Chiều 30 tết, tôi đến thăm gia đình chị Bùi Thị Lan, một gia đình Việt Kiều đang sinh sống và làm ăn ở Bắc Kinh.
Ngoài gia đình chị Lan còn có một số gia đình Việt Kiều khác cũng đang có mặt ở đây để cùng dự bữa cơm tất niên và chuẩn bị đón giao thừa theo đúng phong tục cổ truyền của người Việt Nam.
Chị Lan bày biện bàn thờ gia tiên theo phong tục của người Việt Nam. (Ảnh: Hà Thắng)
Mâm cỗ cúng giao thừa của gia đình chị Lan cũng có đủ bánh chưng, nem cuốn, canh măng miến, giò lụa, thịt đông, dưa hành. Một cảm giác xúc động trào dâng trong tôi khi bắt gặp trong góc phòng khách nhà chị một cành đào nhỏ treo những chiếc khánh cầu tài, cầu bình an, rất Việt Nam.
Chị Lan cho biết để chuẩn bị đón giao thừa, gia đình chị đã cố gắng để có được một mâm ngũ quả theo đúng phong tục cổ truyền của Việt Nam, mua một trái bưởi thì không khó nhưng mua được một nải chuối xanh ở Bắc Kinh thì lại không phải là chuyện đơn giản, ở Bắc Kinh cũng không có quả quất, chị Lan phải dùng quả quýt nhỏ thay cho quả quất. Chị cũng cố gắng nhờ người nhà ở Hà Nội gửi sang cho một cành đảo có lộc có chồi để cho giống không khí Tết ở Việt Nam.
Chị Lan gọi điện chúc Tết người thân ở Việt Nam. (Ảnh: Hà Thắng)
"Còn về mâm cỗ cúng giao thừa, vì nhờ được người mang đồ sang nên gia đình chúng tôi cũng chuẩn bị được có bánh chưng, có canh măng, có miến, và cũng tự làm được một chiếc giò xào rất ngon", chị Lan vui vẻ nói.
Chị Lan chia sẻ mỗi dịp tết đến xuân về, chị lại cảm thấy rất nhớ hương vị của nồi bánh chưng ngày tết, nhớ không khí được ngồi quây quần luộc bánh chưng, chi mong muốn sang năm sẽ thu xếp công việc để về Việt Nam, được đón không khí giao thừa, được chờ đón thời khắc thiêng liêng của năm mới trên chính quê hương mình.
Chia tay gia đình chị Lan, trong lòng tôi như vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ người thân khi chuẩn bị đón cái tết xa nhà đầu tiên ở Bắc Kinh./.