(VOV5) - Qua việc chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt với nhau tại các
Diễn đàn, những giảng viên tiếng Việt ở nước ngoài đều mong mỏi sẽ thực sự góp phần làm cho văn hóa và ngôn ngữ Việt lan tỏa khắp thế giới.
Lớp học tiếng Việt cho trẻ em của cô Nguyễn Bích Diệp tại Bỉ với khóa học chủ đề St. Nicholas vào ngày 2/12/2023, học sinh hào hứng học từ vựng tiếng Việt để mô tả cách ăn mừng Giáng sinh, vẽ tranh cùng nhau và đóng kịch ngắn. - Ảnh: Diễn đàn gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài |
Việc giảng dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài có những yêu cầu riêng, đặc thù về nội dung và phương pháp; mà trong đó yêu cầu về giáo dục, về văn hóa gốc của người Việt, làm sống lại những nét đặc sắc về văn hóa cội nguồn thông qua ngôn ngữ, là một vấn đề rất quan trọng được nhiều giáo viên dạy tiếng Việt chia sẻ, tại những Diễn đàn dạy và học tiếng Việt dành cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Là một đại diện cho thế hệ những ông bố, bà mẹ thế hệ 8X, cô Nguyễn Thị Phương, giảng viên Đại học ở Pháp và cũng là chuyên gia tư vấn về ngành giáo dục đã cùng những người bạn thân mở ra hai mô hình dạy tiếng Việt ở Paris: lớp Cánh diều năm 2014 và lớp Cầu vồng năm 2020. Khẳng định tiếng Việt là một ngoại ngữ đối với những người sinh ra và đang lớn lên ở nước ngoài, cô Nguyễn Thị Phương sử dụng khái niệm “ngoại ngữ và tình cảm” khi nhìn nhận về việc dạy và học tiếng Việt hiện nay ở nước ngoài.
Nghe âm thanh bài tại đây:
"Tôi tự nhận thấy có một sự khác biệt khá lớn giữa thế hệ của chúng tôi 8X với những thế hệ người Việt nhập cư trước đây vào nước sở tại. Có lẽ điều khác biệt lớn nhất và sự khác biệt này tạo nên một tác động tích cực lớn nhất đến những đứa con của chúng tôi: Tức là thế hệ của chúng tôi có thể về Việt Nam rất thường xuyên, một hoặc nhiều lần trong một năm. Đó đã từng là một điều không tưởng đối với nhiều thế hệ Việt kiều trước, vì những lý do chiến tranh, xung đột vv…. Các con được gặp lại ông bà nội và ông bà ngoại rất thường xuyên, được gặp và chơi với cả các anh chị em họ của chúng, thậm chí ông bà nội ngoại có thể sang sống với chúng nhiều tháng trong một năm, nên việc học tiếng Việt ngày nay thực sự thuận tiện, dễ dàng. Vì tôi cũng là người làm về lịch sử giáo dục, tôi có một dự cảm rằng là đây thực sự là thời kỳ vàng son của của việc dạy tiếng Việt ở ngoại quốc. Và rất hi vọng nó còn được tiếp diễn và phát triển cao hơn." - Cô Nguyễn Thị Phương chia sẻ.
Tuy nhiên, do thực tế tâm lý lứa tuổi mới lớn cũng như nhu cầu sử dụng ngôn ngữ nào được ưu tiên hơn, việc dạy tiếng Việt cho các con không phải là thế “bị, phải" học tiếng Việt theo yêu cầu của bố mẹ, mà theo cô Phương, việc dạy tiếng Việt ở nước ngoài trước tiên là nghệ thuật tương tác với các con. Khi đặt nhân vật chính, chủ thể quan trọng nhất của việc học tiếng Việt chính là những đứa trẻ, thì tình yêu của bố mẹ với con cái sẽ góp phần giúp chúng thêm yêu tiếng Việt, muốn tiếp thu tiếng Việt.
Với học sinh gốc Việt, tiếng nước sở tại mới là ngôn ngữ chính thức, là tiếng mẹ đẻ, còn tiếng Việt sẽ là ngôn ngữ tiếp theo. Từng có những kinh nghiệm giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội, trường viết văn Nguyễn Du và cũng là giảng viên văn hóa tiếng Việt và tiếng Pháp tại Paris, đồng thời là một người viết sách, cô Trần Thu Dung, giảng viên văn hóa tiếng Việt và tiếng Pháp tại Paris đã ứng dụng những kinh nghiệm dạy ngoại ngữ cho người nước ngoài vào giảng dạy tiếng Việt.
Tiến sĩ Trần Thu Dung - Ảnh: baotintuc.vn |
Cô Nguyễn Thu Dung cho rằng, khi dạy một ngoại ngữ, người giáo viên phải tạo được niềm vui và khát vọng tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ mới cho học viên. "Yếu tố đầu tiên khi dạy một ngoại ngữ, trước hết, bản thân người dạy phải trân trọng ngôn ngữ văn hóa mình dạy, thông qua việc dạy ngoại ngữ là để truyền bá văn hóa dân tộc và ngôn ngữ, văn hóa mà mình yêu thích. Do vậy, khi dạy ngoại ngữ, dù dạy tiếng nước nào, tiếng Pháp hay tiếng Anh hay tiếng Việt nên kết hợp nói về văn hóa.
Nếu bản thân người dạy không yêu thích tiếng mình dậy, chỉ dạy để kiếm cơm thì không lôi cuốn học viên. Kết hợp văn hóa bằng cách nào? Tức là khi mình dạy tiếng Việt, chẳng hạn, dạy từ “đàn bầu” hay “đàn tơ rưng”, nên kèm theo trích một đoạn để học viên nghe, sẽ rất thích và sẽ yêu cái ngôn ngữ đang học hơn, Văn hóa sẽ tạo nên một sức hút hấp dẫn cho người học ngoại ngữ. Thứ hai nữa là xác định đối tượng học, phải xác định đối tượng tuổi phù hợp trong mỗi bài giảng, không nên máy móc, khuôn mẫu."
Giới thiệu về ẩm thực kết hợp trong việc giảng dạy tiếng Việt tại trường tiếng Việt Lạc Long Quân, Ba Lan - Ảnh: Victoria Hoa Tran |
Giảng viên Lê Thị Thanh Tâm Trường Đại học sư phạm Hà Nội chia sẻ: Trong việc học tiếng Việt, việc tách rời không gian văn hóa giả định, cũng như tách rời bối cảnh văn hóa của ngôn ngữ sẽ làm cho việc học trở nên khó khăn hơn: "Mục tiêu học tập thường quy về một mối là chỉ cần hiểu được từ ngữ rồi hiểu cách diễn đạt. Nhưng thực tế không có bất kỳ một quyển từ điển nào đủ cho những tình huống đa dạng của từ ngữ. Và văn hóa là sức sống của ngôn ngữ. Đằng sau ngôn ngữ là một thế giới sống động của văn hóa, bao gồm văn hóa ứng xử, văn hóa, nhận thức, văn hóa, tổ chức đời sống vân vân. Và do đó một chương trình dạy tiếng Việt thực dụng không cho phép người biên soạn làm mờ đi các cái giá trị văn hóa đó. Ví dụ khi mà sinh viên sang Việt Nam học, họ cứ nghĩ chữ “đã” là nói về quá khứ. Nhưng thực chất người Việt rất ít khi sử dụng cái từ “đã” để nói quá khứ. Em ăn cơm chưa? - Em đã ăn cơm rồi... thì ít lắm, nó không tự nhiên."
Chia sẻ về vấn đề nhiều giáo viên giảng dạy tiếng Việt lưu tâm, đó là ngay cả ngôn ngữ tiếng Việt thì phát âm Bắc, Trung, Nam rất khác nhau giữa giáo viên người Việt có xuất xứ từ các vùng miền khác nhau, cô Trần Thu Dung cho rằng, điều này chấp nhận được trong ngôn ngữ. Hơn nữa do hoàn cảnh, do vấn đề kinh phí, việc dạy tiếng Việt ở nước ngoài cũng tương tự như dạy ngôn ngữ cho những người nhập cư ở nước ngoài vào: lớp học rất đa dạng, nên phải chọn cách dạy cho mỗi cá nhân, mỗi trình độ, có sự cảm thụ ngôn ngữ không tách rời văn hóa:
"Ví dụ dạy tiếng Việt cho lớp trẻ sinh sống ở nước ngoài có khát vọng hiểu được tiếng quê hương, khi mà họ đến Việt Nam họ cũng rất tự hào: tôi là người Việt đây, tôi nói được tiếng Việt, nên phải tạo cho họ niềm yêu thích đó. Và đó là dạy cho tình yêu quê hương. Yêu quê hương chính là yêu bản sắc dân tộc, văn hóa dân tộc. Cho nên việc kết hợp dạy văn hóa là rất quan trọng. Thỉnh thoảng nên tổ chức những lớp văn nghệ. Ví dụ tập nói, tập hát hay đàn một cái gì đó để cho họ yêu hơn. Kết hợp chỉ một buổi ngắn thôi, có khi nửa tiếng thôi nhưng cũng là sự hấp dẫn đối với học viên. Điều thứ ba là tạo không khí vui cho bất kỳ đối tượng nào. Khi gặp bất kỳ một ngoại ngữ nào muốn hấp dẫn và để học viên nhớ lâu thì nên tìm những cái chuyện cười đơn giản." - Cô Trần Thu Dung nói.
Ngày hội tiếng Việt 2024 được tổ chức tại Phòng Cộng đồng Việt Nam AsiaCenter - Trung tâm tiếng Việt Budapest vào chiều 15/06/2024 - Ảnh: Trung tâm tiếng Việt Budapest, Hungary |
Chính vì vậy, theo cô Lê Thị Thanh Tâm, việc tích hợp giáo dục văn hóa cội nguồn cho việc giảng dạy, đọc hiểu cho người Việt Nam ở nước ngoài, là yêu cầu đặt ra với bất cứ bộ giáo trình giảng dạy tiếng Việt nào.
Nói như cô Trần Thu Dung, qua việc chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt với nhau tại các Diễn đàn, những giảng viên tiếng Việt ở nước ngoài đều mong mỏi sẽ thực sự góp phần làm cho văn hóa và ngôn ngữ Việt lan tỏa khắp thế giới. Như ẩm thực Việt khi nói đến món nem, món phở, hay bún chả, bánh cuốn…Tất cả đều là một hình thức chuyển đoạn văn hóa qua ngôn ngữ: “Ngôn ngữ nước nào có hương vị và có vị thơm nồng riêng của văn hóa nước đó. Văn hóa chính là hương vị và hồn của ngôn ngữ. Vì vậy, nên dạy ngoại ngữ cũng là một truyền hồn, tức là truyền bản sắc dân tộc”.