trợ về cơ sở vật chất, nhưng để có thể mang tiếng Việt tới cho các em cần phải có những giáo viên tâm huyết. Cô Lê Thị Kim Dung cho biết:“Chi hội việt kiều của tỉnh Siêm Riệp, tài trợ để mở trường. Nói chung cơ sở vật chất rất là tốt, rất đẹp. Nhưng để định hướng là dạy gì thì chưa có. Trường có tên là trường đa năng. Mục đích ban đầu rất hay. Dạy các em học tiếng Việt và cả tiếng Campuchia. Tức là sau khi học ở trường này có thể chuyển sang theo học ở Campuchia được, nghĩa là có định hướng cơ bản. Sau này, các em muốn học nghề thì học luôn ở nhà cộng đồng đa năng. Nói chung không có đủ giáo viên để dạy nên tôi lo lắm, lo cho thế hệ con em Việt Nam sống ở bên đó”.
Lễ khai giảng lớp dạy tiếng Việt dành cho con em cộng đồng người Việt Nam tại thủ đô Vienna, Áo. Ảnh: hanoimoi.com.vn
|
Với cô giáo Trần Thanh Hằng, ở Áo, thì phương pháp truyền thống day tiếng việt cho người Việt không phù hợp bởi các em đều là những thế hệ được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Vì vậy, các cô phải thay đổi hình thức, áp dụng phương pháp dạy học tiếng Việt cho người nước ngoài. Để có được những lớp tiếng Việt cho con em, cô giáo Hằng đã cùng Hội người Việt ở Áo tổ chức nhiều khóa học tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài. Cô Trần Thanh Hằng chia sẻ:“Chúng tôi dạy theo khóa, mỗi khóa 8 tuần. Một năm 2 khóa và 4 lớp, để dạy cho trình độ từ lớp 1 đến lớp 5. Mọi chuyện sẽ thay đổi, thay đổi từ phương pháp dạy, thay đổi cách vận động bố mẹ, vận động các con, thay đổi về thời gian địa điểm. Tìm những người có tâm, những người thực sư mong muốn mang tiếng việt đến với con em ở bên đó”.
Cô giáo Lan Hương, kiều bào tại CHLB Đức |
Những tâm sự của các cô giáo đều cho thấy, khó khăn mà hầu hết cộng đồng người Việt ở các nơi gặp phải đó là thực sự thiếu những người yêu nghề giáo và tâm huyết với các em nhỏ người Việt. Cô giáo Nguyễn Lan Hương, việt kiều ở Đức, tình nguyện đến các trung tâm dạy cho con em người Việt vào cuối tuần. Đồng thời, tới những trường vùng sâu, vùng xa, động viên phụ huynh đưa con em tới trường dạy tiếng Việt. Trường Sao Mai, nơi cô và các đồng nghiệp làm việc nhiều năm nay đã góp phần giúp cho các em nhỏ được học và tìm hiểu về tiếng mẹ. Cô giáo Nguyễn Lan Hương kể về hoạt động của cô và các đồng nghiệp ở Trường Sao Mai như sau:“Không chỉ tôi mà đồng nghiệp của tôi ở bên Đức cũng rất nhiệt tình. Những bạn nào tôi biết là giáo viên thì tôi hỏi có muốn dạy không? Bạn có yêu nghề, có thiết tha với nghề này không thì chúng mình cùng đồng tâm, hợp lực. Giảng dạy cho con em mình càng vào lớp, càng yêu, càng say sưa hơn. Những người học qua sư phạm thì đều tâm huyết với nghề. Các đồng nghiệp tôi bảo nhau rải đi các cơ sở để giúp con em và các bạn miệt mài như thế”.
Lòng yêu nghề, tận tâm với học trò của những thầy cô giáo kiều bào đã giúp cho các em nhỏ được học và tìm hiểu tiếng mẹ. Vượt khó để gieo tiếng Việt nơi xa xứ, các thầy cô luôn mong muốn qua tiếng Việt, kết nối các em nhỏ gần hơn với cội nguồn dân tộc.