Xuân Đính là một nữ sinh gốc Việt, năm nay 18 tuổi, đang chuẩn bị làm bằng tốt nghiệp phổ thông trung học (Abitur). Từ hơn nửa năm nay, cô tình nguyện tham gia các hoạt động giúp đỡ người tị nạn ở Laiz thuộc thành phố Sigmaringen, bang Baden-Württemberg, LB Đức.
|
Hai mẹ con Xuân Đính (Ảnh từ báo Đức) |
Chiều thứ ba và thứ năm hàng tuần, Xuân Đính tới „Ngôi nhà Vàng“, ngôi nhà được gọi như vậy vì sơn màu vàng, một ngôi nhà dành cho người tị nạn ở Sigmaringen, có tới 160 người từ các sắc tộc khác nhau. Cứ gần tới 16h 30 là những đứa trẻ tị nạn đã ngóng chờ Xuân Đính tới để được cô hướng dẫn học bài, nói chuyện hoặc chơi với cô. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh và học tiếng Đức.
Thứ tư hàng tuần thì Xuân Đính hướng dẫn các em tập thể dục, thể thao, các môn điền kinh ở phòng tập của Hội Thể dục, Thể thao Laiz. Các em rất thích nên thường có từ 10 tới 20 em tham gia tập hoặc chơi.
Xuân Đính nhận xét: „Chúng tôi như một gia đình nhỏ. Đơn giản là tôi muốn giúp các em hội nhập“. Với hoạt động của mình, Xuân Đính cũng muốn động viên mọi người cùng tham gia giúp đỡ những người tị nạn. Cô nói: „Nếu tôi có thể làm được thì những người khác cũng làm được. Nếu người ta muốn dành thời gian giúp đỡ thì người ta cũng sẽ tìm được thời gian“.
Xuân Đính cho biết, phần thưởng lớn nhất dành cho cô là khi thấy các em vui cười.
Bà Trinh, mẹ của Xuân Đính sang Đức từ năm 1988, là công nhân theo hiệp định ở thành phố Cottbus. Sau khi nước Đức thống nhất, bà chuyển sang miền Tây sinh sống, lấy chồng và để được ba người con. Giờ đây, chồng bà đã về lại Việt Nam.
Xuân Đính sinh ra và lớn lên ở Đức, sau khi làm Abitur, cô muốn học đại học ngành „Tâm lý học cảnh sát“. Cô cho biết, trước đây khi đi học cũng gặp nhiều khó khăn vì là người nước ngoài. Từ khi học tiểu học, cô hay bị trêu ghẹo, chê bai, do không mặc quần áo đắt tiền, hàng hiệu, khi lớn lên một chút thì bị chê bai, nói xấu trên mạng với những lời thù địch với người nước ngoài…
Từ kinh nghiệm bản thân, sau khi học hết Realschule, Xuân Đính bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội, tìm cách giúp đỡ những người nước ngoài gặp khó khăn, những người tị nạn. Cô cho biết, những người tị nạn không phải được hoan nghênh ở Baden-Württemberg, vì nhiều định kiến được truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, cũng có nhiều người rất sẵn sàng giúp đỡ, tham gia các hoạt động từ thiện, tình nguyện để giúp đỡ những người tị nạn.
Xuân Đính nhấn mạnh, tôi sẽ cố gắng hết mình, tôi muốn góp sức mình để làm chuyển biến xã hội, bởi vì „Nước Đức cũng là quê hương tôi!".